Cùng đến từ vùng trũng của bóng đá châu Á nhưng ĐT Thái Lan đã giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018, vòng đấu sẽ xác định 4,5 suất tranh tài ở sân chơi thế giới. Trong khi đó, ĐT Việt Nam phải ra về và chỉ còn cơ hội tranh vé dự VCK Asian Cup 2019. Nhìn vào thực tế đó, không ít người phải chạnh lòng khi nhớ lại thời điểm chúng ta từng ngang cơ với người Thái.
Sự khác biệt trên cho thấy lộ trình phát triển đúng đắn của bóng đá Thái Lan. Họ không thể mơ mộng khi đặt các mục tiêu đầy tham vọng ở những sân chơi vẫn được coi là quá tầm với các đội bóng Đông Nam Á. Người Thái đã ở 1 đẳng cấp khác và là điều mà chúng ta phải thừa nhận!
Có quá nhiều điều để nói về sự phát triển của bóng đá Thái Lan và Việt Nam sau nhiều năm cải tổ. So sánh đôi khi mang tính khiên cưỡng! Chúng ta phải nhìn nhận 1 thực tế rằng bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, từ nhân lực, đấu pháp, lối chơi cho tới các yếu tố thuộc tầm vĩ mô như đường lối. Đặt trong bối cảnh ấy, NHM bóng đá nước nhà có thể cảm nhận được những tín hiệu lạc quan của đội tuyển dưới thời HLV Hữu Thắng.
Hãy lấy đối thủ Iraq làm hệ quy chiếu. Ở trận lượt đi, khi được dẫn dắt bởi HLV Miura, ĐT Việt Nam giành 1 điểm mà đáng ra đã có 1 chiến thắng. Còn ở trận lượt về tối qua, ĐT Việt Nam thất bại. Kết quả là khác biệt song người ta vẫn cảm nhận được một đội tuyển mới mà kết quả chưa thể phản ánh hết những thay đổi về mặt lối chơi và tâm lí.
Tính chất của 2 trận đấu là khác nhau. Iraq tối qua rất khát điểm để giành vé đi tiếp và lại được chơi ở vùng khí hậu quen thuộc. Họ tấn công, gây sức ép là chuyện đương nhiên. Nhưng đáng mừng là ĐT Việt Nam đã nhập cuộc với 1 đấu pháp đúng đắn, thắt chặt 2 biên, hạn chế tối đa sự nguy hiểm của đối thủ ở những tình huống câu bóng bổng và dứt điểm từ xa. Bởi vậy, trong suốt hiệp 1, Iraq không tạo ra cơ hội rõ rệt nào ngoài tình huống 50-50 mà họ đã ghi bàn ở phút bù giờ.
Cũng là chơi trong thế cửa dưới nhưng ĐT Việt Nam của Hữu Thắng tỏ ra chủ động hơn khi có bóng. Đã có rất nhiều tình huống phản công có nét được tạo ra mà nếu may mắn hơn, Công Vinh hay Văn Toàn đã có thể ghi bàn trên đất Tehran. Điều bất ngờ là so với trận gặp Đài Loan cách đây ít ngày, ĐT Việt Nam có sự thay đổi trong cách chơi. Hữu Thắng yêu cầu các học trò sử dụng nhiều hơn những đường chuyền cự ly trung bình và dài thay vì bóng ngắn.
Đó là đấu pháp hợp lý bởi nói như ông Lê Thụy Hải “Iraq khỏe hơn, nhanh hơn, có kĩ thuật tốt hơn nên sẽ rất nguy hiểm nếu ĐT Việt Nam chơi bóng ngắn và để mất bóng bên phần sân nhà”. Cũng là chơi bóng dài và trung bình nhưng khác với thời Miura, các đường lên bóng của ĐT Việt Nam có ý đồ rõ rệt, được luân chuyển qua tuyến giữa thay vì phất bóng theo kiểu “phá” từ các hậu vệ. Vấn đề ở đây chỉ là 1 số tình huống xử lý chưa tốt của các cầu thủ tấn công để biến những tình huống ấy trở thành các cơ hội rõ rệt.
Tâm thế nhập cuộc của ĐT Việt Nam tại Tehran tối qua cũng có sự khác biệt. Trước đối thủ được đánh giá cao hơn, các học trò của HLV Hữu Thắng không hề sợ hãi, ngược lại, sẵn sàng chơi pressing, ăn thua đủ với đối phương. Tinh thần và lối chơi ấy của ĐT Việt Nam khiến Iraq cũng phải thận trọng và dè dặt. Họ chủ động triệt hạ những đầu mối, các chuyên gia làm bóng ở giữa sân. Không dưới 4 lần, Tuấn Anh đã dính đòn và thậm chí còn bị đổ máu, trước khi phải rời sân ở hiệp 2.
Hai trận đấu chính thức vừa qua là 2 màn tập dượt bổ ích cho Hữu Thắng kể từ ngày nắm quyền. Nếu như trận gặp Đài Loan, nhà cầm quân xứ Nghệ có cơ hội thử nghiệm đấu pháp tấn công thì ở Tehran tối qua, ông đã có bài test cho hàng thủ và khả năng chơi phản công. Ở cả 2 trận đấu, ĐT Việt Nam đều tạo ra những bản sắc riêng, có xúc cảm, khiến người ta có cảm giác tin tưởng vào đội bóng này.
1 tín hiệu lạc quan nữa mà Hữu Thắng đã rót vào đội tuyển là việc mạnh dạn trao cơ hội ra mắt cho hàng loạt tài năng trẻ của lò HAGL Arsenal JMG như Văn Thanh, Tuấn Anh, Xuân Trường và Văn Toàn. Tất cả họ đã ít nhiều để lại những dấu ấn trên tuyển. Nó khiến nhiều người phải nhắc tới Kiatisuk, nhà cầm quân từng mạnh dạn gạt bỏ nhiều trụ cột để xây dựng 1 thế hệ mới đầy sức trẻ và sự khao khát.
Thái Lan đã thành công với 1 HLV trẻ dám nghĩ, dám làm như Kiatisuk thì tại sao Việt Nam không thể thành công với Nguyễn Hữu Thắng. Ông là 1 trong những người hiểu bóng đá Việt Nam hơn ai hết vì đã từng gắn bó với đội tuyển, từng chinh chiến ở V-League trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV. Lối chơi mà Hữu Thắng lựa chọn cho ĐT Việt Nam sau khi nắm quyền đã phản ánh cách nhìn nhận của ông về điểm mạnh và yếu của bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên, đây mới chỉ là màn khởi đầu của Hữu Thắng mà thôi. Ông vẫn còn quá nhiều việc phải làm để xây dựng 1 đội bóng mới, với triết lý mới vẫn còn bị ảnh hưởng dưới thời Miura. Vấn đề trước mắt mà nhà cầm quân xứ Nghệ cần cải thiện cho các cầu thủ chính là thể lực, 1 trong những sự khác biệt tại Tehran tối qua.
NHM Việt Nam có lẽ đang vững tin chờ đợi một đội tuyển bùng nổ ở AFF Cup 2016 dưới thời Hữu Thắng. Hãy cùng chờ xem…
Theo bongdaso.com