Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bài2: HOÀN CẢNH RA ĐỜI SẮC LỆNH SỐ 38 VÀ LỜI HÔ HÀO TOÀN DÂN TẬP THỂ DỤC

(70 nam TDTT) - Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên-Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng ngày, Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh đăng bài “Sức khỏe và thể dục” của Người. Thực chất đây là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ. Như vậy, chỉ có Ngành TDTT được “ưu tiên” đến thế khi, Chủ tịch nước ban hành 2 sắc lệnh thành lập trong vòng 2 tháng. Từ năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam. Bước sang năm 2016, kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành TDTT cách mạng và 25 năm Ngày Thể thao Việt Nam.
Hình ảnh: Bài2: HOÀN CẢNH RA ĐỜI SẮC LỆNH SỐ 38 VÀ LỜI HÔ HÀO TOÀN DÂN TẬP THỂ DỤC số 1

Hoàn cảnh ra đời Sắc lệnh số 38

Bốn tháng cuối năm 1945 và 3 tháng đầu năm 1946, nhân dân cả nước tuy mới được sống trong không khí độc lập dân tộc, song gặp muôn vàn khó khăn bởi nạn đói hoành hành. Trong khi đó phát xít Nhật, thực dân Pháp, quân Tưởng Giới Thạch (Tàu) cùng lăm le ra sức tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chính phủ dân chủ cộng hòa do Bác lãnh đạo trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là chưa kể nạn đói, nạn mù chữ, thù trong giặc ngoài điên cuồng chống phá cách mạng.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời ký Sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên. Đây chính là ngày thành lập Ngành TDTT cách mạng. Tuy nhiên, sau ngày Tổng tuyển cử 6/1 thắng lợi, ngày 2/3/1946, tại Hà Nội, Quốc hội họp phiên toàn thể đầu tiên và thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, cử Hồ Chí Minh tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước. Nội các Chính phủ mới chỉ còn 10 bộ thay vì 14 bộ của chính phủ trước đó. Bốn bộ giải thể, trong đó có Bộ Thanh niên phụ trách Nha Thể dục Trung ương (*).

Chính phủ mới bước vào hoạt động mới được 24 ngày với vô vàn khó khăn, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian xem xét ban bố Sắc lệnh công tác TDTT, tái thành lập cơ quan đầu não chỉ đạo mọi hoạt động TDTT của đất nước được đặt ở “Bộ Quốc gia Giáo dục”. Vì thế nội dung Sắc lệnh số 38 rất mới với nhiệm vụ không hề nhẹ đối với ngành giáo dục lúc bấy giờ: (nguyên văn).

Nhằm nhanh chóng triển khai công tác TDTT đến với toàn dân giữa lúc đồng bào hầu hết còn đang bị nạn đói, nạn mù chữ, nạn ốm yếu gày còm đe dọa. Bác viết bài báo “Sức khỏe và Thể dục” hô hào đồng bào hãy hăng hái tự giác tập thể dục (nguyên văn):

Trong bài  hùng văn này, Bác giao trách nhiệm rõ ràng cho ngành Giáo dục quốc gia: “Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe”.

Rất tiếc, từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ai đó ở Ủy ban TDTT đã cắt bỏ đoạn văn quan trọng gồm 28 từ này. Vì thế, cho đến nay, bài viết của Bác Hồ vẫn đang tồn tại ở hai dạng”

a) - Ở tất cả tài liệu, văn kiện, sách xuất bản của Ngành TDTT vẫn dùng cụm từ “Lời kêu gọi tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng so với văn bản gốc: Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch/ Nxb Sự thật, Hà Nội 1958; Tuyển tập Hồ Chí Minh, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006; Hồ Chí Minh biên niên sử… v.v… thì đều thiếu đoạn văn trên.

b)- Ngoài nội dung nêu trên, thì ở các văn bản của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (những năm từ 60-80 của thế kỷ 20), nay là Bộ Giáo dục Đào tạo, trong các văn bản chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, tài liệu về “Giáo dục thể chất” đều đăng nguyên văn Lời hô hào tập thể dục ngày 27/3/1946 của Bác Hồ.

Đây là một sự kiện của lịch sử, Ngành TDTT nói riêng và các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các Nhà sử học, Hội Khoa học Lịch sử TDTT cần sớm khắc phục thiếu sót nghiêm trọng này.

 Các Nghị định xây dựng nền móng TDTT năm 1946

Việc đầu tiên trong chương trình hành động triển khai xây dựng tổ chức quản lý nhà nước và điều hành TDTT là xây dựng hệ thống tổ chức quản lý TDTT. Thi hành Sắc lệnh số 14, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền ban hành Nghị định số 13/TN xác định nhiệm vụ, hoạt động, tổ chức của Nha Thể dục Trung ương: Gây trong nước một phong trào ham thích thể dục, tăng bổ sức khỏe của đại chúng, cải tạo nòi giống thật mạnh bằng cách thực hành một chương trình thể dục riêng và một phương pháp thể dục Việt Nam. Biện pháp đi kèm là: Tuyên truyền, cổ động, nghiên cứu một phương pháp thể dục thích nghi  giản dị và thiết thực; sửa chữa các sân vận động cũ, xây dựng sân vận động mới; mở trường huấn luyện để đào tạo các Ủy viên thể dục cấp tỉnh, thành phố, bộ, các chỉ đạo viên, hướng dẫn viên thể dục và thể thao.

Tổ chức Nha Thể dục Trung ương có: Ban Thường vụ gồm giám đốc, phó giám đốc, Chủ sự Văn phòng và các ban chuyên môn như: Ban Nghiên cứu, Ban Huấn luyện, Ban cổ động, Ban Kiểm soát…

Bộ trưởng Bộ Thanh niên đã ký ban hành các Nghị định: Thành lập Ban cố vấn chuyên môn, Ban Bảo trợ, Ủy ban Thể thao Bắc Kỳ và Phòng Thể dục Thể thao Hà Nội.

Thi hành Sắc lệnh số 38, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Đặng Thai Mai ký ban hành Nghị định số 167/NĐ về việc ủy nhiệm một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách Nha Thanh niên và Thể dục, đổi Nha Thể dục Trung ương thành Phòng Thể dục Trung ương. Bộ máy điều hành công tác TDTT từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố được nhanh chóng hoàn thiện và bắt tay ngay vào triển khai các công việc cụ thể.

Ngày 2/4/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ra Thông tư số 10/NV/CC về việc đặt Ủy viên Thể dục ở các cơ quan cấp Bộ, và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố.

Ngày 22/7/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định số 330/NĐ quy định: ở mỗi kỳ, bộ thành lập một Sở Thanh niên - Thể dục; ở cấp tỉnh, thành phố lập một Ty Thanh niên - Thể dục; ở phủ, huyện có Ban Thanh niên - Thể dục và cấp xã lập Tiểu ban Thanh niên - Thể dục.

Sắc lệnh số 38

                                                            Ngày 27 tháng 3 năm 1946

     Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục

     Một Nha Thanh niên và Thể dục

                                  CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

                          VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

     Chiểu theo Quyết nghị của Quốc dân Đại hội Việt Nam họp ngày 2 tháng 3 năm 1946 định sự tổ chức Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến:

                                            RA SẮC LỆNH

     Điều thứ nhất:

    Thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm có một Phòng Thanh niên Trung ương và một Phòng Thể dục Trung ương.

    Điều thứ hai:

   Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục chịu ủy nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

                                                                Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1946

                                                                                 Hồ Chí Minh.

Trương Xuân Hùng

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :