Những thiết bị thông minh này được sản xuất bởi Điện Quang và sử dụng phần mềm do FPT phát triển. Trong tương lai gần, người dùng có thể sử dụng sản phẩm thông minh Made in Việt Nam thay vì của Xiaomi.
Hai thương hiệu quốc gia bắt tay phát triển đèn thông minh
Tập đoàn FPT và Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã ký thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển các thiết bị điện và chiếu sáng thông minh. Các thiết bị này ứng dụng nền tảng công nghệ IoT do FPT phát triển. Các thiết bị này sẽ là sản phẩm đồng thương hiệu của FPT – Điện Quang.
Theo đó, FPT sẽ chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ phần mềm điều khiển ứng dụng trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, FPT cũng sẽ phối hợp cùng Điện Quang viết phần mềm nhúng cho sản phẩm hợp tác, xây dựng thư viện và giao thức lập trình cho các đối tác phát triển giải pháp mới qua nền tảng điện toán đám mây… Về phía Điện Quang, công ty này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển phần cứng gồm thiết bị và bản mạch điện tử; sản xuất sản phẩm…
Những chiếc đèn thông minh đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng nền tảng công nghệ và phần mềm của FPT, kết hợp cùng dây chuyền sản xuất của Điện Quang. Ảnh: Trọng Đạt |
Sản phẩm của mối liên minh này có thể điều khiển bằng smartphone, kết hợp với các ứng dụng tiện ích như đặt lịch, bật tắt đèn theo nhóm hoặc từng phòng... Đây sẽ là các thiết bị điện, chiếu sáng thông minh do người Việt Nam hoàn toàn tự chủ về công nghệ và sản xuất. Chip Led sẽ được sản xuất tại nhà máy của Điện Quang và phần mềm do FPT phát triển.
Do không bị phụ thuộc vào tài nguyên hay giải pháp của nước ngoài, các sản phẩm này dễ dàng tùy chỉnh tính năng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người Việt. Lãnh đạo tập đoàn FPT cho biết, thiết bị này còn có khả năng điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt. Các giải pháp điện, chiếu sáng thông minh này sẽ dành cho cả đối tượng là doanh nghiệp và các gia đình.
Theo lãnh đạo tập đoàn FPT, thiết bị của FPT và Điện Quang trong tương lai còn có khả năng điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết: “Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có IoT vào cuộc sống là một trong những định hướng chiến lược công nghệ quan trọng của FPT”.
“Chúng tôi đã đầu tư, nghiên cứu và triển khai nhiều dự án IoT với hàng chục tập đoàn lớn trên thế giới để nâng cao trải nghiệm người dùng, tối ưu hóa sản xuất... Với năng lực công nghệ phần mềm, FPT mong muốn đi cùng với các đối tác sản xuất thiết bị lớn của Việt Nam để tạo thêm nhiều dịch vụ gia tăng mới, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Bùi Quang Ngọc chia sẻ.
Video trình diễn đèn thông minh điều khiển từ xa bằng smartphone của Điện Quang. Trong tương lai, những chiếc đèn và các thiết bị khác của liên minh FPT - Điện Quang sẽ có thể điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt.
Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, CT HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, “Điện Quang mong muốn mang đến cho người dùng sự tiện nghi trong cuộc sống, đồng thời nâng cao vị thế của những sản phẩm chiếu sáng, thiết bị điện có hàm lượng công nghệ cao, mang thương hiệu Việt”.
“Điện Quang kỳ vọng với thế mạnh riêng của mỗi bên, việc hợp tác giữa FPT và Điện Quang, hai thương hiệu Quốc gia, sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu”, ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết.
Thiết bị thông minh điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra xu thế thông minh hóa trên mọi lĩnh vực. Sự ra đời của các thiết bị IoT làm thay đổi cách con người giao tiếp, kinh doanh, cách sống, làm việc, giải trí và kết nối.
IoT được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội như hỗ trợ cảnh báo để người lái xe đi an toàn hơn, thiết bị tự hành để chuyển hàng, bưu kiện trong các nhà máy, những chiếc bóng đèn không chỉ để chiếu sáng mà còn trở thành thiết bị giải trí của con người…
Theo dự báo của Gartner, thị trường IoT trên toàn cầu đến năm 2020 sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị và doanh số đạt gần 3000 tỷ USD. Thị trường các thiết bị gia dụng (như máy giặt, điều hòa, ti vi, tủ lạnh, đèn chiếu sáng…) sẽ chiếm gần 50% trong số đó.
Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ với Pv.VietNamNet về hệ sinh thái IoT ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Các hãng công nghệ không còn tập trung vào phát triển các thiết bị độc lập nữa mà chuyển sang xu hướng kết nối các thiết bị với nhau qua Internet để tạo thành các hệ sinh thái IoT. Có thể kể đến các hệ sinh thái IoT đến từ những tên tuổi lớn như Google Home (Google), Mi Ecosystem (Xiaomi), Smarthings (Samsung), Amazon Echo (Amazon)…
Tại Việt Nam, đã có nhiều ý tưởng và các sản phẩm về IoT được ứng dụng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà thông minh… và bước đầu mang lại một số hiệu quả nhất định.
FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy đầu tư nghiên cứu và đưa ứng dụng IoT vào cuộc sống. Trong số này, có các ứng dụng như camera thông minh để nhận dạng xe biển số xe, giám sát vi phạm giao thông, hệ thống quản lý đài trạm hạ tầng, thiết bị tìm kiếm 2 chiều…
Hiện FPT cũng đã và xây dựng nền tảng IoT Rogo cho doanh nghiệp tập trung vào các bài toán về giám sát thiết bị, kiểm soát môi trường, giao tiếp bằng giọng nói… Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang triển khai các giải pháp IoT cho hàng chục tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Trọng Đạt
Trí tuệ nhân tạo Việt thành "hiện tượng đột phá" tại Thung lũng Silicon
Chỉ sau hai ngày ra mắt, ứng dụng PhotoSolver của Got It đã đứng top 10 tại Mỹ về mảng Giáo dục. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này là sản phẩm của một đội ngũ có sáng lập viên là người Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo, lời giải cho bài toán giao thông ở Việt Nam?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng trong việc đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, phục vụ tối ưu hoá điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Cộng Hoà - Trường Chinh (TP.HCM).
Trí tuệ nhân tạo AI: Từ siêu trợ lý đến cỗ máy hủy diệt loài người
Tương lai của thế giới là trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy thế nào là trí tuệ nhân tạo, các cấp độ của nó và vì sao mà những bộ óc thiên tài lại lo ngại AI sẽ hủy diệt loài người?
Trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng trong kinh doanh
Một cuộc cách mạng mới đang tới – khi mà mỗi chúng ta cần phải hiểu Trí tuệ nhân tạo là gì, đang ở giai đoạn nào và mỗi doanh nghiệp cần tận dụng được lợi ích mà máy móc có khả năng cung cấp.