Từ 25-28/2/2019 Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tham dự Hội nghị Di động Thế giới (Mobile World Congress - MWC) với chủ đề “Kết nối thông minh” tại Barcelona (Tây Ban Nha).
Đây là lần thứ 5 liên tục Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện thường niên lớn nhất trong năm của ngành trên toàn cầu.
Tại MWC 2019, Viettel mang đến bốn giải pháp kết nối thông minh, bao gồm:
- Nhóm giải pháp về nhà mạng thông minh hướng đến việc cá thể hóa tới từng khách hàng trong hoạt động kinh doanh và trải nghiệm người dùng. Đồng thời hỗ trợ hệ thống sẽ lên tới hàng tỷ thuê bao khi triển khai kết nối vạn vật.
- Nhóm giải pháp về đô thị thông minh tập trung đáp ứng nhu cầu có khả năng giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phố như: Giao thông, An ninh công cộng, Ứng cứu khẩn cấp...
- Nhóm giải pháp về an ninh mạng phục vụ nhu cầu phát hiện sớm các bất thường hoặc các đợt tấn công từ xa vào hệ thống CNTT của các tổ chức.
- Nhóm giải pháp về thiết bị đầu cuối thông minh cho ngành hàng hải hỗ trợ cả nhu cầu quản lý của cơ quan chức năng và nhu cầu bảo vệ ngư dân trên biển.
Tất cả các sản phẩm này đều là những giải pháp được xây dựng dựa trên việc giải quyết các bài toán của chính Viettel hoặc của Việt Nam đặt ra đồng thời đã và đang được triển khai tại 11 thị trường mà Viettel kinh doanh.
Bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm thể hiện tầm nhìn về chuyển dịch số, Viettel còn đặt ra mục tiêu tìm kiếm đối tác để cùng nghiên cứu, sản xuất và triển khai 5G ở Việt Nam.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Khi đem 8 giải pháp công nghệ số tới hội nghị di động thế giới, chúng tôi muốn giới thiệu Viettel không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Top 30 thế giới. Viettel đã trở thành một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số”.
Ngay trước ngày khai mạc MWC 2019, Hiệp hội Di động - GSMA đã công bố Viettel là 1 trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới và là nhà mạng duy nhất của Việt Nam đã triển khai thành công công nghệ NB-IoT - công nghệ giúp triển khai kết nối vạn vật. Việc triển khai thành công NB-IoT là một trong những bước đi nhằm xây dựng xã hội số ở Việt Nam.
Hội nghị Di động thế giới là sự kiện công nghệ lớn nhất trong năm của ngành di động, thu hút 200 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…). MWC có trung bình hơn 2.400 gian hàng triển lãm và thu hút hơn 3.500 cơ quan truyền thông quốc tế đến tham dự và đưa tin.
8 sản phẩm Viettel mang tới MWC2019 1. Nhóm giải pháp nhà mạng thông minh: vOCS 3.0: vOCS là hệ thống tính cước theo thời gian thực. Phiên bản mới nhất hỗ trợ xây dựng mô hình mạng viễn thông ảovà hỗ trợ các thuê bao không phải người dùng (M2M) lên tới hàng tỷ thuê bao. EPC: EPC là hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói cung cấp dịch vụ (thoại và dữ liệu) trên nền tảng 4G LTE, giúp cho người dùng data nhanh hơn và thiết lập cuộc gọi volte với độ trễ thấp, giúp người dùng bảo mật được thông tin khi truy cập dữ liệu. Viettel Geolocation: Đây là sản phẩm tiên phong hỗ trợ phát hiện lỗi, vấn đề về mặt vô tuyến và vị trí của từng thuê bao ở mọi thời điểm, qua đó cung cấp đầu vào quan trọng để tối ưu chất lượng trải nghiệm khách hàng. Hệ thống quản lý chiến dịch marketing: Phần mềm giúp nhà mạng cá thể hóa hoạt động tiếp thị trên mỗi khách hàng nhờ việc đánh giá thói quen và xu hướng tiêu dùng của khách hàng. 2. Nhóm giải pháp thành phố thông minh: Trung tâm điều hành thông minh: là nơi giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phố như: Giao thông, An ninh công cộng, Ứng cứu khẩn cấp, Cứu nạn, cứu hộ, Cung cấp điện, Chiếu sáng đô thị, Cấp thoát nước, Thời tiết, Môi trường... . Bãi đỗ xe thông minh: Hệ thống tích hợp thông tin về số điểm đỗ trống, tỷ lệ lấp đầy, giờ mở cửa, phí đỗ xe..., ứng dụng cho phép người dùng thực hiện thao tác tìm kiếm, đặt chỗ và thanh toán phí đỗ xe một cách tiện lợi. 3. Nhóm giải pháp an ninh mạng - Viettel SOC: Là hệ thống phát hiện các bất thường hoặc các đợt tấn côngxảy ra trong hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức. 4. Nhóm sản phẩm thiết bị thông minh trong hàng hải: Nhóm giải pháp số cho ngành hàng hải gồm 4 sản phẩm: Thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền S-Tracking, Thiết bị nhận dạng tàu tự động AIS, Máy thông tin liên lạc HF, Thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân (VPLB). Các sản phẩm của Viettel dễ sử dụng, khả năng chịu nước, chịu va đập tốt, pin dung lượng lớn, hoạt động ổn định, tầm cảnh báo xa, độ chính xác cao, phù hợp với người Việt Nam và giá rẻ hơn sản phẩm nước ngoài. |
Doãn Phong