Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Napoli lên đầu bảng: Đá hay đến mấy, Sarri luôn phàn nàn

Khi cầu thủ Napoli tới sân tập Castel Volturno ngày thứ Ba, họ biết chắc chỉ nhận được một cái vỗ vai động viên của Marizio Sarri.

Napoli lên đầu bảng: Đá hay đến mấy, Sarri luôn phàn nàn

Ông khuyên cầu thủ đừng nhìn lên bảng xếp hạng, nơi họ dẫn đầu trong tháng 12, lần đầu tiên từ thời Diego Maradona cách đây một phần tư thế kỉ. Sarri bảo, cầu thủ đừng nhìn vào tỉ số thắng 2-1 trước Inter, vượt mặt đối thủ trên bảng xếp hạng.

Sự nghiêm khắc của HLV Sarri

Thay vì mở tiệc, ông sẽ mở lại băng hình 20 phút cuối trận đấu cho cầu thủ xem lại. Ông hiếm khi hài lòng, mà thường tìm ra lý do phàn nàn. Ông chê điều kiện sân bãi ở Italy là “đáng xấu hổ”). Ông ca thán lịch thi đấu Thứ Năm – Chủ nhật. Ông mệt mỏi với việc chưa từng được hưởng phạt đền vì “chúng tôi không mặc áo sọc trắng đen”. Ông mỉa mai màu sắc trái bóng dành riêng cho mùa Đông (“nó lăn thật lạ lùng, gây khó cho các cầu thủ kĩ thuật; học trò tôi phải mất thêm 1 chạm để khống chế”).

Hôm thứ Hai, Sarri thậm chí tìm ra lỗi của Gonzalo Higuain. “Cậu ấy còn có thể tàn nhẫn hơn nữa”, ông nói trên Sky Italia. “Chết tiệt”, Gianluca Vialli phản hồi với lời khen, khi ngồi trong trường quay. Sarri rất nghiêm khắc. Higuain đã lập cú đúp và đó là màn trình diễn xuất sắc của anh.

Nhưng CĐV lại phản ánh sự hài lòng. 5 vạn người bùng nổ trong đêm hạ Inter, hát vang trong khi toàn đội chạy dọc đường pitch để cảm ơn. Không quá lời, Napoli là một trong những đội chơi xuất sắc nhất châu Âu bây giờ, khi bất bại 18 trận trên mọi mặt trận, chuỗi bất bại dài nhất tính trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Lần gần nhất họ có chuỗi bất bại dài đến thế là 1989-90, mùa giải họ giành Scudetto.

Ai cũng hay, Higuain hay nhất

Higuain choán hết các tít báo. Anh đã ghi 12 bàn sau 14 trận ở Serie A và lập công 8 trận liên tiếp trên sân nhà, thành tích chỉ kém Alberto Gilardino (9 trận, thời ở Parma) và Christian Vieri (11, của Inter 2003).

Higuain với Insigne, người xuất hiện trong hình hài của một Superman trên một banner, hiểu nhau như thể họ là cùng một cầu thủ: HiguaInsigne. Họ đã ghi 19 bàn ở Serie A, nhiều hơn số bàn của toàn đội Inter cộng lại (17).

Sarri sẽ mỉm cười. Higuain đã lột bỏ toàn bộ cái mà ông gọi là “lười biếng” trong các trận để trở thành tiền đạo hàng đầu. Sarri hồi sinh Ingsigne bằng cách để anh chơi rộng, trong sơ đồ 4-3-3, y hệt Zdenek Zeman đã làm với Pescara ở mùa giải mà Insigne ghi 18 bàn.

Rất khó tìm được một cầu thủ Napoli không tiến bộ với Sarri. Marek Hamsek lùi sâu thay vì đá hộ công, vị trí Benitez khai thác. Jorginho không được Benitez yêu thích, đá kiểu regista mỗi khi đội bóng sử dụng hệ thống 4-2-3-1. Anh chạm bóng 218 lần trong chiến thắng sân khách trước Verona, trung bình 24,2 giây lại chạm bóng một lần, đánh bại kỉ lục của Xabi Alonso đội Bayern Munich.

Sarri cũng đưa Allan trở lại các kế hoạch. Cựu cầu thủ của Udinese dẫn đầu tỉ lệ tranh chấp thành công ở Serie A mùa trước, đã ghi 3 bàn trong 6 trận cho Napoli sau khi chỉ ghi 1 bàn trong 104 trận ở Udine. Sarri mô tả Allan là một… số 10, và đấy là hợp đồng thành công nhất mùa giải.

Thành tựu lớn nhất là hàng thủ, gót Achilles của Benitez, nhận 93 bàn thua trong 2 mùa. Sarri biến Kalidou Koulibaly thành một Lilian Thuram mới và làm sống dậy Raul Albiol, nhà vô địch thế giới và châu Âu.

Sự trở lại của Pepe Reina là một thành công. Reina cản phá cú dứt điểm ở những phút bù giờ của Miranda (Inter), giữ lại cho Napoli 3 điểm. Dù đã bị Adem Ljajic đánh bại, anh cũng trải qua 533 phút trắng lưới, thành tích tốt nhất trong Top 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu.

Napoli đã giữ sạch lưới 12 trận (cả mùa trước trắng lưới có 16 trận), và hàng thủ của họ là số 1 Serie A.

1 Đây là lần đầu tiên từ ngày 29/4/1990 (thời HLV Alberto Bigon), Napoli dẫn đầu Serie A. Đây là lần đầu Napoli dẫn đầu và có tiền đạo đứng số 1 trong danh sách Vua phá lưới (Higuain).

533 Trắng lưới 533 phút liên tục của Pepe Reina là kỉ lục mới của các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, vượt qua thành tích cũ của David De Gea (Man United).

743 Nếu tính cả thành tích ở Europa League, Napoli đã giữ sạch lưới trong 743 phút liên tục.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Góc nhìn: Klopp rất đặc biệt, chứ không hề bình thường

Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ đồng ý với nhận xét của một đồng nghiệp của tôi, nhà báo Phạm Tấn, trên facebook cá nhân của anh cách đây 1 tuần, đại ý rằng “Liverpool mới là đội bóng đáng xem”.

Góc nhìn: Klopp rất đặc biệt, chứ không hề bình thường

1. Thực sự, đội bóng đáng chú ý nhất, gây sức hút nhất ở Premier League lúc này chính là Liverpool, kể từ khi Juergen Klopp đến thay Brendan Rodgers.

Trước khi Klopp tới Liverpool, Jose Mourinho đang chìm trong các khủng hoảng kéo dài ở Chelsea và đã từng có một bài viết đánh giá rằng mỗi HLV đều có khoảng 10 năm đỉnh cao trong sự nghiệp và Mourinho đã ở vào đoạn cuối của quy luật 10 năm ấy. Đó là một nhận định mang tính võ đoán, chỉ dựa vào sự tương đồng trong sự nghiệp của vài HLV lừng danh hồi thập niên 90 thế kỷ trước.

Nhưng đánh giá ấy lại khiến chúng ta cảm thấy lý thú khi Klopp đến và tuyên bố một câu khác hẳn tuyên bố đầu tiên của Mourinho ở Premier League. Đó là “Tôi chỉ là một người bình thường”, nghe tưởng như khiêm tốn, nhưng nếu đặt cạnh Mourinho với câu “Tôi là người đặc biệt” thì lại có sức nặng của thâm ý đến không ngờ.

Trong tương quan so sánh thú vị đó, có lẽ mỗi chúng ta đều có cảm giác (chỉ là cảm giác thôi nhé) rằng thế hệ HLV tài ba của Mourinho đã bắt đầu ở vào thời điểm lùi lại để nhường sân khấu ánh sáng cho một thế hệ mới, thế hệ của Klopp, Luis Enrique, Diego Simeone… Trong thế hệ mới ấy, có thể nói Klopp và Enrique là những đại diện tiêu biểu nhất, với triết lý chơi bóng hiện đại hơn hẳn những gì thế hệ cũ đã và đang làm.

2. Klopp đến Liverpool và ông tiến hành các buổi tập theo cái cách mà Moreno gọi là “nhàm chán”. Ông chú trọng vào việc di chuyển của các cầu thủ nhiều hơn là các bài đánh cụ thể nào đó. Nhưng sự nhàm chán đó lại tạo ra bất ngờ khi Liverpool ra sân. Đơn giản, nó tập cho cầu thủ thói quen chơi bóng với tư duy chiến thuật rộng mở, tầm nhìn rộng mở và sức sáng tạo cũng rộng mở. Và khi các cầu thủ Liverpool đã bắt đầu nhuần nhuyễn triết lý của Klopp, họ càng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn nhờ lối chơi đa dạng mà đối phương không thể đoán trước được.

Triết lý của Liverpool, cũng phần nào giống như của Barca hiện nay, là không chủ trương tập trung vào một điểm yếu nào của đối thủ để kiên trì khai thác mà thay vào đó, bất thần đưa bóng xuống những khoảng trống bất ngờ đối thủ để lộ ra và dùng khoảng trống đó để kết liễu đối thủ.

Nhìn cách mà Sturridge ghi 2 bàn đầu tiên cho Liverpool trước Southampton ở Tứ kết Cúp Liên đoàn Anh vừa rồi là ta đủ nhận ra. Khi Liverpool đang dàn xếp với lối chơi kỹ thuật, ít chạm, sáng tạo và khiến đối thủ tập trung dồn hết về phía trái của họ, một đường chuyền cho Sturridge bất thần băng lên ở phía phải đã giúp Liverpool có cơ hội. Hoặc như bàn thắng thứ tư của Liverpool cũng vậy, Ibe chọc khe tuyệt vời xuyên qua 4 cầu thủ đối phương để Origi đón bóng trên đà di chuyển và ghi bàn.

Không ai nghĩ Liverpool sẽ chơi kiểu đó, với một tốc độ như thế, sau khi đã quen với Liverpool chậm rãi và công thức dưới thời Rodgers. Lối chơi của Klopp và Enrique có lẽ nên được nghiên cứu thật kỹ, để thành một trào lưu mới, một trào lưu mà tôi mạo muội gọi bằng cái tên “Triết lý cục diện chớp nhoáng”.

3. Khi Klopp mới tới Liverpool, một nhà báo hỏi: Ông thích album nào nhất trong 3 album “White”, “Revolver”, “Sgt. Peppers and the Lonely Heart Club” của The Beatles? Klopp trả lời: “Tôi sẽ thích nhất album kế tiếp của họ”; và câu trả lời đó được bình luận là “từ sau câu nói ấy, người Liverpool hiểu rằng Klopp chính là một phần thuộc về họ”. Đúng, Klopp là một phần của Liverpool nhưng câu trả lời đó cũng nêu lên một đặc tính của ông. Đó là luôn tạo ra bất ngờ. Bóng đá của ông cũng là tạo ra bất ngờ và cái gì bất ngờ cũng dễ khiến người ta bị thu hút. Thế nên, sẽ rất dễ để lý giải vì sao Liverpool sẽ được yêu mến nhiều hơn, kể từ khi Klopp đặt chân đến, và chờ đợi album kế tiếp của The Beatles…

Có lẽ, đã đến lúc quên Mourinho đi, để thừa nhận rằng, Klopp mới đang là người đặc biệt.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Giggs cần ‘du học’ để được dẫn dắt Man United

Chúng ta sẽ còn phải đợi tới khi các cầu thủ in tự truyện để xác nhận, nhưng nhiều người nhất trí là HLV David Moyes đã hoàn toàn mất kiểm soát với phòng thay đồ ở Old Trafford.

Giggs cần 'du học' để được dẫn dắt Man United

Moyes quyết định bổ nhiệm Ryan Giggs làm HLV kiêm cầu thủ, lúc đó được coi là đúng đắn, do Man United đang trải qua cuộc chuyển giao lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Khi Sir Alex Ferguson ra đi, đội bóng cần ai đó để duy trì sự tiếp nối, và với việc Moyes thay toàn bộ ban huấn luyện, Giggs là một người trung gian hợp lý.

Bất đồng với Moyes lẫn Van Gaal?

Tuy nhiên, không lâu sau đó, những câu chuyện về sự bất hòa giữa họ xuất hiện trên khắp các tờ báo Anh. Khá rõ ràng là cầu thủ thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh khó mà làm việc được với một HLV chưa hề có một danh hiệu nào. Giggs có thể học được gì từ Moyes so với những gì anh đã học được từ Ferguson?

Có tin đồn cho rằng Giggs đã đùng đùng bỏ ra khỏi một phiên tập sau khi việc anh đề xuất một phương án phòng ngự cho Man United bị Moyes bỏ qua. Khi Moyes bị sa thải, Giggs trở thành HLV tạm quyền, và có lẽ đã nhắm tới chiếc ghế chính thức. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Man United không còn tin tưởng ở những người thiếu thành tích nữa, và đã quyết định lựa chọn Louis van Gaal.

Giống như người tiền nhiệm của ông, Van Gaal sử dụng Giggs ở vị trí trợ lý. HLV người Hà Lan đã nhiều lần nói những điều tốt đẹp về nhân vật số 2 của ông, khẳng định rằng Giggs sẽ là người thay thế ông, nhưng gần đây, chúng ta không được nghe gì nhiều từ Giggs. Còn quá ít manh mối để nói về quan hệ giữa họ, nhưng sự im lặng của cựu ngôi sao xứ Wales là bối cảnh hoàn hảo cho những tin đồn về sự rạn nứt trong phòng thay đồ Man United.

Báo chí Anh tuần trước nói Giggs không hài lòng với quyết định của Van Gaal khi đẩy James Wilson sang Brighton theo dạng cho mượn. Giggs là người đã trao cho Wilson trận ra mắt Man United cuối mùa 2013-14, và tiền đạo trẻ này đã ghi 2 bàn, nên dễ hiểu là Giggs nhạy cảm với các tiềm năng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Man United. Mùa Hè trước nữa, Danny Welbeck được phép tới Arsenal vì Wilson đã sẵn sàng thay thế, nên Giggs thất vọng vì tiền đạo trẻ của anh không có cơ hội thể hiện mình.

Sự bất đồng trong phong cách chơi bóng mà Man United nên thể hiện cũng là điều dễ hiểu. Giggs đã trải qua cả sự nghiệp chơi thứ bóng đá tấn công, mà anh là một trong những người giỏi nhất, dưới quyền Ferguson. Van Gaal, trong khi đó, đã biến đội bóng áo đỏ thành một cỗ máy thắng 1-0 và hòa 0-0.

Man United sẽ không mạo hiểm

Tuy nhiên, trong khi các CĐV Man United sẽ ủng hộ phong cách mà Giggs muốn mang trở lại CLB nếu anh là HLV, lúc này là còn quá sớm để coi anh là một ứng viên nghiêm túc thay thế Van Gaal. Pep Guardiola hiện được coi là tấm gương sáng để Giggs học tập, nhưng cũng đáng nhắc rằng HLV hiện tại của Bayern Munich đã tương đối có kinh nghiệm ngay cả trước khi ông dẫn dắt Barcelona B trong một mùa. Ngoài ra, Guardiola có trong tay một đội hình với Lionel Messi, Xavi, Andres Iniesta, Carles Puyol, Yaya Toure và nhiều người nữa.

Đã chứng kiến những thất bại tồi tệ của Moyes, một HLV đầy kinh nghiệm nhưng thiếu bản lý lịch thành công, Man United sẽ không muốn đánh bạc vào một người như thế nữa. HLV tiếp theo cũng sẽ phải có thành tích ngang ngửa với Van Gaal. Ngay cả để bổ nhiệm một người cũ theo câu chuyện lãng mạn mà các CĐV vẫn nghĩ tới, thì Giggs giờ không còn là duy nhất nữa. Giggs hẳn phải vui cho bạn và đối tác kinh doanh của anh, Gary Neville, vì Neville vừa được trao cơ hội làm HLV trưởng ở Valencia, nhưng anh cũng có lý do để lo lắng nữa.

Nếu Neville thành công tại Mestalla, chính cựu đội trưởng Man United mới trở thành ứng viên số 1 thay thế Van Gaal. Neville đã có 1/4 thế kỷ ở Man United, từ khi mới 11 tuổi cho tới lúc anh giải nghệ năm 36 tuổi. Hiểu biết của anh về Man United không kém ai và giờ thêm vào kinh nghiệm ở châu Âu, Neville đã tỏ ra sẵn sàng hơn.

Tất nhiên không thể đoán trước tương lai. Nhưng trên thực tế, có lẽ cả Giggs lẫn Neville đều chưa sẵn sàng một khi Van Gaal chia tay Old Trafford, nhưng nếu như ngay cả Neville, Giggs cũng không thể chứng tỏ sự vượt trội của anh, thì có lẽ đã tới lúc ngôi sao xứ Wales cần nghĩ tới việc rời Old Trafford, tạo dựng một sự nghiệp riêng, để rồi trở về đó một cách xứng đáng, thay vì ngồi vào chiếc ghế quá nóng so với thành tích còn nghèo nàn của anh trong nghề nghiệp mới.

963 Ryan Giggs đã đá 963 trận cho đội 1 của Man United, ghi được 168 bàn, trong khoảng thời gian từ mùa 1990-91 đến 2013-14.

13 Man United đã giành được 13 chức vô địch Premier League. Giggs có mặt trong cả 13 danh hiệu đó.

4 Giggs đã cầm quân Man United trong 4 trận vào cuối mùa 2013-14. Anh thắng 2, hòa 1 và thua 1.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Arsenal: Thời cơ và trọng trách của Ramsey

Arsenal đã phải đối mặt với thử thách đầy nghiệt ngã từ cơn bão chấn thương, mà Santi Cazorla là nạn nhân mới nhất. Nhưng nếu suy nghĩ một cách tích cực, đó lại là thời cơ tuyệt vời để Aaron Ramsey tỏa sáng.

Arsenal: Thời cơ và trọng trách của Ramsey

Tuần trước, khi  được hỏi về khả năng kéo Aaron Ramsey về thay thế Francis Coquelin, HLV Arsene Wenger bảo: “Cậu ấy không ngại tắc bóng nhưng lại thích lao lên đột nhập vào vòng cấm địa đối phương. Ramsey chạy chỗ rất tốt nên cậu ấy muốn có bóng và dâng cao. Nếu đòi hỏi Ramsey không được làm như bạn sẽ triệt tiêu sức mạnh của cậu ấy”.

Chính vì hiểu rõ cậu học trò của mình, nên Wenger cho rằng để Ramsey và Cazorla đá cặp tiền vệ trung tâm là một phương án quá mạo hiểm. Tuy nhiên, để Ramsey thay thế Cazorla thì lại khác. Tiền vệ người Xứ Wales đã quá quen thuộc với vị trí tiền vệ con thoi trung tâm, và nếu trở lại vai trò ấy, thậm chí anh có thể còn tìm lại được phong độ đỉnh cao.

Mùa giải này, Ramsey thường xuyên phải chơi ở vị trí tiền vệ phải, vốn không phải sở trường của mình. Đã hơn một lần, anh bày tỏ ao ước được trở lại khu trung tuyến, và chấn thương của Cazorla là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để Ramsey toại nguyện. Với Flamini (đá thay Coquelin), một tiền vệ thiên về phòng ngự (Wenger từng tuyên bố có thể đôn trung vệ Calum Chambers lên chơi vị trí này) đá cặp, Ramsey sẽ có nhiều cơ hội dâng lên hỗ trợ tấn công một cách trực diện hơn, thay vì phải xâm nhập từ bên cánh.

Ramsey là một mẫu tiền vệ trung tâm truyền thống rõ ràng hơn so với Cazorla. Anh có nền tảng thể lực và năng lượng tốt hơn, chưa kể còn trẻ hơn 6 tuổi, dù xét về nhãn quan chiến thuật, Cazorla được đánh giá nhỉnh hơn. Nhưng nhờ thể hình tốt hơn (cao 1m77 so với 1m65 của Cazorla) cùng sự quyết liệt và khả năng phán đoán sẵn có, anh có thể tắc bóng rất hiệu quả. Không những vậy, những pha lao lên từ tuyến hai của anh chính là thứ Arsenal thiếu vắng thời gian gần đây. Nên nhớ, Ramsey từng ghi đến 16 bàn thắng ở mùa giải 2013-14 khi được thi đấu ở vị trí này. Tính riêng tại Premier League mùa ấy, anh ghi 10 bàn và có 8 pha kiến tạo thành bàn.

Chỉ có một vấn đề khiến Wenger băn khoăn: Nếu kéo Ramsey về đá tiền vệ trung tâm thì ai sẽ cáng đáng vị trí tiền vệ phải mà anh để lại. Joel Campbell đã được thử nghiệm nhưng gây thất vọng tràn trề. Trong khi đó, Walcott và Welbeck vẫn đang chấn thương. Phương án duy nhất có thể tính tới hiện nay là sử dụng Oxlade-Chamberlain ra cánh phải. Thật may, tiền vệ 22 tuổi này đã trở lại sau một tháng vắng mặt vì chấn thương gân khoeo. Tuy nhiên, cuối tuần trước, anh chỉ đá vỏn vẹn 18 phút sau khi được tung vào sân ở cuối hiệp hai.

Với tất cả những sự sẻ chia với Santi Cazorla vì chấn thương vừa rồi, phải thừa nhận rằng nỗi buồn của anh có thể mang tới nụ cười cho Ramsey sau một thời gian tương đối trầm lặng.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Chủ tịch Florentino Perez: ‘Real sẽ KIỆN ngược Liên đoàn bóng đá TBN vụ Cheryshev’

Chủ tịch CLB Real Madrid, Florentino Perez, nói hôm thứ Năm rằng, CLB hoàn toàn không biết cầu thủ Cheryshev đang bị cấm thi đấu, nên mới cho anh vào sân ở trận gặp Cadiz tại Cúp Nhà Vua TBN.

Madrid đã điền tên cầu thủ chạy cánh Denis Cheryshev vào đội hình xuất phát trận thắng 3-1 trước Cadiz.

Hôm thứ Năm (3/12), Cadiz gửi văn bản khiếu nại rằng Cheryshev vẫn đang thụ án treo giò 1 trận từ thời chơi cho Villarreal mùa trước theo dạng cho mượn.

Chủ tịch Perez của Real cho rằng, không thể phạt Real được, bởi vì Cheryshev “không thông báo về mặt cá nhân cho đội bóng”, rằng anh đang bị treo giò.

“Chúng tôi không hề biết về việc cầu thủ đang bị treo giò. Không một ai biết cả”, ông Perez nói trong một cuộc họp báo. “Sau khi Ban lãnh đạo và các Giám đốc phân tích, chúng tôi cho rằng án treo giò vì nhận 3 thẻ vàng không có hiệu lực, bởi vì không ai báo cho cầu thủ của tôi theo điều 41”.

Ông Perez tuyên bố, Real sẽ kiện lên CAS

“Real Madrid không biết cầu thủ đang bị treo giò, không ai thông báo với chúng tôi. Tòa án trọng tài thể thao quốc tế CAS quy định rằng, cá nhân cầu thủ bị treo giò phải được thông báo. Kể cả nếu án treo giò là có thật, nó cũng phải bị bác bỏ theo điều 112, quy định rằng án treo giò không còn hiệu lực bởi vì Ban tổ chức không thông báo với cá nhân cầu thủ, và không được tung cầu thủ đang thụ án vào sân”.

Perez nói rằng vụ việc này không có tiền lệ  ở Madrid. “Cầu thủ không được thông báo nên không ai biết chuyện gì xảy ra. Madrid chỉ có thể phân tích tình hình thực tế và chúng tôi tin rằng án treo giò không còn hiệu lực”.

“Ít nhất, chúng tôi sẽ đưa vụ việc lên CAS, bởi đây là quyền lợi của chúng tôi. Nếu ai đó sai sót, chúng tôi kêu gọi sự châm trước. Nhưng nếu cầu thủ không thông báo với chúng tôi, Liên đoàn không báo với chúng tôi, Villarreal không báo cho chúng tôi, chúng tôi làm sao biết được. Chúng tôi không nhận được thông tin nào vào ngày 27/7. Liên đoàn biêt điều này. Real Madrid không cẩu thả. Đây là kết luận của chúng tôi sau khi nói chuyện với cả đội”.

HLV Benitez cũng không biết Cheryshev bị treo giò

Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) đã nhận được đơn khiếu nại của Cadiz, và sẽ cho Real Madrid thời gian kháng cáo. Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày thứ Sáu (4/12).

Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần, Chủ tịch Perez phải tổ chức họp báo để bác bỏ những chỉ trích. Lần đầu tiên là để bảo vệ HLV Benitez sau trận thua 0-4 trước Barcelona ở “Kinh điển”.

Cheryshev là cầu thủ trưởng thành từ đội trẻ của Madrid, gia nhập năm 2002, được cho mượn tới Villarreal vào mùa trước, và đã nhận án treo giò 1 trận sau khi nhận đủ 3 thẻ vàng ở Cúp Nhà Vua.

Án treo giò này vẫn còn có hiệu lực, nhưng Cheryshev hôm qua vào sân ghi bàn thắng mở tỉ số cho Real Madrid.

Cheryshev vào sân, ghi bàn

Luật của RFEF quy định: nếu một CLB cho một cầu thủ bị cấm thi đấu vào sân, họ sẽ bị loại khỏi giải đấu, nếu có đơn kiện của đối thủ.

Osasuna đã bị loại khỏi Cúp Nhà Vua mùa này sau khi tung vào sân Unai Garcia, cầu thủ bị đuổi trong trận gặp Alaves mùa trước, trong trận thắng 2-1 trước Mirandes.

HLV Benitez của Real Madrid cũng nói, CLB không hề biết Cheryshev bị treo giò.

Thứ Bảy tuần này (5/12), Real Madrid sẽ tiếp Getafe trên sân nhà.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Gary Neville khó thành công ở Valencia?

Gary Neville đã nhận công việc huấn luyện lớn đầu tiên của mình, ở một CLB nhiều tài năng và tham vọng, nhưng chơi dưới sức mình và gặp nhiều vấn đề bên ngoài sân bóng.

Gary Neville khó thành công ở Valencia?

Các cầu thủ Valencia đều hiểu HLV tiếp theo của họ sẽ là Neville, chỉ có điều họ không ngờ người đó là Gary. Phil Neville đã chỉ đạo các buổi tập tuần này sau khi Nuno Espirito Santo tuyên bố từ chức HLV trưởng vào tối Chủ nhật và bị sa thải vào chiều thứ Hai.

Vì sao chọn anh em Neville?

Gary sẽ bắt tay vào việc sau trận đấu thứ Bảy này gặp Barcelona. Anh ký một hợp đồng tới hết mùa giải và trận đầu tiên sẽ là một cuộc đọ sức trọng đại: Trận cuối cùng ở vòng bảng Champions League gặp Lyon ở Mestalla vào tối thứ Tư.

Mối quan hệ giữa các cầu thủ và Nuno đã đổ vỡ từ lâu, nhưng họ vẫn vừa ý với trợ lý Phil Neville, người đã gây ấn tượng sau khi tới vào mùa Hè, nhưng chưa có đủ bằng cấp cần thiết để dẫn dắt một đội bóng ở TBN. Trưởng đoàn của CLB, Salvador Gonzalez “Voro”, sẽ là HLV tạm quyền chính thức cho tới khi Gary đến.

Thật ra, kịch bản anh em Neville ở Valencia không phải là điều gì bất ngờ. Hồi mùa Hè, Phil, Gary và Chủ tịch CLB Layhoon Chan đã được chụp ảnh cùng nhau đi ngang sân tập Paterna của CLB. Hai anh em Neville từ lâu đã là đối tác làm ăn của ông chủ Valencia, Peter Lim. Nhà tài phiệt người Singapore sở hữu một nửa Salford City và đã đầu tư vào các dự án khác của thế hệ Man United 1992, mà Gary là thủ lĩnh không chính thức.

Mối liên lạc giữa họ đã có và mọi việc đều cởi mở, thể hiện qua thỏa thuận chóng vánh giữa Gary với Valencia. Ở Mestalla, Lim cũng được cho là rất ấn tượng với phong cách kiểu Anh và kiểu Ferguson trong việc vận hành một đội bóng. Giám đốc thể thao của CLB cũng đã bị sa thải hồi mùa Hè và vẫn chưa có người thay thế. Gary, vì vậy, có thể được trao toàn quyền.

Những mối quan hệ nhập nhằng

Tuy nhiên, sự nghi ngờ sẽ là không tránh khỏi với một người còn chưa có kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, khi mùa giải đang diễn ra và là người nước ngoài. Hôm thứ Hai, Nuno khẳng định những vấn đề ở Valencia là “về mặt xã hội, chứ không phải thể thao”.

Neville là HLV thứ 14 của họ trong một thập kỷ đầy bất ổn. Valencia cũng có tới 2 sân bóng: 1 sân họ không thể bán và sân kia họ không đủ tiền để xây cho xong vì cuộc khủng hoảng kinh tế nói chung và vì chính sự phá sản của CLB. Lim là cứu tinh của họ khi ông tới vào năm ngoái, mang tới sự ổn định về kinh tế và xã hội, cũng như cuộc trở lại Champions League.

Nhưng trong mùa Hè, cựu Chủ tịch Amadeo Salvo, người đã đưa Lim tới, và Giám đốc thể thao Rufete đều bị buộc phải từ chức. Cả hai đều được lòng các CĐV. Người hâm mộ vì thế giờ sẽ săm soi rất kỹ những kế hoạch của Neville. Quá nhiều câu hỏi cần được trả lời. Con đường phía trước sẽ ra sao? Mục đích thật sự của Lim và công ty Meriton của ông là gì? Mối quan hệ giữa “Siêu cò” Jorge Mendes với CLB ra sao? Việc Nuno bị sa thải không chỉ bởi thành tích kém cỏi, mà còn bởi quan hệ có phần mờ ám của ông với Lim và Mendes.

Siêu cò người TBN, rất thân với Lim, đã làm trung gian cho vụ mua lại CLB năm 2014 và giúp đội hình Valencia mạnh lên trông thấy kể từ đó. Một cuộc thanh trừng ở văn phòng lãnh đạo là không thể tránh khỏi để bộ ba mới xác lập quyền lực. Salvo và Rufete ra đi, để Nuno và Mendes mặc sức muốn làm gì thì làm với đội hình.

Mỗi quyết định, mỗi động thái và mỗi trận đấu ở Valencia đều sẽ phải đặt trong bối cảnh mối quan hệ Lim-Mendes. Giờ Nuno đã đi, Neville đã tới, nhưng Neville không phải là khách hàng của Mendes, mà là đối tác của Lim. Chừng nào ban lãnh đạo Mestalla còn chưa dàn xếp xong câu hỏi ai là người quyết định, đội bóng sẽ chưa thể có một kế hoạch rõ ràng, và đó mới là rủi ro lớn nhất với cựu đội trưởng Man United.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Barca sẽ buộc phải bán Messi, Neymar và Suarez cho các đội bóng Premier League

Tờ The Sun cho biết, Barcelona sẽ bán bộ ba ngôi sao Lionel Messi, Neymar, Luis Suarez cho các đội Premier League để cân bằng ngân sách.

Manchester Ciy và United sẵn sàng chi 350 triệu bảng mua Neymar, Messi. Luis Suarez cũng có thể trở lại Premier League nếu Barca rao giá bán “vừa phải”.

Gã khổng lồ Barcelona đứng trước vực thẳm tài chính, khi phải thuyết phục bộ đôi Messi, Neymar gia hạn hợp đồng.

Nhưng quỹ lương của Barca hiện đã chiếm 73% doanh thu, mức có thể gây ra khủng hoảng, và Barca lại đang cần 423 triệu bảng Anh để mở rộng sân Camp Nou.

Chủ tịch Bartomeu (phải) đứng trước bài toàn khó

The Sun đưa tin, trong tuần trước, Man City đã đàm phán với cầu thủ Messi (28 tuổi), đề nghị anh gia nhập đội bóng và hứa trả mức lương 800 ngàn bảng/tuần.

HLV Manuel Pellegrini hy vọng CLB mua được Messi, sau khi City nhận được khoản đầu tư 265 triệu bảng từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

United cũng muốn lập kỉ lục chuyển nhượng với Neymar (23 tuổi). Cầu thủ này còn 2,5 năm hợp đồng với Barcelona và Chủ tịch Maria Bartomeu kiên quyết rằng Neymar sẽ ở lại.

Nhưng lãnh đạo CLB biết, Barca sẽ yếu thế trên bàn đàm phán gia hạn hợp đồng bởi vì người đại diện của Neymar nhận thức được những rắc rối tài chính của CLB.

Barca muốn tăng lương cho Neymar gần bằng Messi, người đang nhận 500 ngàn bảng/tuần. Phí giải phóng hợp đồng của Neymar cũng được tăng lên cho bằng Messi, 176 triệu bảng.

Trong số 3 người, Neymar (trái) dễ bị bán nhất

Barca gặp nhiều khó khăn khi chưa đạt được thỏa thuận gia hạn tài trợ áo đấu với Qatar Airways, thỏa thuận trị giá 40 triệu bảng/mùa giải.

Barca thậm chí lỗ ở mùa trước, dù đoạt cú ăn ba, vì song song với các danh hiệu, họ phải trả số tiền thưởng khổng lồ cho toàn đội.

Thậm chí, khoản thu 99 triệu bảng cho hợp đồng bản quyền truyền hình cũng chỉ là “chú lùn” trước khoản doanh thu 5,14 tỉ bảng mà các CLB Premier League đang nhận.

Cựu Chủ tịch Joan Laporta nói vào tháng 10 năm nay rằng, Barca phải bán bớt cầu thủ.

“Giải pháp tốt nhất là bán một cầu thủ hàng đầu”, ông Laporta nói. “Đã có đàm phán với Man United. Nhưng Messi sẽ không bao giờ rời Barca. Đó là biểu tượng và trái tim của đội bóng. Tôi nhận được nhiều lời hỏi mua Messi thời còn làm Chủ tịch CLB. Trong số này, Inter muốn mua lại hợp đồng bằng điều khoản giải phóng, nhưng tôi luôn luôn từ chối”.

“Với Neymar thì khác. Tình trạng tài chính của CLB không tốt. Chủ tịch hiện tại phải bán bớt cầu thủ hoặc tài sản cố định để cân bằng ngân sách”.

Hiện tại, các Giám đốc của Barca chưa đưa ra phản hồi về liên tiếp tin đồn liên quan đến tình trạng tài chính bi đát.

Theo Thethaovanhoa.vn