Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư 8B Lê Trực trình phương án, thời hạn phá dỡ

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình, TP Hà Nội).

Theo đó, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị.

"Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm của chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan", thông báo nêu rõ.

thu-tuong-ket-luan-nha-8b-le-truc-vi-pham-nghiem-trong

Tòa 8B Lê Trực xây khác giấy phép như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành

Để giữ nghiêm kỷ cương, thực hiện đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Hà Nội thực hiện rà soát, kiểm tra đánh giá đúng các hành vi và mức độ vi phạm của chủ đầu tư so với Giấy phép xây dựng đã cấp và thực hiện xử phạt nghiêm minh theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư dự án trình cơ quan có thẩm quyền phương án và nêu thời hạn cụ thể thực hiện việc khắc phục sai phạm. Việc phá dỡ phần công trình sai phạm phải bảo đảm các chỉ tiêu về chiều cao, mật độ xây dựng, quy mô diện tích, chức năng sử dụng theo đúng giấy phép đã cấp, bảo đảm an toàn cho người dân và an ninh cho khu vực. Công trình sau khi cải tạo phải đáp ứng yêu cầu cảnh quan kiến trúc, phù hợp với các công trình xung quanh và bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn cho các hoạt động trong khu vực.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải tổ chức tiến hành thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng tại Dự án tại số 8B phố Lê Trực theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11.

Đồng thời tổ chức việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, có giải pháp kiên quyết, cụ thể không để xảy ra vi phạm; chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu việc quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực giáp ranh các khu có chức năng đặc thù trong thành phố Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về quản lý trật tự đô thị và thanh tra xây dựng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền phường, quận và thành phố; Các chế tài áp dụng phải bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nhanh và hiệu quả; Khẩn trương có ý kiến thống nhất về dự thảo các quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gửi UBND thành phố Hà Nội để hoàn thiện, ban hành trong tháng 11.

Trước đó, theo kết quả kiểm tra công trình 8B Lê Trực của liên ngành thành phố Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Theo giấy phép, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m, nhưng đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Hoàng Thùy

Người đầu tiên nghe tiếng gõ cầu cứu trong tàu Hoàng Phúc 18

Đôi mắt đầy vẻ mệt mỏi sau 4 ngày tìm kiếm nạn nhân tàu Hoàng Phúc 18 nhưng sáng 2/11 ông Phạm Văn Thu (43 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM) tiếp tục cùng tàu kiểm ngư ra biển tìm người mất tích. "Đi cho đến khi thấy được hết mọi người mới thôi", ông Thu nói.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18

Ông Thu (trái) đầy vẻ nôn nóng gọi điện cho nhóm ngư dân cứu người. Ảnh: Hải Hiếu

Khi tàu Hoàng Phúc 18 bị nạn tại phao số 5 luồng Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM) đêm 30/10, tàu của ông Thu đang đánh bắt cách đó một hải lý. Thấy ánh đèn pin vẫy liên tục, ông biết có người gặp nạn nên chạy đến. Họ là thuyền viên tàu Hoàng Phúc vừa được chiếc sà lan cứu vớt. Nghe nói còn nhiều người mất tích, ông Thu hối 2 thuyền viên lên tàu cá của mình, chỉ đường đến hiện trường tìm kiếm.

Người đàn ông dày dạn sương gió tăng tốc, rảo nhiều vòng quanh con tàu lật úp suốt 3 giờ trong sóng to, gió lớn nhưng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của nạn nhân. Ông Thu đành chở hai thuyền viên thoát chết về đồn biên phòng Cần Giờ để họ ăn uống, lấy sức. Không nghỉ ngơi, ông Thu nhảy lên tàu của bộ đội biên phòng ra biển vì chỉ có ông mới rõ vị trí Hoàng Phúc 18 gặp nạn. 

Sáng hôm sau, ông được mọi người tin tưởng giao trọng trách làm tài công tàu kiểm ngư chở hơn 30 người đi cứu nạn. Ngồi trên ghế lái, ông nhìn con sóng, đánh vôlăng cho con tàu đi qua các luồng rạch của biển Cần Giờ - vốn được xem là vùng biển nguy hiểm với nhiều cồn bãi, tàu rất dễ mắc cạn hoặc va vào đá ngầm. Với kinh nghiệm hơn 20 năm bám trụ vùng biển này nên ông thuộc các luồng như trong lòng bàn tay.

Tàu kiểm ngư đến hiện trường nhưng không thể cập mạn vì sóng lớn. Ông Thu vẫy ghe ngư dân đánh bắt gần đó, nhờ hỗ trợ để leo lên phần đáy tàu bị nạn đang nổi trên mặt nước. Ghe cá vừa va vào tàu bị lật úp, bên trong phát ra những tiếng động, dấu hiệu người mắc kẹt cầu cứu. "Tôi nửa tin nửa ngờ gõ lại mấy lần, bên trong gõ lại dồn dập hơn. Biết có người còn sống, tôi mừng đến run người", ông Thu kể.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18-1

Ghe cá vừa chạm vào tàu Hoàng Phúc 18 thì nghe tiếng gõ phát ra liên tục từ bên trong. Ảnh: Hải Hiếu

Sau vài giờ ngụp lặn nhưng lực lượng cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP HCM và tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III) không thể vào trong tàu Hoàng Phúc 18 cứu người do bình hơi không đủ khí.

Ông Lê Thành Quân, Chỉ huy tàu kiểm ngư đi cứu nạn, bàn với ông Thu phương án tìm thợ lặn sò, ngọc trai - những người có thể đeo ống thở nằm sâu dưới nước khoảng nửa ngày. Ông Thu gọi điện nhiều cuộc và nhờ được nhóm thợ lặn 7 người ở Tiền Giang, họ có thể chịu áp suất cao dưới nước trong thời gian dài. "Ngồi trên tàu kiểm ngư chờ thợ lặn, thấy lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp chạy lòng vòng quanh tàu bị nạn mà không có cách nào vào trong cứu người, ruột gan tôi như thắt lại", ông Thu bộc bạch.

Một giờ sau, lặn hơi đầu tiên trong 15 phút, anh Nguyễn Minh Luân (quê Kiên Giang) mở được cửa vào trong cứu anh Nguyễn Trung Tường (quê Hà Tĩnh). Sau nhiều lần thay phiên nhau mò tìm, anh Luân và các đồng nghiệp báo không thể tìm được nữa vì sóng biển lúc này đã quá to, nước đục và cũng tìm gần hết các khoang. Lực lượng chức năng quyết định rời đáy tàu Hoàng Phúc 18 để đảm bảo an toàn.

"Ai cũng lo, buồn lắm, nhỡ còn nạn nhân còn kẹt trong đấy, họ đang chờ được cứu. Nhưng mọi người không thể làm được gì", ông Thu nói.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18-2

Ông Thu (trái) hướng dẫn thợ lặn Nguyễn Minh Luân vị trí tìm người. Ảnh: Hải Hiếu

Trong hàng chục năm đi biển, người đàn ông da đen nhẻm này không nhớ đã bao nhiêu lần tham gia cứu được người gặp nạn. "Nhưng lần này có lẽ đáng nhớ nhất bởi nạn nhân được cứu sau khi kẹt trong con tàu bị úp suốt 15 tiếng, đúng là may mắn", ông Thu cười.

Cũng là người Cần Giờ, Chỉ huy tàu kiểm ngư Lê Thành Quân biết rất rõ ông Thu. Ngư dân này sẵn sàng bỏ chuyến đi biển có thể kiếm gần trăm triệu đồng chỉ để đi cứu người gặp nạn. "Năm trước ảnh cũng tham gia tìm kiếm, cứu một người trong vụ chìm ghe cá ở Tiền Giang và được Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ tặng bằng khen", ông Quân cho hay.

Sau khi cứu được thuyền viên Tường, ông Thu và nhóm thợ lặn được Cục Hàng hải Việt Nam thưởng 5 triệu đồng. Nhóm các thuyền viên sống sót trong vụ chìm tàu cũng tìm đến nhà ông để nói lời cảm ơn nhưng không gặp.

"Ổng đi từ tối qua đến giờ chưa về. Ổng hay cứu người, có nhiều người đem quà đến cảm ơn nhưng vợ chồng tôi không lấy. Đã cứu người thì chúng tôi không màng gì đến chuyện ơn nghĩa đâu", vợ ông Thu nói.

Hoàng Phúc 18 tải trọng 2.000 tấn chở hàng xuất phát hôm 28/10 từ cảng ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Gặp sóng lớn, thuyền trưởng quyết định quay lại neo đậu ở phao số 5 trên luồng Soài Rạp (TP HCM) tối 30/10. Khi 17 thuyền viên chuẩn bị đi ngủ thì sóng to đánh mạnh vào tàu, hàng hóa bị đẩy về mạn phải khiến tàu nghiêng dần rồi lập úp.

12 thuyền viên may mắn được sà làn gần đó cứu sống. Một người được các thợ lặn cứu thoát sau 15 giờ kẹt trong khoang hàng. Hai thi thể đã được tìm thấy trên biển sáng hôm qua. Hiện, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm hai thuyền viên còn lại trước khi trục vớt tàu bị nạn.

Hải Hiếu

Hai cô gái bất lực nhìn xe cháy rụi trên cầu Sài Gòn

Xe Attila cháy ngùn ngụt trên câu Sài Gòn. Ảnh: Hải Hiếu

Xe Attila cháy ngùn ngụt trên câu Sài Gòn. Ảnh: Hải Hiếu

Chiều 2/11, hai cô gái ngoài 20 tuổi chạy xe Attila từ trung tâm TP HCM đi quận Thủ Đức. Tới giữa cầu Sài Gòn, xe bất ngờ bốc khói dữ dội. Được người đi đường báo, cả hai liền quăng xe nhảy xuống đường, bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi xe.

"Lửa bùng lên quá nhanh, trong vòng một phút nó đã bao trùm cả xe. Rất may, người đi đường thông báo, nếu không chúng tôi có thể bị cháy", chủ nhân chiếc xe nói.

Xe Attila bị cháy trơ khung. Ảnh: Hải Hiếu

Xe Attila bị cháy trơ khung. Ảnh: Hải Hiếu

Cảnh sát 113, CSGT phong tỏa hiện trường, hướng dẫn xe máy đi vào làn ôtô, tránh nguy hiểm. Hàng chục cảnh sát cứu hỏa dập tắt đám cháy sau 10 phút, song xe Attila bị cháy trơ khung.

Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Hải Hiếu

Messi có nguy cơ lớn nghỉ trận Kinh điển

Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy chấn thương của ngôi sao Barca đang tiến triển chậm hơn so với dự đoán.

messi-co-nguy-co-lon-nghi-tran-kinh-dien

Real có thể đỡ đau đầu khi không phải đối phó với Messi. Ảnh: Reuters

Tờ Diario Sport cho biết, các bác sĩ của Barca tỏ ra thất vọng với kết quả kiểm tra hôm 1/11. Chấn thương đầu gối của Messi chậm hồi phục hơn so với dự đoán ban đầu, khiến cầu thủ này nhiều khả năng chỉ trở lại thi đấu vào đầu tháng 12. Điều này có nghĩa là tiền đạo hay nhất của Barca gần như chắc chắn bỏ lỡ trận gặp Real Madrid diễn ra vào ngày 21/11.

Messi dính chấn thương trong trận gặp Las Palmas hơn một tháng trước. Ban đầu, bộ phận y tế dự đoán cầu thủ này chỉ phải nghỉ từ bảy đến tám tuần.

Năm 2013, Messi từng dính một chấn thương dai dẳng gây giảm sút phong độ một thời gian dài. Các bác sĩ do đó muốn quá trình điều trị lần này phải dứt điểm vấn đề thay vì cố cho thi đấu trở lại sớm.

Trong thời gian Messi vắng mặt vừa qua, Barca đã để thua Sevilla với tỷ số 1-2. Tuy nhiên, với sự ăn ý của Neymar và Suarez, thành tích của đội dần cải thiện. Hiện Barca cùng Real dẫn đầu Liga với 24 điểm. 

Messi là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong các trận El Clasico với 21 lần lập công. Ronaldo có 15 lần, bằng thành tích của Raul Gonzalez và kém ba bàn so với Alfredo Di Stefano.

Kim Thành

Đại biểu Quốc hội: 'Đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như tội phạm ma túy'

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) nói về hạn chế và việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến chất cấm Salbutamol và vàng ô.

"Kiểm tra an toàn thực phẩm trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt dư lượng có chất kháng sinh vượt chuẩn; 10,3% mẫu rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép", bà Thanh dẫn chứng và cho biết mới đây Bộ Nông nghiệp còn phát hiện chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm.

ại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An)

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh.

Salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập. Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ. 

"Vậy việc thực phầm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không công tác buôn lỏng quản lý", đại biểu Thanh đặt câu hỏi. 

Đại biểu này phản ánh, dù được bán theo đơn, người dân vẫn có thể mua loại thuốc thành phẩm trên không mấy khó khăn ở các đại lý thuốc tây với số lượng tùy ý. Người bán thuốc hầu như không quan tâm người dân mua dùng vào mục đích gì.

Với vàng ô (phẩm màu công nghiệp được dùng trong sơn tường, nhuộm vải) chưa phải là chất nghiêm cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Tuy nhiên, chất này cũng đang được sử dụng tràn lan trên thị trường và rất dễ mua. 

Thịt heo chứa chất cấm không chỉ có ở chợ mà còn ở siêu thị. Ảnh: Thi Hà.

Nhiều mẫu thịt lợn có chất cấm bày bán trên thị trường. Ảnh minh họa: Thi Hà.

Dẫn quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nhóm vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, phạt từ 5-10 triệu đồng với hộ gia đình và từ 10-20 triệu đồng với trang trại, bà Thanh cho rằng không đủ sức răn đe. "Hành vi xử phạt khi phát hiện chất cấm ở một con cũng như 50 con, 500 con cũng như xử phạt 1.000 con. Mức xử phạt này không đủ sức răn đe, vì số tiền bỏ ra thu lợi nhiều hơn là nộp phạt", bà Thanh nói.

Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc để xử phạt còn gặp khó khăn, khi người dân, thương lái cùng bắt tay thảo thuận ngầm với nhau, bởi rõ ràng sử dụng chất cấm, lợi nhuận thu lớn hơn rất nhiều. 

Trước thực trạng trên, cử tri cho rằng, các cơ quan nhà nước đang bất lực với người kinh doanh - khi họ làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân, và họ đặt câu hỏi: "Nguồn gốc các chất này là từ đâu".

Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn chất tạo nạc và chất cấm trong chăn nuôi. "Phải đấu tranh với chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy", ông Đương phát biểu.

"Tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt", ông Đương nói.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phản ánh tình trạng sử dụng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Điều này khiến đời sống người dân trở nên khốn đốn. Ông ví von thực trạng này như bệnh vô phương cứu chữa và đang đổ lên vai người dân Việt Nam. 

Cũng theo ông Cương, Việt Nam sử dụng quá nhiều loại phân bón với gần 7.000 chủng loại, trong khi các nước khác như Thái Lan sử dụng rất ít.

Hương Thu

Quả bom gần một tấn nằm dưới ruộng lúa

Ngày 2/11, Đội rà phá bom mìn của Trung tâm hành động và xử lý bom mìn Việt Nam (Bộ Lao động) đã di dời thành công quả bom Mỹ nặng gần một tấn được phát hiện tại ruộng lúa thuộc thôn Nam Mỹ (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc).

qua-bom-gan-mot-tan-nam-duoi-ruong-lua

  Quả bom nặng gần một tấn được di dời thành công. Ảnh: Đức Sơn

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Hưng (Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc) cho biết, quả bom được phát hiện 2 ngày trước, nằm sâu 3m dưới đất. Do trời mưa và  để đảm bảo việc di tản người dân xung quanh đến chỗ an toàn nên gần trưa hôm nay nhà chức trách mới di chuyển quả bom.

Đây là quả bom MK 84, dài 1,7m, nặng 927 kg, đường kính 56 cm, còn nguyên thuốc, sót lại từ thời chiến tranh chống Mỹ.

Trong chiến tranh, xã Đồng Lộc là nơi bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt, hiện số lượng bom, mìn còn sót lại trên vùng đất này rất nhiều. "Gần 2 tháng nay, Trung tâm hành động xử lý bom mìn Việt Nam đã về đây hỗ trợ và đã vô hiệu hóa được hơn 20 quả bom, mìn các loại", ông Hưng nói.

Đức Hùng

Gần 30.000 tỷ xây khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa ở TP HCM

UBND TP HCM vừa duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Phường 28, quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư khái toán là 29.922 tỷ đồng. 

Số tiền này bao gồm giá trị dự kiến vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính của toàn bộ dự án, giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tối thiểu khi thực hiện thu hồi đất. Đồng thời, được sử dụng để làm cơ sở xác định giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm cam kết thực hiện dự án, xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết tín dụng (khả năng vay).

tp-hcm-danh-gan-30000-ty-xay-khu-do-thi-binh-quoi-thanh-da

Phối cảnh quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM).

Nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký Hợp đồng thực hiện dự án.

Theo đồ án quy hoạch bán đảo Thanh Đa được Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM) lấy ý kiến người dân phường 28, quận Bình Thạnh, bán đảo rộng 426 ha trong tương lai sẽ là khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại. Đây cũng là trung tâm tri thức và công nghệ mới với 45.000 dân, tăng gấp 3 lần so với số dân hiện hữu của phường 28.

Sẽ có thêm 5 cây cầu nối thành phố với bán đảo Thanh Đa, gồm cầu Bình Quới - Thảo Điền, cầu Bình Quới - Rạch Chiếc (nối Thanh Đa với quận 2) và ba cây cầu Bình Quới - Thủ Đức 1, 2, 3 (nối Thanh Đa với quận Thủ Đức). Với những cây cầu mới, hệ thống giao thông trong khu vực cũng được phát triển thành nhiều đường bàn cờ. Đường Bình Quới hiện nay thành đường vành đai cho cả khu vực.

Quy hoạch sẽ giữ nguyên đặc trưng kênh rạch, sông nước hiện tại của khu Thanh Đa. Rạch Ông Ngữ được mở rộng làm cửa ngõ đưa nước từ kênh vào các rạch nhỏ khác, tạo thành hệ thống đường thủy len lỏi giữa các khu nhà để phát triển bến du thuyền và hệ thống taxi thủy. 25 ha đất giành để tái định cư cho người dân tại chỗ (có căn hộ và nền đất), toàn bộ khu vực giáp bờ sông Sài Gòn về phía đông sẽ là nhà biệt thự với diện tích khoảng 58 ha. Khu cao tầng (45-68 tầng), thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ tập trung gần phần lõi của bán đảo.

Là một trong những dự án bị "treo" lâu nhất TP HCM, dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004 thành phố thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án không thể triển khai. Đến năm 2010, công ty này bị thu hồi quyết định chủ đầu tư. Sau đó, thành phố giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.

Tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2012, đại diện cử tri ở bán đảo Thanh Đa đã khẩn khoản trước HĐND rằng "20 năm, thời gian đủ để hình thành một thế hệ xây dựng đất nước. Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân nhờ". Sau đó, chính quyền thành phố cam kết sẽ rà soát và "xóa treo" cho khu vực này.

Trung Sơn