Trong khoảng nửa năm trở lại đây, bóng đá thế giới đã nhiều lần rúng động trước những thông tin được dán mác “tuyệt mật” liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng của các ngôi sao bóng đá. Football Leaks chính là nguồn gốc của những thông tin này. Vậy nhân vật nào đứng sau Football Leaks?
BỊ XEM LÀ… TỘI PHẠM Ở QUÊ NHÀ
Đó là Rui Pinto, một hacker (tin tặc) mới 27 tuổi. Pinto sinh sống tại Budapest (Hungary) nhưng gốc Bồ Đào Nha, từng bị bắt vì hack cả ngân hàng. Thời đại công nghệ số cho phép những hacker có “thành tích” như Pinto trở thành ngôi sao nổi tiếng toàn cầu.
Có một điều thú vị: ngay tại quê hương, Pinto bị xem là tội phạm. Cảnh sát Bồ Đào Nha gọi Football Leaks là “tội phạm quốc tế có tổ chức”. Trang web này mới được thành lập từ tháng 9 năm ngoái, nhưng đã nổi như cồn bởi phanh phui không ít bí mật các vụ chuyển nhượng đình đám và những bí mật thú vị ở nhiều vụ chuyển nhượng khác.
Mục tiêu ban đầu của Football Leaks là “huýt còi” những vụ chuyển nhượng ở Bồ Đào Nha có sự can thiệp của đồng sở hữu thứ ba, tức là ngoài 2 CLB giao dịch mua bán một cầu thủ còn có một công ty khác sở hữu cầu thủ ấy, để ăn chia phần trăm. Sở hữu thứ ba đã gây ra nhiều rắc rối phiền toái (ví dụ vụ Carlos Tevez từ West Ham chuyển sang M.U) nhưng vẫn tồn tại vừa bí mật vừa công khai nhan nhản khắp thế giới.Football Leaks quyết phanh phui những bí mật ấy.
Football Leaks lấy ý tưởng từ WikiLeaks, trang web của Julian Assange chuyên phanh phui những bí mật động trời của các chính phủ trên toàn thế giới. Trong bóng đá, Football Leaks muốn “đưa ra ánh sáng những sự thật bị chối bỏ”. Trang web này có trụ sở ở Bồ Đào Nha song lại đặt máy chủ ở Nga, đây là nơi nhà chức trách có nhiều lý do để bất hợp tác với các quốc gia phương Tây nên Football Leaks càng khó bị sờ gáy.
SỢ FOOTBALL LEAKS NHƯ SỢ CỌP
Các đội bóng lớn sợ Football Leaks bởi trang web này có thể tiết lộ những sự thật nhạy cảm muốn che giấu trong các vụ chuyển nhượng. Thông thường giá trị hợp đồng và các điều khoản cụ thể là bí mật riêng giữa các bên mua bán và cầu thủ được chuyển nhượng, còn những gì chúng ta biết qua báo chí đa phần chỉ là từ nguồn tin không chính thức, hoặc có thể chỉ là phỏng đoán nên mức độ đáng tin cậy cần xét lại.
Với Football Leaks, nói có sách mách có chứng, có giấy tờ chữ ký hẳn hoi nên mức độ tin cậy cao. Football Leaks đã khiến CLB nổi tiếng của Hà Lan là Twente (bất ngờ vô địch Hà Lan năm 2010 dưới sự dẫn dắt của HLV Anh Steve McClaren) bị mang vạ. Đội này bị LĐBĐ Hà Lan cấm thi đấu 3 năm ở đấu trường châu Âu vì vi phạm luật chuyển nhượng ngôi sao Dusan Tadic sang Southampton với giá 11,5 triệu bảng. Vụ chuyển nhượng này có phần tham gia của đồng sở hữu thứ ba như đã nêu trên, tương tự vụ Carlos Tevez.
Vụ việc đình đám nhất mà Football Leaks mới đưa ra ánh sáng chính là thông tin về bản hợp đồng có thể phụ trội lên tới 60 triệu bảng của Anthony Martial. Cũng chính vì thông tin đi quá sâu vào những chi tiết mà các đội bóng lớn muốn che giấu, nên rất nhiều tay cò nổi tiếng mới đây đã lên tiếng kêu gọi phải xóa sổ trang web này. Đại diện của tiền đạo Gareth Bale là Jonathan Barnett mới đây còn đâm đơn lên cơ quan chức năng kết tội Football Leaks vi phạm quyền riêng tư của các cầu thủ và yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp đóng cửa công cụ “kiếm cơm” của siêu hacker Rui Pinto.
Theo Bongdaplus.vn