Tuyển Việt Nam tiến bước dài dưới thời HLV Park Hang Seo khiến nhiều người nghĩ đến World Cup. Nhưng liệu rằng giấc mơ ấy có phải là quá sớm?
World Cup thật gần...
Vào lúc này cơ sở để người hâm mộ và các nhà quản lý bóng đá Việt Nam mơ về một tấm vé dự World Cup trong tương lai gần không gì khác vẫn nằm ở việc đội tuyển đang có một dàn cầu thủ chất lượng cao, và một HLV Park Hang Seo tài ba.
Với dàn cầu thủ này, bóng đá Việt Nam đã liên tục ghi dấu ấn một cách rất lớn trên mọi mặt trận từ đấu trường châu lục (U23 châu Á, Asiad, Asian Cup 2019) và trong khu vực với chức vô địch AFF Cup 2018 đầy ấn tượng như đã chứng kiến.
Tuyển Việt Nam đã chơi sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu châu lục để người hâm mộ mơ đến World Cup |
Nhìn Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức, Duy Mạnh... chơi bóng tự tin trước các cầu thủ đẳng cấp vượt ra khỏi châu lục từ Iran đến Nhật Bản rõ ràng suy nghĩ dự World Cup với bóng đá Việt Nam thực sự không đến nỗi... mộng mơ một cách thái quá.
Không chỉ có vậy, những gì mà tuyển Việt Nam đang được xây dựng, cũng như các học trò của HLV Park Hang Seo trưởng thành một cách chắc chắn, luỹ tiến theo từng giải đấu cũng là cơ sở để giấc mơ World Cup gần hơn bao giờ hết...
nhưng cũng thật xa...
Đúng rằng vào lúc này bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng, đồng đều bậc nhất trong cả chục năm qua, nhưng để chạm đến tấm vé tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá Thế giới lại không hề đơn giản.
Bắt đầu từ giải VĐQG – điều gần như cốt lõi để xây dựng một nền bóng đá mạnh, phát triển... khi ở V-League quá hiếm sự cạnh tranh một cách khốc liệt với các đội bóng với nhau, hoặc ngay trong chính các CLB cũng không quá cao.
nhưng giấc mơ ấy dành cho tuyển Việt Nam lúc này chỉ có thể hiện thực hoá khi bóng đá Việt Nam thay đổi từ giải quốc nội đến cách quản lý của VFF |
V-League nhiều năm qua quanh quẩn chỉ vài đội bóng muốn vô địch, và mức độ đầu tư cho cuộc đua đầy vinh quang ấy cũng là rất thấp. Rồi đến khi, các nhà quản lý bóng đá quyết định giảm ngoại binh từ 3 xuống 2 cũng khiến chất lượng của giải đấu không còn cao như trước.
Đành rằng giảm số lượng ngoại binh để nội binh được ra sân nhiều hơn, nhưng rõ ràng suy nghĩ này chỉ dành cho một nền bóng đá chỉ quanh quẩn ở ao làng Đông Nam Á hơn là muốn vươn ra châu lục, và xa hơn nữa là Thế giới.
Hãy nhìn sang Thái Lan, khi quốc gia này đã mơ về World Cup từ rất lâu bằng việc nâng chất cho Thai-League, và đây là lý do vì sao họ thống trị các giải đấu khu vực, cũng như ở cấp CLB luôn gây tiếng vang trên đấu trường AFC Champions League một cách liên tục.
Có thể Thái Lan chưa thành công, nhưng ở mức độ nào đó trước khi tuyển Việt Nam bây giờ trỗi dậy, ít nhiều đội bóng xứ chùa Vàng cũng đã giúp khu vực Đông Nam Á đỡ mất mặt khi cũng đã đôi lần lọt tới vòng loại cuối cùng World Cup ở châu Á chứ không đơn giản.
Không chỉ V-League cần thay đổi, ngay cả ở cấp điều hành và quản lý với VFF là đầu tàu cũng buộc phải khác. Rất khó xảy ra việc một liên đoàn đấu đá, nghi kỵ và phe phái có thể điều hành tốt một nền bóng đá tiềm năng như chúng ta đang có.
Thay đổi cách quản lý điều hành, và phải biết mơ đến World Cup thì may ra khi giải đấu lớn nhất hành tinh nâng số đội lên 48 như đang dự kiến Việt Nam mới có thể góp mặt. Còn bằng không, giấc mơ ấy thật xa...
Còn các bạn thì sao, bóng đá Việt Nam đã có thể nghĩ, và cần làm gì để đến World Cup?
Video tổng hợp Việt Nam 0-1 Nhật Bản:
Duy Nguyễn