Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa:
Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến năm 2018 của Bộ TT&TT, Trưởng phòng Phòng Tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa Trần Quốc Tuấn được vinh danh.
Chính phủ điện tử! Chuyển đổi số! Ở đó, một nền hành chính phi giấy tờ phải được vận hành trơn tru, thông suốt trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại.
Nhiệm vụ chính của Cục Tin học hóa là xây dựng các văn bản quy định quản lý quá trình này.
Và thông thường, với 1 văn bản kỹ thuật, Cục thường mất 1 năm: 2 tháng nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và yêu cầu; 3 tháng xây dựng dự thảo văn bản; 2 tháng xin ý kiến góp ý rộng rãi; 3 tháng thử nghiệm và đánh giá các yêu cầu kỹ thuật; 2 tháng hoàn thiện dự thảo văn bản; 1 tháng trình ban hành.
Thế nhưng, năm 2018, có 2 văn bản quan trọng đã ra đời chỉ trong 2 tháng:
+ Quyết định số 1705/QĐ-BTTTT ngày 23/10/2018 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối cổng dịch vụ công quốc gia với cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành
+ Quyết định số 1697/QĐ-BTTTT ngày 23/10/2018 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành Bộ tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử
Người chủ trì xây dựng hai văn bản siêu tốc này là anh Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Tích hợp hệ thống.
Sức ép tiến độ được đặt ra tại Quyết định 985 của Thủ tướng ban hành ngày 8/8/2018 về kế hoạch thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Bộ Thông tin và truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng các quy định trên, quý IV/2018, tức trong 4 tháng phải hoàn thành.
Trong khi đó, với 63 địa phương, hơn 30 bộ và cơ quan ngang bộ…, hiện trạng các cổng dịch vụ công trực tuyến tuy có nhưng rời rạc, không thân thiện, đa phần yếu kém và thậm chí, xung đột nhau về kỹ thuật.
Sự đa dạng phần mềm Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử trên toàn quốc:
TP Hà Nội do Công ty Nhật Cường cung cấp
An Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam... do VNPT cung cấp
Bộ Y tế, Phú Yên do Viettel cung cấp
Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh do FPT cung cấp
Bà Rịa – Vũng Tàu do BKAV cung cấp…
Thách thức quá lớn! Nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt trên thế giới không có. Tiến độ không được phép lùi, bởi lùi là đình trệ cả mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử.
Nhiệm vụ dường như bất khả thi!
Và rồi, hàng chục buổi làm việc trực tiếp các doanh nghiệp, hàng chục ngày đêm trăn trở nghiên cứu, tìm tòi. Thay vì theo một quá trình tuần tự 12 tháng, một cách tiếp cận hoàn toàn mới đã được anh áp dụng, các bước quan trọng vẫn đảm bảo nhưng tăng tốc gấp 5-6 lần. Và anh đã thành công.
Với hai Quyết định trên, 4 sản phẩm phần mềm cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử một cửa đã được Cục Tin học hóa đánh giá, đo kiểm phù hợp.
Nhờ đó, Cổng dịch vụ công quốc gia đã sẵn sàng ra mắt vào tháng 11/2019 tới, hướng đến một Chính phủ phi giấy tờ, minh bạch, liêm chính và năng suất cao.
Chỉ số về Chính phủ điện tử Việt Nam (Theo đánh giá của Liên hợp quốc):
Năm 2018: Xếp thứ 88/193 quốc gia
Năm 2020: tăng từ 10 đến 15 bậc, nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN
Năm 2025: nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN
Thần tốc, nhưng chất lượng!
Thật khó để lý giải cho một câu chuyện hoàn thành nhiệm vụ ngoạn mục như vậy. Là sự chăm chỉ tích lũy kiến thức thường xuyên để khi cần là phát huy. Là sự sáng tạo bứt phá! Là tinh thần phụng sự hết mình, nhiệt huyết và trách nhiệm. Có lẽ không đủ!
Bản thân mỗi chúng ta, con người là giới hạn, nhưng sức sáng tạo, trí tuệ là vô hạn. Và khi dấn thân, sự vô hạn ấy sẽ được khai phá. Cái không tưởng sẽ trở thành có thể.
Anh Trần Quốc Tuấn đã làm được và tin rằng, những đồng nghiệp của ngành thông tin và truyền thông cũng sẽ làm được như thế!
Video: Phạm Huyền- Xuân Quý- Đức Yên