Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bài 4: Thành lập Ủy ban TDTT -Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước

(70 năm Thể thao CMVN) - Sau hơn 4 năm hoạt động, Ban Thể dục Thể thao Trung ương đã đạt được nhiều kết quả đáng kể với nhiều phong trào, ban hành một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng trong điều hành hoạt động TDTT, hoàn thiện bộ máy chỉ đạo công tác TDTT từ trung ương đến các bộ, ban, ngành, các khu, thành phố, tỉnh, huyện, xã; thành lập các trường đào tạo cán bộ chuyên ngành từ sơ cấp đến trung cấp TDTT, trường tập trung huấn luyện các đội tuyển quốc gia sẵn sàng làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế… Một dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Ủy ban TDTT vào năm 1960.
Hình ảnh: Bài 4: Thành lập Ủy ban TDTT -Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước số 1

 Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các VĐV, HLV tham dự Đại hội GANEFO - Đại  hội Thể thao châu Á (1966).

Ủy ban TDTT ra đời

Ngày 6/1/1960, tại Hà Nội, Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định “Chuyển Ban TDTT Trung ương thành Ủy ban TDTT quốc gia, trực thuộc Hội đồng Chính phủ”.

Trung tướng Hoàng Văn Thái- Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Từ tháng 1/1960, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban TDTT cho đến trước ngày vào Nam chỉ đạo công cuộc chống Mỹ cứu nước tại chiến trường năm 1968.

Cùng biệt phái từ Bộ Quốc phòng sang ngành TDTT còn có có Đại tá Nguyễn Văn Quạn và hơn 100 sĩ quan khác từ Trung tá đến Thiếu úy. Các sĩ quan, hạ sĩ quan khác đảm đương các vị trí từ: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Phó vụ trưởng các vụ chức năng, Trưởng phòng, Trưởng các bộ môn, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường sơ cấp, trung cấp TDTT, Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT ở Nhổn (Hà Nội), Xuân Mai (Hà Đông cũ), Từ Sơn (Bắc Ninh) đến Chủ nhiệm các Câu lạc bộ phục vụ quốc phòng: Hàng không, Tàu lượn, Nhảy dù, Vô tuyến điện, Mô hình máy bay, Hàng hải, bơi lặn, Tuyên huấn, báo Thể dục Thể thao…

Cũng theo nội dung trong Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức cơ bản của Ngành TDTT Nhà nước theo 4 cấp: Trung ương - thành phố, tỉnh - huyện - xã. Cơ quan điều hành, chỉ đạo TDTT các cấp (phải) đủ gồm đại diện các ngành: Quốc phòng, Giáo dục, Thanh niên, Phụ nữ, Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Những nhiệm vụ then chốt

Từ năm 1960, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác TDTT: Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về TDTT (ngày 6/1); Chỉ thị 181/CT-TW (ngày 31/1) của Ban Bí thư TW Đảng về công tác TDTT; Nghị quyết về cuộc vận động Phong trào Thể dục và Vệ sinh phòng bệnh (ngày 6/4); Chỉ thị 336/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác thể dục; Chỉ thị số 38/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng (ngày 28/2/1962) về tăng cường công tác thể thao quốc phòng; Nghị định 109/CP ban hành Điều lệ “Chế độ phân cấp VĐV”, “Điều lệ phân cấp trọng tài” (9/1962)…

Tháng 4/1963 Nghị quyết Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ ngành TDTT: “Tiếp tục củng cố và mở rộng phong trào, đồng thời nâng cao từng bước có trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động thể thao quốc phòng và thể thao hiện đại (nay là thể thao thành tích cao). Đồng thời phát triển có chọn lọc nâng cao các môn thể thao dân tộc. Bắt đầu đưa việc dạy thể dục và một số môn thể thao vào chương trình học tập của các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và đại học. Phát triển mạnh mẽ thể dục trong các ngành sản xuất thích hợp với nghề nghiệp…”

Nhiều văn kiện quan trọng của Đảng làm cơ sở để định hướng cho toàn bộ công tác TDTT ở nước ta cho đến nay là báo cáo Chính trị  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (họp tại Hà Nội tháng 9/1960) do đồng chí Lê Duẩn trình bày ngày 5/9/1960. Trong văn kiện này, Đảng ta đã xác định “Con người là vốn quý nhất. Bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là nghĩa vụ và mục tiêu cao quý của các ngành TDTT, Y tế. Chính vì thế mà Đảng, Chính phủ ta rất coi trọng công tác TDTT và Y tế…”.

Cần phải phát động một phong trào vệ sinh phòng bệnh và TDTT của quần chúng, tạo thành một cuộc vận động cách mạng thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đó không phải chỉ là nhiệm vụ của các ngành TDTT, Y tế mà còn là một nhiệm vụ của các đoàn thể quần chúng, của các cơ quan chính quyền, của các tổ chức cấp ủy Đảng”… “Ra sức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Y tế và cán bộ TDTT”.

 Học tập và làm theo tấm gương sáng Hồ Chí Minh

Trên diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ III, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Trung tướng Hoàng Văn Thái đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân noi theo tấm gương sáng của Bác Hồ về tập luyện thể dục hàng ngày. Trung tướng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính mến của Đảng ta, là người thường xuyên chăm lo đến sức khỏe của nhân dân, khuyến khích, chỉ dẫn phong trào thể dục và là một trong những người tập thể dục đều đặn nhất. Việc tập thể dục buổi sáng trở thành một thói quen không thể thiếu của Người. Do đó, tuy Bác đã có tuổi, nhưng da dẻ lúc nào cũng hồng hào, tinh thần sáng suốt. Đây là một sự cổ vũ rất lớn đối với phong trào TDTT và là tấm gương sáng cho cán bộ chúng ta noi theo học tập”.

Từ năm 1954 đến đầu tháng 9/1969, trước khi đi xa, Bác Hồ đã dành nhiều quan tâm cho TDTT. Bác căn dặn thanh niên: “Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức khỏe để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Đến thăm Trường Trung cấp TDTT TW (ngày 14/12/1961), Bác ân cần dặn dò: “Học TDTT để trở thành người cán bộ cần mẫn, hăng hái đi vận động xây dựng phong trào thể dục, động viên mọi người cùng tự giác tập luyện thường xuyên. Người dân ai cũng khỏe thì công cuộc kiến thiết đất nước mới chóng thành công!”. Đặc biệt, ngày 31/3/1960, Bác gửi thư cho Hội nghị TDTT toàn quốc (miền Bắc) tại Hà Nội: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập TDTT. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào TDTT cho rộng khắp. Cán bộ TDTT phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác. Thân ái chúc Hội nghị thành công tốt đẹp”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, TDTT phải vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng con người mới và đời sống văn hóa mới, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì danh dự Tổ quốc, vì đại sự “Dân cường thì quốc thịnh”. Đây là một tài sản vô giá của nền TDTT cách mạng Việt Nam.

Trương Xuân Hùng

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :