Gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp bị các đối tượng giả danh công an, tòa án gọi điện đe dọa nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Vậy làm cách nào để nhận biết?
Về cơ bản, hình thức lừa đảo này vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người bị mắc bẫy và mất tiền oan uổng.
Theo đó, tội phạm mạng sẽ giả danh công an, tòa án, viện kiểm soát,... thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy lớn, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Tin lời, không ít người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã mắc bẫy lừa đảo tinh vi này.
Cảnh giác trò lừa chiếm đoạt tiền qua điện thoại |
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), thủ đoạn của các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VoIP để gọi điện nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra. Nếu bị hại ở miền Bắc thì chúng mạo danh là cán bộ các cơ quan pháp luật ở trong Nam và ngược lại. Mục đích để gây khó khăn cho việc xác minh. Thêm vào đó, tội phạm mạng còn sử dụng các phần mềm giả số điện thoại của cơ quan chức năng để lừa người dùng.
Để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, người dùng cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người khác, kể cả khi họ xưng là nhân viên ngân hàng, công an,... Phía ngân hàng cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thông báo về thủ đoạn lừa đảo này cho người dùng và nhân viên ngân hàng để tăng cường cảnh giác.
Trước đó, một số ngân hàng lớn tại Việt Nam như Techcombank, Vietcombank,... đều đồng loạt đưa ra thông báo về việc xuất hiện nhiều trang web giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản của người dùng.
Giao diện trang web giả mạo tương tự như Vietcombank |
Theo đó, kẻ gian sẽ gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng đến điện thoại của người dùng với nội dung: “Khách hàng đã nhận được tiền từ dịch vụ chuyển tiền Western Union” hoặc các dịch vụ tương tự, sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào trang web giả mạo để xác nhận. Nếu làm theo, kẻ gian sẽ ngay lập tức có được thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và lấy tiền của bạn.
Phía ngân hàng khuyến cáo người dùng chỉ nên đăng nhập tài khoản trên website chính thức của ngân hàng, không nạp hay chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ hoặc khi có dấu hiệu nghi vấn. Đồng thời không cung cấp thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số PIN, địa chỉ, họ tên chủ thẻ,...) khi nhận được email, điện thoại yêu cầu xác nhận thông tin hoặc các cuộc gọi nghi ngờ khác.
Lừa người dùng nhập mã OTP được gửi về điện thoại |
Ngoài ra, người dùng cần thay đổi mật khẩu theo định kỳ, sử dụng mật khẩu mạnh bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt để tăng độ phức tạp. Người dùng cũng nên đăng kí dịch vụ SMS banking để theo dõi biến động tài khoản (tiền vào/tiền ra) nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Người dùng cần phải cảnh giác hơn với những tin nhắn lừa đảo thông báo trúng thưởng qua SMS, Facebook, điện thoại,... Hành vi của kẻ gian ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, nên cần nhớ một điều là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay địa chỉ email cho người khác.
Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, hãy để ý đến liên kết trang xem có đúng hay chưa, thường thì các trang web của ngân hàng sẽ sử dụng giao thức bảo mật HTTPS nên ở phần đầu địa chỉ sẽ có biểu tượng ổ khóa màu xanh lá, nghĩa là an toàn.
Nhìn chung, trên đây chỉ là một trong số nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Tất nhiên, đằng sau đó vẫn còn rất nhiều hình thức và các trang web lừa đảo tương tự, người dùng phải thật sự tỉnh táo, tránh ham rẻ để rồi bị sập bẫy kẻ gian, đến khi mất tiền thì hối hận đã muộn.
Hoa Hoa
Đăng status kiểm soát thông tin cá nhân trên Facebook là trò lừa đảo
Theo giải thích của Facebook Việt Nam, việc người dùng đăng thông báo trên trang cá nhân sẽ không có tác dụng trong việc kiểm soát thông tin cá nhân của họ trên Facebook.