Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Mùa thu hoạch bòn bon 'tiến vua'

Thứ sáu, 1/1/2016 | 01:00 GMT+7

Thứ sáu, 1/1/2016 | 01:00 GMT+7

Quả bòn bon từng cứu đoàn quân của Nguyễn Ánh thoát khỏi đói khát, sau đó năm nào nhà vua cũng yêu cầu cung tiến, giờ trở thành đặc sản của Quảng Nam.

Quả bòn bon còn có tên gọi khác là nam trân, loòng boong, lòn bon, phụng quân... Thường chín vào khoảng tháng 8-9, tuy nhiên năm nay đến đầu tháng 12 mới vào mùa bòn bon do thời tiết thay đổi, hè quá nóng.

Cây bòn bon thuộc thân gỗ, hoa kết trái vào tháng 3 hàng năm, quả mọc ở các nhánh cây thành từng chùm. Có những cây bòn bon cao hàng chục mét nên việc thu hái rất nguy hiểm. Có thể vì thế nên các cụ thời xưa đã nghĩ ra câu chuyện truyền miệng để ngăn cản con gái làm công việc này. Câu chuyện vẫn tương truyền và được người dân một số vùng tuân theo đến tận ngày nay. Theo đó, nếu cây bòn bon nào đến mùa mà nữ giới leo lên hái quả thì ngày hôm sau quả trên cây sẽ rụng và hư hỏng hết...

Ở Quảng Nam, có nhiều câu chuyện liên quan đến loại quả đặc sản này mà người dân truyền miệng từ đời này qua đời khác. Tương truyền, lúc bị quân Tây Sơn đuổi, Nguyễn Ánh đi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy trốn vào Quảng Nam. Những ngày lẩn trốn ở thượng nguồn sông Vu Gia, đoàn quân của chúa Nguyễn cạn kiệt lương thực, phải vào rừng hái trái cây ăn và gặp loại quả ngon ngọt, ăn vào làm dịu cơn đói khát.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long - Nguyễn Ánh đặt tên cho trái cây từng cứu mạng đoàn quân lúc chạy trốn là nam trân, tức món ăn quý của phương Nam. Nam trân sau đó được dùng để tiến vua mỗi khi đến mùa. Những chùm bòn bon có hơn 20 quả to, đẹp sẽ bán giá cao, đặc biệt vào dịp rằm, người dân mua về để đặt trên bàn thờ.

Triều vua Minh Mạng quy định mỗi mùa bòn bon phải tiến cống 6 giỏ và có quy chế riêng đối với các khu rừng có loại quả này. Theo đó, nhà Nguyễn đặt chức sắc địa phương gọi là Quản nam trân để canh giữ vườn cây trái thiên nhiên và có quyền huy động dân binh canh giữ. Theo một số tài liệu, thời Chămpa, các hoàng gia cũng bắt dân chúng cống nộp loại quả này mỗi khi đến mùa.

Những năm chiến tranh, bộ đội đóng quân ở vùng rừng núi Quảng Nam vẫn thường ăn bòn bon thay cơm. Loài quả này có vị chua nhưng ăn không xót dạ dù đói, vì thế có câu “Đói lòng ăn trái bòn bon”. Theo các bậc cao niên, thời xưa đến mùa bòn bon, quả chín rụng xuống ngập đường đi, tha hồ ăn mà không phải vất vả leo trèo như bây giờ. Hiện nay, huyện Tiên Phước là địa phương có nhiều bòn bon nhất, tuy nhiên ở đây tất cả đều là cây trồng. Còn rừng bòn bon tự nhiên ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia nằm sâu trong núi, người dân hái xong phài băng rừng, gùi nhiều giờ mới về đến nhà.

Đối với người dân huyện Tiên Phước, bòn bon là nguồn thu nhập chính mỗi khi đến mùa. Với hơn 130 ha cây cho quả, trung bình mỗi mùa toàn huyện có thể thu về gần 300 tấn bòn bon. Trong khi đó, những rừng bòn bon tự nhiên ở vùng cao của huyện Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang... đang ít dần. Theo quy định từ xa xưa, ai đi rừng phát hiện được cây nào thì đánh dấu và cây bòn bon thuộc về người đó. Mỗi năm đến mùa, họ sẽ tự lên thu hoạch, không bị người khác trộm. Sau khi hái về, người dân lựa chọn từng loại. Những quả to, còn nguyên chùm sẽ bán được giá cao. Những quả rời, đã bị thâm hoặc hư hỏng thông thường người nhà giữ lại ăn.

Tùy vào thời điểm và tùy từng lô hàng, giá bán bòn bon 10.000-30.000 đồng mỗi kg. Loài trái cây này rất dễ bị thâm tím, hư hỏng khi va chạm nên người dân rất cẩn thận trong lúc thu hái.

Bòn bon xứ Quảng không ngọt như bòn bon Thái, quả nhỏ hơn. Bòn bon tự nhiên ở các khu rừng có vị chua, quả nhỏ nhưng rất thơm. Để phát triển loại quả đặc sản và cũng có nhiều giá trị kinh tế này, huyện Tiên Phước mới đây còn ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Theo đó, nếu hộ nào trồng được một ha bòn bon huyện sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng.

Tiến Hùng

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :