Nhà mạng vẫn cố tình giữ chân thuê bao; Ấn Độ điều tra Google; WHO cảnh báo nguy hại của smartphone,... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.
Nhà mạng cố tình giữ chân thuê bao
Tại cuộc họp giao ban QLNN tháng 1/2019 của Bộ TT&TT, một trong những vấn đề được nêu ra bàn thảo là các kiến nghị của người dân xoay quanh việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.
Theo đó, nhiều kiến nghị được người dân gửi đến Bộ TT&TT cho biết họ gặp phải khó khăn, cản trở từ phía nhà mạng trong việc đăng ký dịch vụ chuyển mạng.
Theo số liệu tính từ ngày 16/11/2018 đến ngày 13/2/2019 của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), kể từ khi triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, nhiều nhà mạng có tỷ lệ đăng ký chuyển đổi thành công thấp.
|
Số liệu về tỉ lệ khách hàng chuyển mạng giữ số thành công của các mạng di động. Nguồn: vnta.gov.vn |
Từ số liệu thống kê, có thể thấy MobiFone và Vietnamobile đang là 2 nhà mạng có tỷ lệ đăng ký chuyển mạng thành công rất thấp (23% và 6%). Viettel là 83% và VinaPhone đạt 68%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà mạng nên loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ thị cho các nhà mạng cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3 phải đạt tối thiểu 90%.
Tổng thống Mỹ ban lệnh đẩy mạnh phát triển AI
Theo đó, chính quyền Mỹ sẽ chỉ đạo các cơ quan chính phủ ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Dù vậy, Reuters cho hay hiện không có những gói tài trợ cụ thể cho lệnh đẩy mạnh phát triển AI này, nhưng lệnh này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để báo cáo và theo dõi chi tiêu tốt hơn cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến AI.
Chính phủ Mỹ hy vọng rằng sáng kiến mới này của họ sẽ đảm bảo Mỹ giữ lợi thế nghiên cứu, phát triển về AI và các lĩnh vực liên quan, như sản xuất tiên tiến và điện toán lượng tử.
Ấn Độ điều tra Google
Ủy ban chống độc quyền của Ấn Độ đang xem xét các cáo buộc của Google lạm dụng hệ điều hành di động Android phổ biến để chèn ép các đối thủ, Reuters cho biết.
Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) trong sáu tháng qua đã xem xét một trường hợp tương tự khi Google phải đối mặt ở châu Âu dẫn đến án phạt chống độc quyền 4,34 tỷ euro (5 tỷ USD) vào năm ngoái.
Theo Ủy ban châu Âu, Google đã lạm dụng sự thống trị thị trường của mình kể từ năm 2011 với các hành vi như buộc các nhà sản xuất phải cài đặt trước Google Search và trình duyệt Chrome, cùng với cửa hàng ứng dụng Google Play trên thiết bị Android.
CCI sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để điều tra và đi đến các kết luận về những khiếu nại về Google.
Nga lên kế hoạch ngắt kết nối mạng Internet với toàn cầu
Chính phủ Nga đang xem xét ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu trong khoảng thời gian ngắn, nhằm thử nghiệm các hệ thống chống tấn công mạng của nước này.
Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu sẽ chỉ được truyền tải giữa các công dân và các tổ chức ở trong lãnh thổ Nga, thay vì truyền ra nước ngoài.
Kế hoạch trên là một phần trong dự thảo luật mang tên “Chương trình Quốc gia Kinh tế Kỹ thuật số” được trình lên Quốc hội Nga năm 2018.
Truyền thông nước này đưa tin dự kiến cuộc thử nghiệm diễn ra trước ngày 1/4 năm nay.
WHO cảnh báo nguy hại của smartphone
Hơn một tỉ người trẻ có nguy cơ hỏng thính giác do sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh và các thiết bị âm thanh khác, WHO cảnh báo hôm 12/2.
AFP đưa tin, khoảng một nửa số người trong độ tuổi từ 12 đến 35, tương đương 1,1 tỉ người, có nguy cơ hỏng thính giác do "tiếp xúc quá lâu và quá nhiều với âm thanh lớn, bao gồm cả âm nhạc họ nghe qua các thiết bị âm thanh cá nhân”, trong đó có smartphone.
Hiện nay, khoảng 5% dân số toàn cầu, tương đương với hơn 466 triệu người, trong đó bao gồm 34 triệu trẻ em, bị mất khả năng nghe.
WHO cho biết âm lượng trên 85 decibel liên tục trong 8 giờ hoặc 100 decibel trong 15 phút là không an toàn.
Hải Nguyên - Đinh Tuấn
Chính phủ Mỹ và Facebook đang đàm phán về giải pháp cho vụ kiện về bê bối bảo mật người dùng của mạng xã hội lớn nhất thế giới liên quan đến công ty có tên Cambridge Analytica.
Let's block ads! (Why?)