Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ đồng ý với nhận xét của một đồng nghiệp của tôi, nhà báo Phạm Tấn, trên facebook cá nhân của anh cách đây 1 tuần, đại ý rằng “Liverpool mới là đội bóng đáng xem”.
1. Thực sự, đội bóng đáng chú ý nhất, gây sức hút nhất ở Premier League lúc này chính là Liverpool, kể từ khi Juergen Klopp đến thay Brendan Rodgers.
Trước khi Klopp tới Liverpool, Jose Mourinho đang chìm trong các khủng hoảng kéo dài ở Chelsea và đã từng có một bài viết đánh giá rằng mỗi HLV đều có khoảng 10 năm đỉnh cao trong sự nghiệp và Mourinho đã ở vào đoạn cuối của quy luật 10 năm ấy. Đó là một nhận định mang tính võ đoán, chỉ dựa vào sự tương đồng trong sự nghiệp của vài HLV lừng danh hồi thập niên 90 thế kỷ trước.
Nhưng đánh giá ấy lại khiến chúng ta cảm thấy lý thú khi Klopp đến và tuyên bố một câu khác hẳn tuyên bố đầu tiên của Mourinho ở Premier League. Đó là “Tôi chỉ là một người bình thường”, nghe tưởng như khiêm tốn, nhưng nếu đặt cạnh Mourinho với câu “Tôi là người đặc biệt” thì lại có sức nặng của thâm ý đến không ngờ.
Trong tương quan so sánh thú vị đó, có lẽ mỗi chúng ta đều có cảm giác (chỉ là cảm giác thôi nhé) rằng thế hệ HLV tài ba của Mourinho đã bắt đầu ở vào thời điểm lùi lại để nhường sân khấu ánh sáng cho một thế hệ mới, thế hệ của Klopp, Luis Enrique, Diego Simeone… Trong thế hệ mới ấy, có thể nói Klopp và Enrique là những đại diện tiêu biểu nhất, với triết lý chơi bóng hiện đại hơn hẳn những gì thế hệ cũ đã và đang làm.
2. Klopp đến Liverpool và ông tiến hành các buổi tập theo cái cách mà Moreno gọi là “nhàm chán”. Ông chú trọng vào việc di chuyển của các cầu thủ nhiều hơn là các bài đánh cụ thể nào đó. Nhưng sự nhàm chán đó lại tạo ra bất ngờ khi Liverpool ra sân. Đơn giản, nó tập cho cầu thủ thói quen chơi bóng với tư duy chiến thuật rộng mở, tầm nhìn rộng mở và sức sáng tạo cũng rộng mở. Và khi các cầu thủ Liverpool đã bắt đầu nhuần nhuyễn triết lý của Klopp, họ càng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn nhờ lối chơi đa dạng mà đối phương không thể đoán trước được.
Triết lý của Liverpool, cũng phần nào giống như của Barca hiện nay, là không chủ trương tập trung vào một điểm yếu nào của đối thủ để kiên trì khai thác mà thay vào đó, bất thần đưa bóng xuống những khoảng trống bất ngờ đối thủ để lộ ra và dùng khoảng trống đó để kết liễu đối thủ.
Nhìn cách mà Sturridge ghi 2 bàn đầu tiên cho Liverpool trước Southampton ở Tứ kết Cúp Liên đoàn Anh vừa rồi là ta đủ nhận ra. Khi Liverpool đang dàn xếp với lối chơi kỹ thuật, ít chạm, sáng tạo và khiến đối thủ tập trung dồn hết về phía trái của họ, một đường chuyền cho Sturridge bất thần băng lên ở phía phải đã giúp Liverpool có cơ hội. Hoặc như bàn thắng thứ tư của Liverpool cũng vậy, Ibe chọc khe tuyệt vời xuyên qua 4 cầu thủ đối phương để Origi đón bóng trên đà di chuyển và ghi bàn.
Không ai nghĩ Liverpool sẽ chơi kiểu đó, với một tốc độ như thế, sau khi đã quen với Liverpool chậm rãi và công thức dưới thời Rodgers. Lối chơi của Klopp và Enrique có lẽ nên được nghiên cứu thật kỹ, để thành một trào lưu mới, một trào lưu mà tôi mạo muội gọi bằng cái tên “Triết lý cục diện chớp nhoáng”.
3. Khi Klopp mới tới Liverpool, một nhà báo hỏi: Ông thích album nào nhất trong 3 album “White”, “Revolver”, “Sgt. Peppers and the Lonely Heart Club” của The Beatles? Klopp trả lời: “Tôi sẽ thích nhất album kế tiếp của họ”; và câu trả lời đó được bình luận là “từ sau câu nói ấy, người Liverpool hiểu rằng Klopp chính là một phần thuộc về họ”. Đúng, Klopp là một phần của Liverpool nhưng câu trả lời đó cũng nêu lên một đặc tính của ông. Đó là luôn tạo ra bất ngờ. Bóng đá của ông cũng là tạo ra bất ngờ và cái gì bất ngờ cũng dễ khiến người ta bị thu hút. Thế nên, sẽ rất dễ để lý giải vì sao Liverpool sẽ được yêu mến nhiều hơn, kể từ khi Klopp đặt chân đến, và chờ đợi album kế tiếp của The Beatles…
Có lẽ, đã đến lúc quên Mourinho đi, để thừa nhận rằng, Klopp mới đang là người đặc biệt.
Theo Thethaovanhoa.vn