Nhiều tài khoản của những tay “anh chị” khét tiếng trên các trang mạng xã hội đã đồng loạt biến mất. Trong đó bao gồm cả những cái tên nổi đình nổi đám như Khá Bảnh, Phạm Tuấn, Ngân Trọc.
Theo ghi nhận của Pv. VietNamNet, tài khoản Facebook của nhiều "giang hồ mạng" cốt cán như Khá Bảnh, Phạm Tuấn, Ngân Trọc đã bị khóa. Tuy nhiên các kênh Youtube của nhóm “giang hồ mạng” này hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Chỉ vài giờ trước, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành bắt giữ Ngô Bá Khá và nhiều đối tượng khác vì hành vi đánh bạc. Ngô Bá Khá được nhiều người biết đến với cái tên Khá Bảnh cùng nhiều hoạt động tai tiếng trên mạng.
Ngô Bá Khá, còn được gọi là Khá Bảnh, tại cơ quan công an. |
Là một hiện tượng xã hội nổi tiếng trong thời gian gần đây, Khá Bảnh được biết đến với hình mẫu của một đại ca giang hồ cư xử có phép tắc, hào phóng với đàn em, không hà hiếp dân lành, sẵn sàng ra tay hiệp nghĩa.
Tuy nhiên, Khá Bảnh cũng dính tới không ít các vụ việc khiến cộng đồng mạng bức xúc. Hồi tháng trước, Ngô Bá Khá từng bị cơ quan điều tra mời lên làm việc do hành vi đỗ xe và dàn hàng ngang trên đường cao tốc. Mới đây, Khá còn khiến nhiều người bức xúc hơn khi đăng tải clip tự đốt cháy xe nhằm quảng cáo cho một hãng xe điện.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những yếu tố khiến cho video hay một bài đăng càng trở nên hot hơn chính là việc nó phải tạo ra được sự tranh luận. Điều này cũng có nghĩa, người xem sẽ luôn có hai phe, ủng hộ và phản đối.
Về bản chất, Khá Bảnh và nhóm giang hồ mạng đã đánh vào tâm lý tò mò của đám đông dân chúng, nhất là giới trẻ về thế giới ngầm của những tên tội phạm để tạo dựng nên hình ảnh cho mình.
Việc Khá Bảnh được nhiều người tung hô và xem làm thần tượng cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. |
Lợi dụng thành công đó, Khá Bảnh và nhóm “giang hồ mạng” đã kiếm tiền từ Youtube cũng như Facebook bằng cách đăng tải những bài viết và các đoạn video thể hiện lối sống bất cần của giới dân “anh chị”, từ đó thu hút lượng xem và click quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Ở góc độ pháp luật, hành vi của Khá Bảnh và các “giang hồ mạng” cần phải bị xử lý một cách nghiêm khắc bởi nó đã tác động và làm lệch lạc suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ các cư dân mạng. Đặc biệt khi các “fan” của Khá Bảnh chủ yếu là những trẻ em còn đang ở độ tuổi vị thành niên, nhóm tuổi chưa có đủ nhận thức sâu sắc, thích bắt chước những hành vi thể hiện nhằm khẳng định mình.
Do vậy, việc Khá Bảnh bị bắt và các tài khoảng Facebook của đối tượng này bị khóa là những thông tin tích cực đối với cộng đồng mạng. Đặc biệt là khi, giới trẻ đang bị tác động theo chiều hướng xấu bởi những đối tượng “giang hồ mạng”.
Trọng Đạt