Bàn mở tỷ số vào lưới Thái Lan tối 26/3 không chỉ mở ra trận thắng lịch sử 4-0 của U23 Việt Nam trước đối thủ nhiều duyên nợ, mà một lần nữa thể hiện sự toả sáng của Đức Chinh, tiền đạo trưởng thành từ lò đào tạo PVF.
Khi cần Đức Chinh có, khi khó có Đức Chinh
Trước trận cầu tối 26/3/2019, cửa thắng của U23 Việt Nam trước Thái Lan vô cùng hẹp. Chiến thắng trước đội yếu như U23 Brunei, hay chật vật thắng U23 Indonesia ở phút bù giờ khiến nhiều người nghĩ về cái kết buồn cho thầy trò HLV Park Hang-seo khi phải đối đầu với một U23 Thái Lan quá mạnh - thắng chẻ tre với 12 bàn thắng và không bị lọt lưới bàn nào ở hai trận trước đó. U23 Việt Nam buộc phải thắng mới có cơ hội đi tiếp. Còn Chinh “đen”, bàn thắng vào lưới Brunei chưa giúp tiền đạo này thoả mãn sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Nhưng đúng vào lúc người hâm mộ nghi ngại nhất, lúc đội tuyển cần một tiền đạo lĩnh xướng hàng công thì Hà Đức Chinh đã toả sáng. Phút 16 trận đấu, pha chạy chỗ thể hiện bản năng “đánh hơi bàn thắng” tuyệt vời của Chinh, và cú sút hiểm hóc vào lưới Thái Lan thể hiện cái duyên luôn biết toả sáng đúng thời điểm của tài năng từ lò đào tạo PVF. Bàn thắng như giải toả thế bí của trận đấu và mở ra chiến thắng đậm chưa từng có trước người Thái.
Đức Chinh ghi bàn thắng mở tỷ số giải toả áp lực cho U23 Việt Nam. |
Bàn mở tỷ số đêm qua quan trọng không kém bàn thắng của Đức Chinh vào lưới Iraq ở vòng chung kết U23 Châu Á, đưa Việt Nam vào bán kết trước khi tạo nên một chiến tích hào hùng tại Thường Châu năm ngoái. Bối cảnh rất giống nhau, và vẫn là tiền đạo của PVF thể hiện cái duyên ghi bàn ở những trận đấu lớn.
HLV Park Hang-seo bây giờ hay HLV Hoàng Anh Tuấn trước kia từng phải chịu nhiều áp lực khi tin dùng Đức Chinh. Từng có thời điểm tiền đạo này 15 trận không ghi bàn, nhưng mỗi bàn thắng cầu thủ quê Phú Thọ ghi đều mang tính quyết định.
Ở vòng loại U19 châu Á 2015, Đức Chinh lập cú đúp để đánh bại Hồng Kông với tỷ số 3-1. Sau đó chính cầu thủ này ghi bàn thắng duy nhất đánh bại U19 Myanmar, giúp U19 Việt Nam giành quyền chơi ở vòng chung kết U19 châu Á. Phần còn lại là lịch sử khi Việt Nam lần đầu ghi danh tại U20 World Cup. Niềm tin của ông Park hay Hoàng Anh Tuấn đều không đặt nhầm người.
Trồng cây đến ngày hái quả
Năm 2018, huyền thoại bóng đá Thái Lan, Kiatisak Senamuang từng nói: “10 năm nữa, Việt Nam mới thắng được Thái Lan”. Không phải đợi đến 10 năm, chiến thắng 4-0 tại Mỹ Đình tối 26/3, cùng những chiến tích trong suốt hơn 1 năm qua từ U23 Châu Á, Asiad, AFF Cup, Asian Cup, bóng đá Việt Nam đã tự tin vượt mặt người Thái để khẳng định là một trong những đội bóng mạnh ở tầm châu lục.
Bên cạnh tài cầm quân của HLV Park Hang-seo, những chiến công liên tiếp của bóng đá Việt Nam được xem là thành quả tất yếu của cách làm bóng đá từ gốc, qua việc đào tạo trẻ của những lò đào tạo trứ danh. Các lò đào tạo đã chi hàng trăm tỷ đồng để nuôi dưỡng các tài năng bóng đá nước nhà. Hà Nội có Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng; Viettel có Hoàng Đức, Đức Chiến, hay Hoàng Anh Gia Lai có lứa cầu thủ rất được hâm mộ Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn…
Đặc biệt, dù ít được biết đến nhưng PVF lại là trung tâm đào trẻ thường xuyên đóng góp nhiều gương mặt nhất ở các giải đấu. Đội hình U23 Việt Nam lần này, PVF có tới 8 cầu thủ.
Lò PVF tại Hưng Yên được đầu tư hiện đại hàng đầu châu Á, đào tạo nhiều lứa cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam. |
Và ở trận đấu với người Thái tối qua, lò PVF không chỉ có Đức Chinh toả sáng. Mạc Đức Việt Anh đóng vai cắm chốt tuyến giữa, điều phối nhịp nhàng trận đấu, hay như Đỗ Thanh Thịnh vào sân thay người đóng vai trò như “quân bài tẩy” với pha kiến tạo để Thanh Sơn ghi bàn ấn định trận đấu.
Khác với các lò đào tạo khác, PVF không chủ trương thành lập CLB chuyên nghiệp để chuyên tâm cho đào tạo trẻ. 10 năm qua, lò đào tạo của Vingroup âm thầm đóng vai trò là phát hiện, nơi ươm mầm cho các cầu thủ trẻ trưởng thành, trước khi gia nhập các CLB trong nước để khẳng định tên tuổi.
Từ PVF đến HAGL, từ Hà Nội đến Viettel… cách làm bóng đá từ gốc qua đào tạo cầu thủ trẻ đã mang lại những chiến quả ngọt ngào cho bóng đá Việt Nam. Chiến lược phát triển bóng đá bền vững này như lời đáp trả đanh thép câu nói của Kiatisak Senamuang, Việt Nam không còn cạnh tranh với Thái Lan trong khu vực mà đã vươn tầm ở châu lục.
Gia Kiệt