Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bác Hồ với sự nghiệp TDTT

(70 nam TDTT) - Tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Thể dục Thể thao cách mạng (1946-2016), 25 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1991-27/3/2016), Tạp chí Thể thao trân trọng giới thiệu loạt bài về các dấu mốc hình thành và phát triển sự nghiệp TDTT cách mạng nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, chỉ dẫn và chăm lo gây dựng với mong muốn cao cả “Dân cường thì quốc thịnh”.

Bài 1: Từ chương trình Việt Minh năm 1941 đến sắc lệnh số 14 tháng 1 năm 1946

 

 
Hình ảnh: Bác Hồ với sự nghiệp TDTT số 1

Bác Hồ tập võ cùng lực lượng cảnh vệ.

Chương trình Việt Minh và những nhiệm vụ đầu tiên về TDTT

Sau gần 30 năm tìm đường cứu nước, qua 28 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ…, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về nước vào dịp Tết năm 1941. Tại căn cứ địa Cao Bằng, Bác và tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) soạn thảo “Chương trình Việt Minh”. Tháng 10 cùng năm, Chương trình Việt Minh được công bố rộng rãi ra khắp toàn quốc.

Chương trình Việt Minh có 38 điểm, gồm: A - Chính trị (8 điểm); B-Kinh tế (7 điểm); C- Văn hóa Giáo dục (4 điểm); D- Đối với các tầng lớp nhân dân (10 điểm); E- Xã hội (5 điểm); G- Ngoại giao (4 điểm).

Ở mục C- điểm 4 ghi rõ (nguyên văn): “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”.

Ở mục D, điểm 9 (nguyên văn): “Nhi đồng được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục, trí dục và đức dục”.

Có thể thấy các định hướng, quan điểm, chính sách đầu tiên của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về TDTT trong đời sống xã hội có từ sớm, trước ngày cách mạng tháng Tám thành công tới… 4 năm. Đó là thời kỳ vận động cách mạng sôi sục, Đảng coi TDTT như một phương tiện tập hợp lực lượng, giác ngộ quần chúng, nhất là thanh niên sẵn sàng tham gia đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc.

Ngay sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa chủ động tích cực khắc phục nạn ốm yếu của người dân.

Dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bận rộn, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho công tác TDTT một sự quan tâm đặc biệt. Người đã lấy dẫn chứng những con số cụ thể của nhân dân lao động, thanh thiếu niên, học sinh nhiều nước trên thế giới về thể chất con người, trình độ văn hóa, việc luyện tập hàng ngày và hoạt động các môn thể thao để hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện, vừa có sức khỏe và học thức, tri thức.

Từ yêu cầu của thực tế và định hướng chính sách cụ thể thiết thực, Đảng, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ phải sớm xây dựng và phát triển nền TDTT nhằm bồi bổ sức khỏe toàn dân cải tạo nòi giống. Đó là nguyên do vì sao Chính phủ đã nhanh chóng thành lập cơ quan lãnh đạo, điều hành, tổ chức công tác TDTT quốc gia trong lúc chính quyền cách mạng còn vô cùng non trẻ với vô vàn khó khăn.

 Sắc lệnh số 14 thiết lập Nha Thể dục Trung ương

 Giữa tháng 12/1945, tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ giao cho ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng bộ Thanh niên trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, chuẩn bị thành lập cơ quan TDTT ở cấp Trung ương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ trưởng cùng với các cộng sự nhanh chóng hoàn tất về nhân sự cụ thể để Bộ Thanh niên báo cáo với Bác và trình Chính phủ phê duyệt thành lập tổ chức TDTT.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký Sắc lệnh 14. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Nhà nước thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT, khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Như vậy, 30/1/1946 cũng chính là Ngày thành lập Ngành TDTT của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thi hành Sắc lệnh số 14, cùng ngày 30/1/1946, Bộ trưởng Bộ Thanh niên ký ban hành Nghị định số 13/TN xác định nhiệm vụ, hoạt động, tổ chức của Nha Thể dục Trung ương, với những công việc cụ thể “Gây một phong trào ham thích thể dục, tăng bổ sức khỏe của đại chúng, cải tạo nòi giống thật mạnh bằng cách thực hành một chương trình thể dục riêng và một phương pháp thể dục Việt Nam, áp dụng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và xã hội.”.

Nghị định số 13 chỉ rõ hoạt động: “Tuyên truyền, cổ động để gây phong trào thể dục phổ thông sâu rộng khắp toàn dân; Nghiên cứu phương pháp thể dục thích hợp, thiết thực; Sửa chữa các sân vận động đã có, xây dựng sân vận động mới; Mở trường huấn luyện, đào tạo cán bộ chuyên trách, hướng dẫn viên thể dục…; Tổ chức các đại hội thể thao, thành lập các đội tuyển VĐV tham gia vận động hội quốc tế”.

Tuyên bố và Chương trình hoạt động của Nha Thể dục Trung ương có đề cập đến một nguy cơ: “Dân nước ta hiện nay đang mắc ba bệnh trầm trọng là nghèo, dốt và yếu. Nghèo và dốt là hai cơ nguy nên Chính phủ đã chú ý đặc biệt. Hiện thời, Chính phủ lại thiết lập một Nha Thể dục Trung ương để chữa bệnh yếu cho dân tộc Việt Nam, một bệnh rất nguy hiểm có thể làm cản trở công cuộc kiến quốc hiện thời…”.

   Lời Tuyên bố nhấn mạnh: “Chữa bệnh yếu, tăng sức khỏe, sức bền bỉ, dẻo dai, cải tạo nòi giống và làm cho dân tộc hùng cường bằng sự luyện tập than thể với một phương pháp mới thích hợp với hoàn cảnh con người thực tế của xã hội Việt Nam đó là nhiệm vụ mà Bộ Thanh niên đã trao cho Nha Thể dục Trung ương…”.

Trương Xuân Hùng

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :