Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Diego Maradona: Từ Bàn tay Chúa đến Bàn thắng thế kỷ

Diego Maradona trở nên bất tử trong những ngày này cách nay 36 năm, với "Bàn tay của Chúa" và "Bàn thắng thế kỷ" giúp Argentina thắng Anh 2-1 ở tứ kết World Cup 1986.

Những dịp này, vào mỗi mùa hè, có hay không có World Cup, Diego Maradona vẫn được nhắc đến như một biểu tượng bất tử. 36 năm trôi qua và khoảnh khắc lịch sử ngày 22/6/1986 như chỉ vừa mới diễn ra.

Khi FIFA công bố sân Azteca, Mexico City là một trong 16 địa điểm tổ chức World Cup 2026, câu chuyện một lần nữa tràn ngập trên mặt báo.

Hôm ấy là trận đấu đặc biệt đối với bóng đá Argentina, một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Hai bàn thắng có lẽ được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử "La Albiceleste" được cô đọng lại trong vỏn vẹn 4 phút. Ngày hôm đó, Maradona đã vượt qua bình diện của con người đối với tất cả những ai chứng kiến ​​công việc mà ông làm.

Maradona có màn trình diễn kỳ diệu 36 năm trước

Mặc dù Maradona dẫn Argentina vào chung kết thắng Tây Đức 3-2 để giành chức vô địch thế giới lần thứ hai trong lịch sử sau đó một tuần, nhưng không có trận đấu nào mang tính biểu tượng như chiến thắng 2-1 trước Anh ở tứ kết, một trận chiến có tất cả mọi thứ: bối cảnh, Bàn tay của Chúa (la Mano de Dios), Bàn thắng của thế kỷ (el Gol del Siglo) và một màn trình diễn hoàn hảo (una actuación perfecta).

Trận tứ kết World Cup 1986 đặc biệt ngay từ đầu. Không chỉ là mặt thể thao, trận đấu đầy cảm xúc khi các cầu thủ quyết chiến vì những gì xảy ra trong Chiến tranh Falkland bốn năm trước đó (cuộc hiến tranh kéo dài trong mười tuần giữa Argentina và Vương quốc Anh về hai lãnh thổ gồm quần đảo Falkland, cùng Nam Georgia & Quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương).

"Chiến thắng giống như đánh bại một quốc gia, không phải một đội bóng đá. Nhiều trẻ em Argentina đã chết, họ bị giết như những con chim nhỏ. Đó là một cuộc chiến, không chỉ là trận đấu bóng đá", chính Maradona đã nói sau khi ông nâng cao Cúp Vàng.

BÀN TAY CỦA CHÚA

Dấu ấn lịch sử đầu tiên của buổi chiều hôm đó trên sân Azteca (trận tứ kết bắt đầu lúc 12h trưa, theo giờ địa phương) đến ở phút thứ 6 của hiệp hai, thời điểm mà công nghệ VAR phải vài thập kỷ sau mới xuất hiện, đầy xảo quyệt và bản năng.

Julio Olarticoechea đưa ra đường chuyền từ cánh trái, Maradona xâm nhập trung lộ vượt qua hai hậu vệ đối phương rồi phối hợp cùng Jorge Valdano, với pha tiếp bóng rồi thực hiện động tác xoay người nhưng bị cầu thủ Anh cản phá.

Tình huống truy cản giống như một pha kiến tạo khi Maradona đang di chuyển nhanh vào vòng cấm. Một pha bật nhảy cùng với cú đấm tay trái của Diego, khi thủ môn Peter Shilton đang băng lên, đưa bóng đi vào lưới một cách nhẹ nhàng.

Hầu như không ai để ý, cả trọng tài lẫn trọng tài biên, cũng như một bộ phận khán giả và các nhà báo, những người cần khoảnh khắc chiếu chậm lại để chứng thực điều đó. Chỉ có các cầu thủ Anh, bất lực, cố gắng khiếu nại nhưng không thay đổi được quyết định.

"Bàn thắng là bằng tay của anh ấy, tôi hét lên bằng linh hồn của mình, nhưng tôi phải nói với bạn những gì tôi nghĩ", Victor Hugo Morales - người công nhận là nhà bình luận giỏi nhất thế giới trong cộng đồng tiếng Tây Ban Nha, thừa nhận về câu chuyện đã thành bất tử. Đó cũng là suy nghĩ của đa số người dân Argentina.

"Cầu Chúa tha thứ cho tôi vì những gì tôi nói", Morales tiếp tục. "Trận đấu với Anh, với một bàn thắng bằng tay, tôi không thể nói gì hơn nữa".

BÀN THẮNG CỦA THẾ KỶ

Chỉ 4 phút sau pha bóng gây tranh cãi, cách biệt được Argentina nhân đôi cũng với pha lập công khác của Maradona.

Nếu bàn mở tỷ số được người Anh ví như tội ác, thì pha lập công thứ hai mang đến cảm xúc tột cùng, với khoảnh khắc xuất thần: tuyệt phẩm không thể lặp lại của "Cậu bé vàng", bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử các kỳ World Cup.

Giây phút kỳ diệu tạo nên sự phấn khích trên khắp hành tinh, trong kỳ World Cup đầu tiên phát sóng trực tiếp toàn bộ các trận đấu - với một số người được xem truyền hình màu nhờ vệ tinh - ngay cả đối với những người chưa được sinh ra tại thời điểm ấy, những người sẽ được sinh ra trong nhiều năm sau, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau đó.

Vở kịch kéo dài 11 giây. Nó được sinh ra từ một đường chuyền của Hector Enrique, Maradona đỡ bóng ở gần trung lộ, quay lưng về phía khung thành. Peter Reid và Peter Beardsley dâng lên để che chắn nhưng bị choáng ngợp với các động tác chạm bóng như múa ballet của đội trưởng Argentina.

Lễ hội tiếp diễn, Maradona chạy dọc biên phải hướng về khung thành Shilton. Terry Butcher dâng lên nhưng bị vặn lưng bởi cú đảo bóng kỹ thuật, rồi đến Terry Fenwick bị loại bỏ. Cuối cùng là động tác kéo bóng qua người thủ môn rồi ghi bàn bằng chân phải.

Quãng đường di chuyển của Diego kéo dài hơn 60 mét, khiến những người Anh nằm rạp trên mặt cỏ.

"Bóng được chuyền cho Diego, đó là Maradona, hai người theo anh ấy. Maradona lướt lên quả bóng, thiên tài của bóng đá thế giới, bắt đầu dạt sang cánh phải, có thể sẽ chuyền cho Burruchaga... Vẫn là Maradona! Thiên tài! Thiên tài! Thiên tài! Ta-ta-ta-ta-ta-ta-ta-ta… Vàoooooooooal! Vàoooooooooal! Tôi muốn khóc! Chúa ơi, bóng đá muôn năm! Trời đất ơi! Diegooooooo! Maradona! Khoảnh khắc để được khóc, hãy tha thứ cho tôi. Maradona, trong bước chạy đáng nhớ, trong lối chơi của mọi thời đại. Cánh diều vũ trụ, bạn đến từ hành tinh nào? Để lại rất nhiều người Anh nằm dưới con đường! Vì đất nước hãy là một bàn tay nắm chặt, hãy hét lên vì Argentina! Argentina 2 - Anh 0... Diegol, Diegol, Diego Armando Maradona... Cảm ơn Chúa vì bóng đá, vì Maradona, vì những giọt nước mắt này, vì Argentina 2 - Anh 0...", giọng bình luận của Victor Hugo Morales cũng trở nên bất tử theo năm tháng.

Hồi đầu thế kỷ này, FIFA thực hiện cuộc bình chọn online. Tổng cộng 341.460 người dùng Internet từ 150 quốc gia đã tham gia và bàn thắng của Maradona được bầu là đẹp nhất lịch sử World Cup, với 18.062 phiếu bầu (đứng thứ hai là bàn của Michael Owen vào lưới Argentina tại France 1998, với 10.630 phiếu).

TRẬN ĐẤU CỦA MARADONA

Trước khi World Cup 1986 bắt đầu, Maradona là gương mặt gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là khi HLV Carlos Bilardo quyết định chọn ông làm đội trưởng Argentina. Nhiều luồng ý kiến khác nhau, với Cesar Luis Menotti - kiến trúc sư chức vô địch thế giới 1978, dẫn đầu nhóm phản đối, khi ông muốn học trò cưng nhiều kinh nghiệm Daniel Passarella làm thủ quân.

"Maradona đã đánh mất bản sắc của mình trong một thời gian dài và ngày càng trở nên tồi tệ hơn", Menotti trả lời phỏng vấn một tờ báo Đức trước Mexico 1986. "Nếu như Maradona còn trạng thái như diều gặp gió, cậu ấy có thể trở thành một nhân vật của kỳ World Cup này".

Những động tác đi bóng của Maradona khiến cầu thủ Anh nằm rạp trên sân

Cánh diều mà Menotti nhắc đến trong ngữ cảnh được tách ra, và trở thành hình ảnh bất tử sau Bàn thắng Thế kỷ: một cánh diều không thuộc trái đất, mà đến từ hành tinh khác.

Trái ngược những gì Menotti chê bai, Maradona biến kỳ World Cup ấy thành nghệ thuật, với những màn trình diễn xuất sắc cùng những tuyệt phẩm khó quên (bàn thắng ấn định kết quả 2-0 trong trận bán kết thắng Bỉ 2-0 xếp thứ 4 những pha làm bàn đẹp nhất lịch sử World Cup: Diego tấn công trung lộ, loại bỏ ba hậu vệ và nghiêng người sang trái, hạ gục Jean-Marie Pfaff bằng cú đá chân trái ngoạn mục).

Không có gì lạ khi nhiều người trong thế giới túc cầu nhớ màn trình diễn của Maradona theo quan điểm cá nhân trong lịch sử World Cup. Tuy nhiên, trận gặp Anh vượt lên tất cả.

Ngày hôm đó, "Cậu bé vàng" có trận đấu tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của mình, vào một buổi chiều mà dường như không có gì không thể diễn ra. Theo thống kê, Maradona chạm bóng 78 lần và mỗi lần như vậy ông đều khiến cầu thủ Anh nằm sân. Trong trận đấu đó, ngoài hai bàn thắng, ông chuyền bóng chính xác 84,4%, thực hiện 19 lần rê bóng, trong đó tỷ lệ tắc bóng thành công 63,2%, thắng 33 lần trong đối đầu tay đôi.

"Tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn từ cuộc sống", Maradona nói vào năm 2020, không lâu trước khi ông qua đời ở tuổi 60.

Thiên Thanh

Adblock test (Why?)



Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :