Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Giải mã thứ âm thanh dị biệt của Harley-Davidson

“Khi chiếc xe bay qua, bạn nghe như một chiếc phản lực cơ chiến đấu”, Jeff Richlen, kỹ sư trưởng phụ trách các sản phẩm mới của Harley-Davidson, nói về những chiếc xe mô-tô siêu hạng của ông trong một cuộc phỏng vấn mới đây với ABC News.

Khác biệt của đẳng cấp

Richlen không quá lời. Âm thanh dữ dội của những chiếc Harley là một trong những lý do chính khiến các khách hàng đến với hãng xe này. Ngay cả với mẫu xe điện mới của họ LiveWire, vốn có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/g trong vòng 4 giây, tiếng gầm rú vẫn rất được chú trọng. “Những người yêu xe Harley thuần chất sẽ yêu nó cho mà xem”, Richlen cam đoan. “Bạn không muốn rời chiếc xe đó”.

Tốc độ: Giải mã thứ âm thanh dị biệt của Harley-Davidson

Không ai có thể phủ nhận rằng mỗi chiếc Harley lại có một âm thanh riêng biệt, nhất là nếu bộ giảm thanh đã được gỡ ra. Nhưng ngay cả với bộ giảm thanh vẫn được sử dụng, tiếng máy xe vẫn hoàn toàn khác so với các xe mô-tô khác. Lý do nằm ở thiết kế động cơ.

Trong một chiếc xe hơi chạy xăng 4 thì chẳng hạn, một chiếc piston đi qua 4 giai đoạn hút, ép, nổ và xả cứ mỗi hai vòng quay của trục cơ. Khi chiếc máy cắt cỏ của bạn ở trạng thái nổ những không lăn bánh, bạn có thể nghe thấy những tiếng nổ nhỏ, đó là âm thanh của xăng bị nén trong xi-lanh thoát ra ngoài khi van xả khí mở ra. Mỗi tiếng nổ là một lần van xả khí mở ra, và điều này xảy ra sau mỗi vòng quay thứ hai của trục cơ.

Máy của xe Harley bao gồm hai piston. Sự khác biệt trong động cơ của Harley là trục cơ chỉ có một chốt lắp thah truyền, và cả hai piston đều kết nối với nó. Thiết kế này, cùng với hình dáng chữ V của xi-lanh, khiến cho các piston không quay trọn 360 độ trong một vòng.

Tốc độ: Giải mã thứ âm thanh dị biệt của Harley-Davidson

Một động cơ Harley vận hành như sau: Một piston được đẩy vào, piston tiếp theo đẩy vào ở 315 độ (thay vì 360 độ), một khoảng trống 405 độ xuất hiện, piston tiếp theo được đẩy vào, và cứ thế… Chính vì thế, động cơ Harley không phát ra tiếng đều mà là “pop-pop”, một khoảng dừng, rồi lại “pop-pop”, và cứ thế, khi xe nổ máy mà không chạy.

Harley-Davidson được thành lập năm 1903 ở Milwaukie, Wisconsin và đã xoay xở sống qua được cuộc Đại Suy thoái khi nhiều công ty khác trong ngành của họ phá sản. Harley chuyên chế tạo những xe mô-tô hạng siêu nặng chạy trên đường cao tốc, tức những chiếc trên 750 cc.

Những chiếc xe nổi tiếng với thiết kế riêng biệt và âm thanh dữ dội, với nhiều chiếc được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng. Năm 1991, Harley-Davidson bắt đầu tham gia Nhóm kiểm tra chất lượng âm thanh, một tổ chức đặc biệt được thành lập chung bởi Orfield Labs, Bruel và Kjaer, TEAC, Yamaha, Sennheiser, SMS và Cortex.

Tốc độ: Giải mã thứ âm thanh dị biệt của Harley-Davidson

Đó là nhóm đầu tiên trên thế giới chuyên nghiên cứu về âm thanh và tác động tới tâm lý của âm thanh. Cũng trong năm đó, Harley-Davidson tham gia vào các nghiên cứu âm thanh của Orfield Labs. Mục tiêu chính là hạ âm thanh xuống theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng vẫn giữ được âm lượng truyền thống của Harley.

Đăng ký bản quyền âm thanh

Thậm chí, ngày 1/2/1994, công ty còn nộp đăng ký bản quyền âm thanh của động cơ Harley-Davidson lên chính phủ Mỹ. Ngay lập tức, 9 hãng đối thủ của Harley đã đệ đơn phản đối bản đăng ký này. Lập luận của họ là động cơ của họ cũng phát ra tiếng giống như xe Harley. Cuộc kiện tụng bắt đầu và tới năm 2000, Harley-Davidson đã hủy đơn xin cấp bản quyền thương hiệu của họ.

Một người phát ngôn của hãng khi đó nói công ty, sau 6 năm đấu tranh, đã mệt mỏi với việc ném hàng chục nghìn đô-la vô ích vào một cuộc chiến pháp lý không hồi kết. Harley sợ rằng tiếng “thum-thum-thum” rất điển hình của những chiếc xe mà họ sản xuất, có thể nghe rất phấn khích hoặc rất khó chịu tùy theo người cảm nhận, sẽ trở thành nylon tiếp theo. Sản phẩm nhựa tổng hợp này của công ty DuPont không được bảo vệ thương hiệu từ đầu và nhanh chóng trở thành một cái tên chung.

Nhưng Harley đang đi qua một con đường quá khó khăn khi xin giấy phép bản quyền cho âm thanh. Tính tới năm 1998, chỉ 23 trong 730.000 thương hiệu được cấp tác quyền bảo vệ một âm thanh, và hầu hết là những âm thanh nhân tạo, như tiếng gầm của con sư tử trong phần mở màn các phim của hãng MGM, đoạn nhạc 3 nốt của đài truyền hình NBC hay tiếng nhạc mở màn của hãng viễn thông AT&T.

Tốc độ: Giải mã thứ âm thanh dị biệt của Harley-Davidson

Dù Văn phòng Bản quyền và Thương hiệu Mỹ chưa kịp đưa ra quyết định về Harley thì họ rút đơn, một nguồn bên trong của văn phòng nói sẽ khó có khả năng một giấy chứng nhận như thế được cấp. Những hãng sản xuất xe mô-tô khác trong nhóm phản đối Harley, bao gồm Honda và Yamaha, cho rằng âm thanh đó vốn là đặc trưng của mọi xe máy với động cơ V-kép mà thiết kế đã được phát triển từ lâu trước khi các xe Harley ra đời.

Tuy nhiên, Harley không vì thế mà cho rằng họ đã thua cuộc. “Nếu các khách hàng của tôi biết rằng âm thanh của chúng tôi là không thể bắt chước, thì như thế là đủ cho tôi và Harley-Davidson”, Joanne Bischmann, Phó giám đốc tiếp thị của hãng lúc bấy giờ, kết luận.

Những âm thanh được đăng ký bản quyền

1. Con sư tử của MGM. Có 5 con sư tử khác nhau được sử dụng cho logo của MGM tính tới giờ, nhưng con đầu tiên (là con được cấp bản quyền) có tên Jackie.

2. Nhạc chuông của NBC. Âm thanh đầu tiên được đăng ký bản quyền, vào năm 1950. Với những ai là nhạc sĩ trong các độc giả của chúng tôi, ba nốt nhạc chuông đó là Son (G), Mi (E) và Đồ (C).

3. Nhạc logo của hãng phim 20th Century Fox. Đoạn nhạc này do Alfred Newman sáng tác. Ông là người đứng đầu bộ phận âm nhạc của hãng phim này trong hơn 20 năm. Ông cũng từng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và giành 9 giải Oscar về nhạc phim trong sự nghiệp của mình.

4. Tiếng “boong” của Intel Inside. Do Walter Werzowa sáng tác ở phòng thu tại nhà của ông, logo gồm năm nốt này được cho là phát ra đâu đó trên thế giới cứ mỗi 5 phút.

5. AAMCO. Âm thanh được đăng ký thương hiệu của hãng sửa và bảo dưỡng xe này là một giọng nói “Double A” kèm theo hai tiếng bóp còi xe, rồi “M-C-O”. Những chủ hãng AAMCO cũng là chủ hãng MAACO, đều đặt theo tên chữ cái đầu tên những người chủ.

Yamaha R3 sắp tăng giá 5 triệu đồng

3 mẫu xe nhập khẩu nhập khẩu nguyên chiếc của Yamaha Motor Việt Nam (YMVN) sẽ cùng tăng giá từ ngày 1/3, trong đó R3 tăng nhiều nhất: 5 triệu đồng/xe.

Yamaha R3 sắp tăng giá 5 triệu đồng - ảnh 1

Yamaha YZF R3 sẽ tăng giá lên 155 triệu đồng từ tháng 3/2016.

Thông báo hôm nay 1/2 của YMVN cho biết giá bán chính hãng dành cho các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam, bao gồm 3 sản phẩm YZF-R3, NM-X và FZ 150i sẽ được điều chỉnh từ đầu tháng tới.  Nguyên nhân được lý giải là do sự điều chỉnh của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, R3 tăng từ 150 triệu đồng lên 155 triệu đồng, NM-X tăng từ 80 triệu lên 82 triệu đồng, FZ150 tăng từ 67,5 lên 68,9 triệu đồng. Bản FZ150i Movistar cũng tăng từ 69,9 triệu lên 71,3 triệu đồng.

YZF-R3 là mẫu xe thể thao tầm trung với dung tích xi-lanh 321cc, mang thiết kế đặc trưng của dòng R-series huyền thoại của Yamaha. Khi ra mắt, R3 đã được đánh giá là có mức giá rẻ bất ngờ so với xe nhập khẩu không chính hãng. Hiện tại trong tháng 2/2016, YMVN tiếp tục khuyến mại tặng áo jacket thể thao và mũ bảo hiểm cả đầu cho khách hàng có thể đặt mua R3 trực tuyến. Kể từ tháng 3/2016, R3 sẽ được bán trực tiếp với giá mới tại hệ thống showroom Sport Shop của Yamaha ở các thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Yamaha R3 sắp tăng giá 5 triệu đồng - ảnh 2

Xe tay ga Yamaha NM-X với trang bị ABS.

NM-X là mẫu xe tay ga cao cấp, kế thừa các ưu điểm của dòng MAX trứ danh. Mẫu xe này sử dụng động cơ Blue Core 155cc và hệ thống van biến thiên VVA cho hiệu suất ấn tượng và khả năng tiết kiệm nhiên liệu hoàn hảo. NM-X cũng là mẫu xe đầu tiên cho thị trường ASEAN được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) vốn dành cho xe thể thao lớn, đảm bảo an toàn hơn khi phanh đột ngột.

Yamaha R3 sắp tăng giá 5 triệu đồng - ảnh 3

Yamaha FX 150i phiên bản Movistar.

FZ 150i là dòng naked bike phù hợp để làm quen với phân khúc môtô phân khối lớn, kiểu dáng thể thao và động cơ 150cc. Phiên bản FZ 150i Movistar mang tem giống với xe của đội Yamaha tham dự MotoGP.

Siêu xe Honda NSX đầu tiên có giá 1,2 triệu USD

Honda NSX tại thị trường Mỹ có tên Acura NSX. Mẫu xe đầu tiên phiên bản 2017 lắp ráp mang số VIN #001 đã bán ra tại một buổi đấu giá với giá bán không dưới 1,2 triệu USD.

Trong khi mức giá tiêu chuẩn của siêu xe Nhật chỉ là 156.000 USD, thậm chí bản cao nhất 205.700 USD cũng ở mức khiêm tốn hơn nhiều so với con số chốt tại buổi đấu giá. 

sieu-xe-honda-nsx-dau-tien-co-gia-1-2-trieu-usd

Acura NSX 2017 #001 tại buổi đấu giá.

Chủ nhân của Acura NSX 2017 #001 là Rich Hendrick, thành viên đội đua NASCAR, người từng mua những mẫu xe thể thao khác tại các buổi đấu giá như Chevrolet Corvette Z06 2015 giá 1 triệu USD, Corvette 2014 đầu tiên giá 1,1 triệu USD hay Camaro ZL1 2012 đầu tiên 250.000 USD và cuối cùng là BMW M5 “30 Jahre” 700.000 USD. Toàn bộ số tiền bán xe sẽ đóng góp vào quỹ từ thiện Pediatric Brain Tumor Foundation and Camp Southern Ground. 

Vớ mức giá bất thường như vậy, Acura NSX #001 được trang bị những tùy chọn cao cấp nhất như mui xe bằng sợi carbon, phanh gốm carbon và gói nội thất sợi carbon. 

NSX trang bị động cơ 3.5 V6 cho công suất 500 mã lực tại vòng tua máy 6.500-7.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 550 Nm tại vòng tua từ 2.000-6000 vòng/phút.

Động cơ xăng còn được hỗ trợ bởi 2 động cơ điện (TMU) ở cầu trước với công suất 72 mã lực và mô-men xoắn 146 Nm. Cầu sau cũng tích hợp một động cơ điện nằm giữa cỗ máy V6 và hộp số 9 cấp ly hợp kép, với công suất 47 mã lực và mô-men xoắn 148 Nm.

Tổng sức mạnh mà Acura NSX 2017 sở hữu là 573 mã lực, mô-men xoắn cực đại 550 Nm. Xe tăng tốc 0-97 km/h trong khoảng 3 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 307 km/h.

Theo Autodaily

Bài 4: Thành lập Ủy ban TDTT -Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước

(70 năm Thể thao CMVN) - Sau hơn 4 năm hoạt động, Ban Thể dục Thể thao Trung ương đã đạt được nhiều kết quả đáng kể với nhiều phong trào, ban hành một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng trong điều hành hoạt động TDTT, hoàn thiện bộ máy chỉ đạo công tác TDTT từ trung ương đến các bộ, ban, ngành, các khu, thành phố, tỉnh, huyện, xã; thành lập các trường đào tạo cán bộ chuyên ngành từ sơ cấp đến trung cấp TDTT, trường tập trung huấn luyện các đội tuyển quốc gia sẵn sàng làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế… Một dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Ủy ban TDTT vào năm 1960.
Hình ảnh: Bài 4: Thành lập Ủy ban TDTT -Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước số 1

 Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các VĐV, HLV tham dự Đại hội GANEFO - Đại  hội Thể thao châu Á (1966).

Ủy ban TDTT ra đời

Ngày 6/1/1960, tại Hà Nội, Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định “Chuyển Ban TDTT Trung ương thành Ủy ban TDTT quốc gia, trực thuộc Hội đồng Chính phủ”.

Trung tướng Hoàng Văn Thái- Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Từ tháng 1/1960, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban TDTT cho đến trước ngày vào Nam chỉ đạo công cuộc chống Mỹ cứu nước tại chiến trường năm 1968.

Cùng biệt phái từ Bộ Quốc phòng sang ngành TDTT còn có có Đại tá Nguyễn Văn Quạn và hơn 100 sĩ quan khác từ Trung tá đến Thiếu úy. Các sĩ quan, hạ sĩ quan khác đảm đương các vị trí từ: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Phó vụ trưởng các vụ chức năng, Trưởng phòng, Trưởng các bộ môn, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường sơ cấp, trung cấp TDTT, Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT ở Nhổn (Hà Nội), Xuân Mai (Hà Đông cũ), Từ Sơn (Bắc Ninh) đến Chủ nhiệm các Câu lạc bộ phục vụ quốc phòng: Hàng không, Tàu lượn, Nhảy dù, Vô tuyến điện, Mô hình máy bay, Hàng hải, bơi lặn, Tuyên huấn, báo Thể dục Thể thao…

Cũng theo nội dung trong Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức cơ bản của Ngành TDTT Nhà nước theo 4 cấp: Trung ương - thành phố, tỉnh - huyện - xã. Cơ quan điều hành, chỉ đạo TDTT các cấp (phải) đủ gồm đại diện các ngành: Quốc phòng, Giáo dục, Thanh niên, Phụ nữ, Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Những nhiệm vụ then chốt

Từ năm 1960, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác TDTT: Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về TDTT (ngày 6/1); Chỉ thị 181/CT-TW (ngày 31/1) của Ban Bí thư TW Đảng về công tác TDTT; Nghị quyết về cuộc vận động Phong trào Thể dục và Vệ sinh phòng bệnh (ngày 6/4); Chỉ thị 336/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác thể dục; Chỉ thị số 38/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng (ngày 28/2/1962) về tăng cường công tác thể thao quốc phòng; Nghị định 109/CP ban hành Điều lệ “Chế độ phân cấp VĐV”, “Điều lệ phân cấp trọng tài” (9/1962)…

Tháng 4/1963 Nghị quyết Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ ngành TDTT: “Tiếp tục củng cố và mở rộng phong trào, đồng thời nâng cao từng bước có trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động thể thao quốc phòng và thể thao hiện đại (nay là thể thao thành tích cao). Đồng thời phát triển có chọn lọc nâng cao các môn thể thao dân tộc. Bắt đầu đưa việc dạy thể dục và một số môn thể thao vào chương trình học tập của các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và đại học. Phát triển mạnh mẽ thể dục trong các ngành sản xuất thích hợp với nghề nghiệp…”

Nhiều văn kiện quan trọng của Đảng làm cơ sở để định hướng cho toàn bộ công tác TDTT ở nước ta cho đến nay là báo cáo Chính trị  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (họp tại Hà Nội tháng 9/1960) do đồng chí Lê Duẩn trình bày ngày 5/9/1960. Trong văn kiện này, Đảng ta đã xác định “Con người là vốn quý nhất. Bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là nghĩa vụ và mục tiêu cao quý của các ngành TDTT, Y tế. Chính vì thế mà Đảng, Chính phủ ta rất coi trọng công tác TDTT và Y tế…”.

Cần phải phát động một phong trào vệ sinh phòng bệnh và TDTT của quần chúng, tạo thành một cuộc vận động cách mạng thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đó không phải chỉ là nhiệm vụ của các ngành TDTT, Y tế mà còn là một nhiệm vụ của các đoàn thể quần chúng, của các cơ quan chính quyền, của các tổ chức cấp ủy Đảng”… “Ra sức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Y tế và cán bộ TDTT”.

 Học tập và làm theo tấm gương sáng Hồ Chí Minh

Trên diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ III, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Trung tướng Hoàng Văn Thái đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân noi theo tấm gương sáng của Bác Hồ về tập luyện thể dục hàng ngày. Trung tướng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính mến của Đảng ta, là người thường xuyên chăm lo đến sức khỏe của nhân dân, khuyến khích, chỉ dẫn phong trào thể dục và là một trong những người tập thể dục đều đặn nhất. Việc tập thể dục buổi sáng trở thành một thói quen không thể thiếu của Người. Do đó, tuy Bác đã có tuổi, nhưng da dẻ lúc nào cũng hồng hào, tinh thần sáng suốt. Đây là một sự cổ vũ rất lớn đối với phong trào TDTT và là tấm gương sáng cho cán bộ chúng ta noi theo học tập”.

Từ năm 1954 đến đầu tháng 9/1969, trước khi đi xa, Bác Hồ đã dành nhiều quan tâm cho TDTT. Bác căn dặn thanh niên: “Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức khỏe để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Đến thăm Trường Trung cấp TDTT TW (ngày 14/12/1961), Bác ân cần dặn dò: “Học TDTT để trở thành người cán bộ cần mẫn, hăng hái đi vận động xây dựng phong trào thể dục, động viên mọi người cùng tự giác tập luyện thường xuyên. Người dân ai cũng khỏe thì công cuộc kiến thiết đất nước mới chóng thành công!”. Đặc biệt, ngày 31/3/1960, Bác gửi thư cho Hội nghị TDTT toàn quốc (miền Bắc) tại Hà Nội: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập TDTT. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào TDTT cho rộng khắp. Cán bộ TDTT phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác. Thân ái chúc Hội nghị thành công tốt đẹp”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, TDTT phải vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng con người mới và đời sống văn hóa mới, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì danh dự Tổ quốc, vì đại sự “Dân cường thì quốc thịnh”. Đây là một tài sản vô giá của nền TDTT cách mạng Việt Nam.

Trương Xuân Hùng

Bài 3: Tái lập ngành TDTT sau kháng chiến chống Pháp

(70 nam TDTT) - Sau khi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 1/1/1955 nhân dân Thủ đô đón chào Đảng, Chính phủ, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội bằng cuộc mít tinh lớn trên Quảng trường Ba Đình. Lịch sử nước nhà nói chung và nền TDTT cách mạng nói riêng cùng bước sang trang sử mới...
Hình ảnh: Bài 3: Tái lập ngành TDTT sau kháng chiến chống Pháp số 1

Ông Hoàng Anh - Chủ nhiệm Ban Thể thao Trung ương (1956) làm việc với Bác Hồ.

  Nền móng tái thành lập Ngành TDTT

Một ngày hạ tuần tháng 4 năm 1955, đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn được triệu lên gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Vừa dứt câu chào, ông Vượng đã được nghe từng lời ân cần từ Bác:

- Chú chưa đưa cô Nghĩa và các cháu từ Bố Hạ hồi cư về Hà Nội à? Vợ chồng xa cách đến gần trăm cây số, hàng tuần đạp xe đi về như vậy hại sức khỏe lắm! Ông Vượng nghe Bác nói vậy càng lúng túng hơn, chưa kịp giãi bày thì Bác nói tiếp:

Bác giao công việc cho chú đây: “Ba Lan mời Chính phủ ta cử một đoàn đại biểu thanh niên ưu tú sang dự Festival Thanh niên-sinh viên thế giới. Chú và mấy cô chú nữa đại diện cho Thanh niên Việt Nam tham dự. Nhưng sẽ đi trước để tìm hiểu, các nước bạn Đông Âu tổ chức hệ thống cơ quan TDTT, mở trường đào tạo cán bộ, tập trung lực lượng VĐV thể thao giỏi như thế nào!

Lát sau, Bác nói tiếp: “Các nước XHCN họ dạy thể dục cho học sinh, tổ chức chơi thể thao trong trường học như thế nào!? Chú giao mỗi người một việc, cho phù hợp, cần ghi chép tỉ mỉ... Miền Bắc đã hòa bình nhưng còn phải lo lao động hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhân dân cần có sức khỏe. Việc ăn ở, chính phủ lo cho dân. Còn sức khỏe của dân, của thanh niên, học sinh các cấp... Bác giao cho các cô, các chú lo liệu. Chú có làm được không thì nói cho Bác rõ”.

Một bản danh sách sau đó được trình lên Bác gồm: Nguyên cầu thủ bóng đá Trương Tấn Bửu, Y sĩ quân đội kiêm cựu lực sĩ điền kinh Vũ Quang Tiệp, cua-rơ xe đạp Đông Dương Vũ Văn Thân (Hà Nội) và hai nữ VĐV tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương (ESEPPIC - Đà Lạt): Trần Thị Kim Duyên giáo viên thể dục trường Trưng Vương Hà Nội và Nguyễn Thị Thủy nguyên cán bộ thanh vận trong giới học sinh - sinh viên Thủ đô hồi còn bị giặc tạm chiếm.

Ngày 24/5/1955, 5 người có tên trên tập trung tại Trung ương Đoàn. Sau tuần học tập nội quy, ngày 2/6/1955 đoàn do ông Vương Bích Vượng phụ trách lên đường Mục Nam Quan sang Trung Quốc. Từ đấy, 6 người đi tàu hỏa sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, CHDC Đức, Bungari... và đầu tháng 7 đến Ba Lan nhập với Đoàn đại biểu nước nhà dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới ở thủ đô Vacsava. 

Trong 3 tuần lễ, tổng kết chuyến đi, một bản “báo cáo” hơn hai chục trang được trình lên Bác. Sau hơn 5 tháng khẩn trương chuẩn bị, tháng 6/1956, Chính phủ ra chỉ thị tái thành lập Ngành TDTT có tên gọi: Ban TDTT Trung ương.

 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương

Năm 1956, khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh sang nhậm chức Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương, cơ quan lúc này có gần 100 cán bộ.

Trong thời gian từ cuối năm 1954 đến gần cuối năm 1956, miền Bắc chưa có cơ quan chuyên trách TDTT. Các hoạt động TDTT do các Tỉnh đoàn, Thành đoàn hoặc Ty Văn hóa… chỉ đạo. Từ tháng 9/1954, Đoàn Công tác TDTT (gọi tắt là Thể Công) được thành lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là người rất quan tâm các hoạt động TDTT, đặc biệt trong lực lượng vũ trang.

Khi Chính phủ quyết định thành lập Ban TDTT TƯ. Thông cáo của Hội đồng Chính phủ (Báo Nhân dân ngày 21/6/1956) nhấn mạnh: “Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ban TDTT trung ương để lãnh đạo và phát triển phong trào TDTT trong toàn dân cũng như trong Quân đội”.

Tháng 12/1956 thông qua những chủ trương công tác TDTT. Ngày 6/3/1957, Nghị định số 068/TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Ban TDTT Trung ương trực thuộc Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ giúp Chính phủ lãnh đạo phong trào TDTT trên toàn miền Bắc, kể cả phong trào TDTT trong Quân đội. Đồng chí Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được cử làm Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương. Cán bộ cơ quan Ban TDTT Trung ương hầu hết được chuyển về từ Bộ Quốc phòng, chỉ có một số ít từ Trung ưng Đoàn...

 Nhớ mãi lớp cán bộ thứ hai ngày ấy…

Sau lớp cán bộ đầu tiên tại Nha Thể dục Trung ương, thì lớp cán bộ về Ban TDTT Trung ương năm 1956 đã có đóng góp đáng kể xây nền, dựng móng cho “Tòa nhà TDTT” nguy nga lộng lẫy cho đến ngày nay. Những “Anh bộ đội cụ Hồ” đã thành những chiến sĩ trên mặt trận TDTT” 36 Trần Phú từ buổi đầu dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Hoàng Anh phải kể đến các ông, bà:

rần Chí Hiền, Vương Bích Vượng, vài năm sau có thêm Ngô Luân (cùng giữ chức Ủy viên Thường trực); Các Trưởng phòng: Phan Ngươn Đang, sau là Nguyễn Tất Thế (Phòng TDTT Nhân dân), Huỳnh Văn Lệnh (Hành chính), Phùng Duy Thực (Tổ chức), Nghiêm Xuân Đẩu, tiếp đến Võ An Khang, sau là Phùng Duy Phiên (Thể thao Quốc phòng), Đàm Phụng Dực (Tuyên huấn); Các Phó phòng hoặc Trưởng bộ môn: Nguyễn Tính (Tuyên huấn), Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Thanh Trạm (TTQP); Phạm Lượng (bóng chuyền), Nguyễn Văn Toại (bóng đá), thời gian sau có Mai Duy Dưỡng (bóng bàn), Trịnh Khang (bóng rổ), Bùi Văn Phúc (bơi lội), Trần Đình Tùng (quyền Anh về sau là võ vật) cùng thuộc Phòng TDTT Nhân dân); Các VĐV, HLV: Nguyễn Thông (bóng đá), Bùi Tử Liêm, Đoàn Thế Thiêm, Trần Tú Thi (điền kinh), Lý Đức Kim, Phạm Quang Tuyến, Hoàng Cát, Lâm Dũng (bóng chuyền); Cổ Tấn Chương (Hiệu trưởng Trường Sơ cấp TDTT Quần Ngựa), Vũ Tiến Quân (Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp TDTT TƯ), Trương Tấn Bửu (Hiệu trưởng Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương - Nhổn ngày nay), các Phó hiệu trưởng: Mai Xuân Phán, Nguyễn Ngọc Dần, Võ Tiến An); HLV Thể dục Quân sự thuộc Phòng TTQP: Nguyễn Ngọc Tịnh, Lục Quang Minh, Long Hưng Bộ; Nguyễn Thế Hào - Tổng biên tập Báo Thể dục Thể thao.

Thời gian 4 năm đầu, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ban TDTT Trung ương đã chỉ đạo nhiều hoạt động phong trào rộng khắp thu hút đông đảo người tham gia như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, đua xe đạp, bơi lội... Đặc biệt vận động khá thành công phong trào: “Thể dục Mùa Xuân”, chạy dai sức “Việt dã Tiền phong”, đi bộ tranh giải Báo Thể dục Thể thao. Phong trào “Rèn luyện thân thể” mang tên: Đại hội khỏe Thanh niên các cơ quan trung ương; Chạy tiếp sức Hà Nội - Bắc Kinh của sinh viên, học sinh; Cuộc vận động rèn luyện thân thể Thu - Đông - Xuân 1958-1959 có hàng trăm vạn người khắp miền Bắc hăng hái tập luyện...

Ông Hoàng Anh sinh năm 1912 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng từ năm 1936; Lãnh đạo cướp chính quyền tại Huế tháng 8/1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế rồi lên Liên khu 4. Năm 1953 tham gia Quân đội, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng.

Tết Bính Thân 2016 sắp tới, cụ Hoàng Anh sẽ đại thượng thọ 104 tuổi. Về thăm Nhà lưu niệm tại quê xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi: “Đồng chí Hoàng Anh - người con ưu tú của Thừa Thiên - Huế, người Đảng viên cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo tài năng đức độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Xin chúc đồng chí Hoàng Anh trường thọ, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân...”. 

Trương Xuân Hùng

Bài2: HOÀN CẢNH RA ĐỜI SẮC LỆNH SỐ 38 VÀ LỜI HÔ HÀO TOÀN DÂN TẬP THỂ DỤC

(70 nam TDTT) - Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên-Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng ngày, Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh đăng bài “Sức khỏe và thể dục” của Người. Thực chất đây là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ. Như vậy, chỉ có Ngành TDTT được “ưu tiên” đến thế khi, Chủ tịch nước ban hành 2 sắc lệnh thành lập trong vòng 2 tháng. Từ năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam. Bước sang năm 2016, kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành TDTT cách mạng và 25 năm Ngày Thể thao Việt Nam.
Hình ảnh: Bài2: HOÀN CẢNH RA ĐỜI SẮC LỆNH SỐ 38 VÀ LỜI HÔ HÀO TOÀN DÂN TẬP THỂ DỤC số 1

Hoàn cảnh ra đời Sắc lệnh số 38

Bốn tháng cuối năm 1945 và 3 tháng đầu năm 1946, nhân dân cả nước tuy mới được sống trong không khí độc lập dân tộc, song gặp muôn vàn khó khăn bởi nạn đói hoành hành. Trong khi đó phát xít Nhật, thực dân Pháp, quân Tưởng Giới Thạch (Tàu) cùng lăm le ra sức tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chính phủ dân chủ cộng hòa do Bác lãnh đạo trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là chưa kể nạn đói, nạn mù chữ, thù trong giặc ngoài điên cuồng chống phá cách mạng.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời ký Sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên. Đây chính là ngày thành lập Ngành TDTT cách mạng. Tuy nhiên, sau ngày Tổng tuyển cử 6/1 thắng lợi, ngày 2/3/1946, tại Hà Nội, Quốc hội họp phiên toàn thể đầu tiên và thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, cử Hồ Chí Minh tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước. Nội các Chính phủ mới chỉ còn 10 bộ thay vì 14 bộ của chính phủ trước đó. Bốn bộ giải thể, trong đó có Bộ Thanh niên phụ trách Nha Thể dục Trung ương (*).

Chính phủ mới bước vào hoạt động mới được 24 ngày với vô vàn khó khăn, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian xem xét ban bố Sắc lệnh công tác TDTT, tái thành lập cơ quan đầu não chỉ đạo mọi hoạt động TDTT của đất nước được đặt ở “Bộ Quốc gia Giáo dục”. Vì thế nội dung Sắc lệnh số 38 rất mới với nhiệm vụ không hề nhẹ đối với ngành giáo dục lúc bấy giờ: (nguyên văn).

Nhằm nhanh chóng triển khai công tác TDTT đến với toàn dân giữa lúc đồng bào hầu hết còn đang bị nạn đói, nạn mù chữ, nạn ốm yếu gày còm đe dọa. Bác viết bài báo “Sức khỏe và Thể dục” hô hào đồng bào hãy hăng hái tự giác tập thể dục (nguyên văn):

Trong bài  hùng văn này, Bác giao trách nhiệm rõ ràng cho ngành Giáo dục quốc gia: “Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe”.

Rất tiếc, từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ai đó ở Ủy ban TDTT đã cắt bỏ đoạn văn quan trọng gồm 28 từ này. Vì thế, cho đến nay, bài viết của Bác Hồ vẫn đang tồn tại ở hai dạng”

a) - Ở tất cả tài liệu, văn kiện, sách xuất bản của Ngành TDTT vẫn dùng cụm từ “Lời kêu gọi tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng so với văn bản gốc: Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch/ Nxb Sự thật, Hà Nội 1958; Tuyển tập Hồ Chí Minh, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006; Hồ Chí Minh biên niên sử… v.v… thì đều thiếu đoạn văn trên.

b)- Ngoài nội dung nêu trên, thì ở các văn bản của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (những năm từ 60-80 của thế kỷ 20), nay là Bộ Giáo dục Đào tạo, trong các văn bản chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, tài liệu về “Giáo dục thể chất” đều đăng nguyên văn Lời hô hào tập thể dục ngày 27/3/1946 của Bác Hồ.

Đây là một sự kiện của lịch sử, Ngành TDTT nói riêng và các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các Nhà sử học, Hội Khoa học Lịch sử TDTT cần sớm khắc phục thiếu sót nghiêm trọng này.

 Các Nghị định xây dựng nền móng TDTT năm 1946

Việc đầu tiên trong chương trình hành động triển khai xây dựng tổ chức quản lý nhà nước và điều hành TDTT là xây dựng hệ thống tổ chức quản lý TDTT. Thi hành Sắc lệnh số 14, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền ban hành Nghị định số 13/TN xác định nhiệm vụ, hoạt động, tổ chức của Nha Thể dục Trung ương: Gây trong nước một phong trào ham thích thể dục, tăng bổ sức khỏe của đại chúng, cải tạo nòi giống thật mạnh bằng cách thực hành một chương trình thể dục riêng và một phương pháp thể dục Việt Nam. Biện pháp đi kèm là: Tuyên truyền, cổ động, nghiên cứu một phương pháp thể dục thích nghi  giản dị và thiết thực; sửa chữa các sân vận động cũ, xây dựng sân vận động mới; mở trường huấn luyện để đào tạo các Ủy viên thể dục cấp tỉnh, thành phố, bộ, các chỉ đạo viên, hướng dẫn viên thể dục và thể thao.

Tổ chức Nha Thể dục Trung ương có: Ban Thường vụ gồm giám đốc, phó giám đốc, Chủ sự Văn phòng và các ban chuyên môn như: Ban Nghiên cứu, Ban Huấn luyện, Ban cổ động, Ban Kiểm soát…

Bộ trưởng Bộ Thanh niên đã ký ban hành các Nghị định: Thành lập Ban cố vấn chuyên môn, Ban Bảo trợ, Ủy ban Thể thao Bắc Kỳ và Phòng Thể dục Thể thao Hà Nội.

Thi hành Sắc lệnh số 38, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Đặng Thai Mai ký ban hành Nghị định số 167/NĐ về việc ủy nhiệm một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách Nha Thanh niên và Thể dục, đổi Nha Thể dục Trung ương thành Phòng Thể dục Trung ương. Bộ máy điều hành công tác TDTT từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố được nhanh chóng hoàn thiện và bắt tay ngay vào triển khai các công việc cụ thể.

Ngày 2/4/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ra Thông tư số 10/NV/CC về việc đặt Ủy viên Thể dục ở các cơ quan cấp Bộ, và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố.

Ngày 22/7/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định số 330/NĐ quy định: ở mỗi kỳ, bộ thành lập một Sở Thanh niên - Thể dục; ở cấp tỉnh, thành phố lập một Ty Thanh niên - Thể dục; ở phủ, huyện có Ban Thanh niên - Thể dục và cấp xã lập Tiểu ban Thanh niên - Thể dục.

Sắc lệnh số 38

                                                            Ngày 27 tháng 3 năm 1946

     Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục

     Một Nha Thanh niên và Thể dục

                                  CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

                          VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

     Chiểu theo Quyết nghị của Quốc dân Đại hội Việt Nam họp ngày 2 tháng 3 năm 1946 định sự tổ chức Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến:

                                            RA SẮC LỆNH

     Điều thứ nhất:

    Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm có một Phòng Thanh niên Trung ương và một Phòng Thể dục Trung ương.

    Điều thứ hai:

   Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục chịu ủy nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

                                                                Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1946

                                                                                 Hồ Chí Minh.

Trương Xuân Hùng

Bác Hồ với sự nghiệp TDTT

(70 nam TDTT) - Tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Thể dục Thể thao cách mạng (1946-2016), 25 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1991-27/3/2016), Tạp chí Thể thao trân trọng giới thiệu loạt bài về các dấu mốc hình thành và phát triển sự nghiệp TDTT cách mạng nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, chỉ dẫn và chăm lo gây dựng với mong muốn cao cả “Dân cường thì quốc thịnh”.

Bài 1: Từ chương trình Việt Minh năm 1941 đến sắc lệnh số 14 tháng 1 năm 1946

 

 
Hình ảnh: Bác Hồ với sự nghiệp TDTT số 1

Bác Hồ tập võ cùng lực lượng cảnh vệ.

Chương trình Việt Minh và những nhiệm vụ đầu tiên về TDTT

Sau gần 30 năm tìm đường cứu nước, qua 28 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ…, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về nước vào dịp Tết năm 1941. Tại căn cứ địa Cao Bằng, Bác và tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) soạn thảo “Chương trình Việt Minh”. Tháng 10 cùng năm, Chương trình Việt Minh được công bố rộng rãi ra khắp toàn quốc.

Chương trình Việt Minh có 38 điểm, gồm: A - Chính trị (8 điểm); B-Kinh tế (7 điểm); C- Văn hóa Giáo dục (4 điểm); D- Đối với các tầng lớp nhân dân (10 điểm); E- Xã hội (5 điểm); G- Ngoại giao (4 điểm).

Ở mục C- điểm 4 ghi rõ (nguyên văn): “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”.

Ở mục D, điểm 9 (nguyên văn): “Nhi đồng được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục, trí dục và đức dục”.

Có thể thấy các định hướng, quan điểm, chính sách đầu tiên của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về TDTT trong đời sống xã hội có từ sớm, trước ngày cách mạng tháng Tám thành công tới… 4 năm. Đó là thời kỳ vận động cách mạng sôi sục, Đảng coi TDTT như một phương tiện tập hợp lực lượng, giác ngộ quần chúng, nhất là thanh niên sẵn sàng tham gia đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc.

Ngay sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa chủ động tích cực khắc phục nạn ốm yếu của người dân.

Dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bận rộn, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho công tác TDTT một sự quan tâm đặc biệt. Người đã lấy dẫn chứng những con số cụ thể của nhân dân lao động, thanh thiếu niên, học sinh nhiều nước trên thế giới về thể chất con người, trình độ văn hóa, việc luyện tập hàng ngày và hoạt động các môn thể thao để hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện, vừa có sức khỏe và học thức, tri thức.

Từ yêu cầu của thực tế và định hướng chính sách cụ thể thiết thực, Đảng, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ phải sớm xây dựng và phát triển nền TDTT nhằm bồi bổ sức khỏe toàn dân cải tạo nòi giống. Đó là nguyên do vì sao Chính phủ đã nhanh chóng thành lập cơ quan lãnh đạo, điều hành, tổ chức công tác TDTT quốc gia trong lúc chính quyền cách mạng còn vô cùng non trẻ với vô vàn khó khăn.

 Sắc lệnh số 14 thiết lập Nha Thể dục Trung ương

 Giữa tháng 12/1945, tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ giao cho ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng bộ Thanh niên trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, chuẩn bị thành lập cơ quan TDTT ở cấp Trung ương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ trưởng cùng với các cộng sự nhanh chóng hoàn tất về nhân sự cụ thể để Bộ Thanh niên báo cáo với Bác và trình Chính phủ phê duyệt thành lập tổ chức TDTT.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký Sắc lệnh 14. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Nhà nước thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT, khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Như vậy, 30/1/1946 cũng chính là Ngày thành lập Ngành TDTT của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thi hành Sắc lệnh số 14, cùng ngày 30/1/1946, Bộ trưởng Bộ Thanh niên ký ban hành Nghị định số 13/TN xác định nhiệm vụ, hoạt động, tổ chức của Nha Thể dục Trung ương, với những công việc cụ thể “Gây một phong trào ham thích thể dục, tăng bổ sức khỏe của đại chúng, cải tạo nòi giống thật mạnh bằng cách thực hành một chương trình thể dục riêng và một phương pháp thể dục Việt Nam, áp dụng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và xã hội.”.

Nghị định số 13 chỉ rõ hoạt động: “Tuyên truyền, cổ động để gây phong trào thể dục phổ thông sâu rộng khắp toàn dân; Nghiên cứu phương pháp thể dục thích hợp, thiết thực; Sửa chữa các sân vận động đã có, xây dựng sân vận động mới; Mở trường huấn luyện, đào tạo cán bộ chuyên trách, hướng dẫn viên thể dục…; Tổ chức các đại hội thể thao, thành lập các đội tuyển VĐV tham gia vận động hội quốc tế”.

Tuyên bố và Chương trình hoạt động của Nha Thể dục Trung ương có đề cập đến một nguy cơ: “Dân nước ta hiện nay đang mắc ba bệnh trầm trọng là nghèo, dốt và yếu. Nghèo và dốt là hai cơ nguy nên Chính phủ đã chú ý đặc biệt. Hiện thời, Chính phủ lại thiết lập một Nha Thể dục Trung ương để chữa bệnh yếu cho dân tộc Việt Nam, một bệnh rất nguy hiểm có thể làm cản trở công cuộc kiến quốc hiện thời…”.

   Lời Tuyên bố nhấn mạnh: “Chữa bệnh yếu, tăng sức khỏe, sức bền bỉ, dẻo dai, cải tạo nòi giống và làm cho dân tộc hùng cường bằng sự luyện tập than thể với một phương pháp mới thích hợp với hoàn cảnh con người thực tế của xã hội Việt Nam đó là nhiệm vụ mà Bộ Thanh niên đã trao cho Nha Thể dục Trung ương…”.

Trương Xuân Hùng