Hôm nay, Diego Simeone tròn 46 tuổi (ông sinh ngày 28/4/1970). Vị HLV trẻ người Argentina đang viết nên con đường huyền thoại của riêng mình, với những ngã rẽ đáng nhớ, đủ cả vinh quang lẫn cay đắng.
NGUYÊN TẮC “BA KHÔNG”
Khi Luciano Vietto ký hợp đồng với Atletico Madrid, cầu thủ này nhớ mãi lời của Diego Simeone: “Ở Atletico có nguyên tắc ba ‘không’, là không sợ hãi, không lo âu, không có gì là không chắc chắn”. Simeone nói với mọi học trò như thế, vì chính bản thân ông cũng như thế.
Hành trình khởi nghiệp cầm quân trước khi về Atletico của Simeone đầy vất vả chứ không trải qua quá nhiều vinh quang và hạnh phúc. Ông phải mất 7 trận mới có chiến thắng đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân. Ngay trận đầu tiên cầm quân, Simeone đã đón nhận thất bại, khi Racing Club thua Independiente trong trận derby Avellaneda, với ngôi sao trẻ Sergio Aguero ghi 2 bàn.
Simeone nói rằng ngay sau trận đầu tiên nắm Racing Club, đã có làn sóng phản đối yêu cầu ban lãnh đạo đội sa thải ông. “Tôi luôn bị ghét bỏ, như cách người Anh ghét tôi vì tấm thẻ đỏ dành cho David Beckham, dù chính Beckham không hề ghét tôi vì điều đó. Trong bóng đá, bạn phải làm tất cả để sinh tồn, như trong cuộc sống vậy”, Simeone thổ lộ trong lần trả lời phỏng vấn tờ Marca 10 năm về trước.
Simeone treo giày tại Racing Club, đội bóng ông ủng hộ khi còn là một cậu nhóc. El Cholo giải nghệ tại đây năm 2006 rồi lập tức trở thành HLV trưởng đội bóng này. Sau Racing Club, Simeone trải qua 5 CLB chỉ trong 5 năm, các đội bóng đó lớn có nhỏ có, nhưng mẫu số chung là Simeone thật sự là kẻ rắn mặt, không thỏa hiệp, không sợ hãi, không bao giờ nghi ngờ chính mình. Đó là nhận xét của Marcelo Bielsa, một trong những HLV có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp cầm quân của Simeone.
AI CŨNG LÀ THẦY TA
Trong quyển tự truyện mang tên “Simeone Effect”, HLV hiện nay của Atletico tiết lộ ông có rất nhiều người thầy lớn. Simeone học hỏi ở Daniel Passarella tư chất lãnh đạo, của Alfio Basile khả năng truyền động lực cho học trò. Với Carlos Bilardo, Simeone học được khả năng đọc trận đấu. Còn với Bielsa, là phương pháp huấn luyện chú trọng đến từng chi tiết nhỏ và lối chơi gây sức ép lên đối thủ suốt 90 phút.
Mỗi người một chút rồi tự tổng hợp thành phương pháp riêng, là “thắng lợi quyết định tất cả, hãy quên đi những triết lý xưa cũ của bóng đá Argentina là đá đẹp. Giới hâm mộ ngày nay sẵn sàng bất chấp đội bóng của họ chơi như thế nào, miễn chỉ cần thắng lợi là đủ”. Simeone nói vậy trong một lần là nhân vật chính cho bài viết chủ đề của tạp chí uy tín World Soccer (Anh).
Simeone bề ngoài nóng tính, lúc nào cũng hừng hực nhưng thực chất lại là người kiên nhẫn hiếm thấy. Khi dẫn dắt Estudiantes, ông từng làm… thủ môn cho danh thủ Juan Veron tập đá phạt đến tận 01h30 sáng, chỉ vì tiền vệ này có 7 lần sút phạt liên tiếp đều không thành bàn. Khi làm HLV, Simeone hiểu ông cần thời gian để thành công, nhất là giai đoạn khởi nghiệp.
Đó là giai đoạn không quá nổi bật nhưng lại định hình phương pháp huấn luyện cũng như triết lý bóng đá mà sau này Simeone áp dụng ở Atletico. Simeone cũng gặt hái một vài thành công ở Estudiantes (giúp CLB đoạt chức vô địch sau 23 năm), River Plate (vô địch giải Clausura 2008) hay Catania (trụ hạng ngoạn mục).
Trước khi về Atletico, Simeone đã hình thành xong “ngôn ngữ” bóng đá của mình, với ảnh hưởng từ rất nhiều HLV tài danh. Sẽ không có thành công tại Atletico nếu Simeone không chịu khó học hỏi và rèn luyện trong giai đoạn khởi nghiệp.
TÀI NĂNG VÀ BÓNG ĐÁ TẤN CÔNG
Nhìn từ góc độ người xem, triết lý của Simeone có vẻ phản bóng đá, chỉ chờ đối thủ sơ hở để phản công và ghi bàn, còn nếu không được thì sẵn sàng chơi cù nhầy. Nhưng thực tế, El Cholo đã nâng tầm phòng ngự lên thành một thứ nghệ thuật. Sau Chelsea và Inter, cũng không đội bóng nào có thể chặn đứng Barca tốt như Atletico vừa làm tại tứ kết Champions League.
Cũng ít ai biết một sự thật là Simeone lúc khởi đầu không hề muốn tôn sùng phòng ngự. Ông cũng yêu thích, thậm chí ám ảnh với bóng đá tấn công. Simeone cũng muốn có nhiều tài năng trong tay, nhưng chính ông đã hiểu ra rằng phẩm chất cá nhân không bằng sức mạnh của tập thể.
Tại River Plate, Simeone có trong tay Ariel Ortega, Alexis Sanchez, Radamel Falcao. Ông chọn sơ đồ 3-3-3-1 nặng về tấn công gây sức ép. Thế rồi River Plate thất bại ở tứ kết Copa Libertadores trước San Lorenzo dù hơn đối thủ 2 người, trong thế gần như cầm chắc thắng lợi trong tay.
Chưa hết, chỉ vài tháng sau khi vô địch giải Clausura, River Plate sa sút không ngờ, lọt xuống vị trí chót bảng xếp hạng giải VĐQG Argentina. Simeone ra đi trước khi mùa giải kết thúc, ông nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, dù tất cả đều biết như thế là không công bằng với El Cholo.
Mặc kệ, Simeone nói: “Tôi là HLV, là thủ lĩnh. Tôi không biện minh cho thất bại, và cũng không đổ lỗi cho cầu thủ”. Simeone được lòng học trò, họ nể phục và luôn sẵn sàng bước vào mọi cuộc chiến với ông và vì ông. Đó cũng là bí quyết thành công của Simeone và Atletico.
Theo bongdaplus