1. Chưa đầy 1 tháng nữa, tuyển Việt Nam bước vào các trận đấu đầu tiên ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 với mục tiêu giành vé tham dự giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh tổ chức tại Bắc Mỹ.
Việc nằm ở bảng đấu không quá tầm khi ngoại trừ Iraq, tuyển Việt Nam chỉ gặp những đối thủ “quen mặt” như Indonesia và Philippines nên cơ hội lọt vào vòng sơ loại thứ 3 rồi tranh vé dự VCK World Cup 2026 với 8,5 suất cho châu Á, là khá khả quan.
Tuy nhiên, những gì tuyển Việt Nam cho thấy ở các trận giao hữu tổng duyệt trước khi bước vào giải đấu chính thức diễn ra vào tháng sau, thực sự khiến người hâm mộ bất an khi lộ quá nhiều vấn đề về chuyên môn.
Từ đây, làn sóng chỉ trích và đổ lỗi cho HLV Philippe Troussier thêm lớn, đặc biệt sau những trận thua trước Trung Quốc hay Uzbekistan khi tuyển Việt Nam không thể hiện được quá nhiều điều như trông đợi.
2. Dưới thời HLV Philippe Troussier, tuyển Việt Nam có 6 trận đấu giao hữu với kết quả cân bằng giữa thắng (3), thua (3). Thành tích này không quá tệ, bởi những thất bại đều trước những đối thủ mạnh hơn gồm Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc.
Không tệ, nhưng chưa phải quá ổn khi phần lớn các trận đấu tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề về chuyên môn, cách vận hành đến sự hiệu quả ở các tuyến thi đấu.
Đội không tốt, HLV trưởng là người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng tất cả các trận đấu đã qua xét về yếu tố con người, ông Troussier chưa khi nào có đầy đủ những quân bài tốt nhất.
Một phần tới từ tính toán thử nghiệm nhân sự, một phần cũng nằm ở hoàn cảnh khi nhiều trụ cột chấn thương (Văn Hậu, Tấn Tài) hoặc xuống phong độ (Văn Thanh, Hồng Duy) hay ít ra sân như Công Phượng.
3. HLV Philippe Troussier đôn hàng loạt nhân tố trẻ ít kinh nghiệm cũng như năng lực chưa quá tốt lên tuyển Việt Nam trong thời điểm đặt mục tiêu rất cao là giành vé dự World Cup 2026 đang khiến nhiều người bất an.
Nhưng hãy nhìn vào thực tế, tuyển Việt Nam đã quá cũ kỹ sau 5 năm dưới thời của HLV Park Hang Seo nên bắt buộc cần phải có những điều mới mẻ hơn, nếu muốn dự World Cup.
Tuyển Việt Nam đương nhiên vẫn dựa vào nhóm các cầu thủ kỳ cựu, nhưng nếu nhiều trụ cột, hay những ngôi sao quen mặt xuống phong độ, chấn thương sẽ không dễ có người thay thế. Và thực trạng này từng xảy ra ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ của HLV Park Hang Seo chứ chẳng phải chưa.
Thế nên, những gì ông Troussier đang làm cũng là tránh rơi vào vết trượt từ người tiền nhiệm khi thực hiện các phương án dự phòng, bổ sung về nhân sự với tuyển Việt Nam từ nhóm cầu thủ trẻ ở U23, thậm chí U20 như đã thấy.
Thuyền trưởng người Pháp thành công hay thất bại là chuyện tương lai, nhưng ít nhất dám làm những điều ít thấy cũng đáng nhận về sự trân trọng lẫn ủng hộ thay vì chỉ trích nặng nề trong bối cảnh bóng đá Việt Nam cần đổi mới.