Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

GÓC NHÌN: Học cách yêu “Gã côn đồ”

Hãy thừa nhận đi. Bạn muốn xem một trận bóng đá mà 2 HLV ngồi trên ghế chỉ đạo, ghi chép và chẳng buồn đứng dậy vươn vai lấy một lần hay những xúc cảm từ một chiến lược gia thích hò hét, sẵn sàng chạy khỏi khu kỹ thuật để chỉ đạo và cũng sẵn sàng gây gổ với bất kỳ ai?

Nếu chọn vế thứ hai và thích bầu không khí nóng bỏng, rực lửa, luôn có khả năng thiêu đốt những cái đầu điềm đạm nhất, hãy tìm tới Diego Simeone – Gã côn đồ.

Biệt danh của ông – El Cholo, là cách nói của dân đường phố được hiểu là có tính chất côn đồ, xã hội. Hoặc cũng có thể hiểu là một “gangster” – dân anh chị. Nhưng Simeone chẳng phiền lòng vì điều đó. Simeone đón nhận nó từ năm 14 tuổi, bởi chính người thầy đầu tiên, Victorino Spinetto, bởi cậu bé khiến ông liên tưởng tới một Simeone khác là Carmelo – cựu cầu thủ của Boca Juniors và đội tuyển Argentina, cũng có biệt danh đó. Thực tế, đó là một phần trong tính cách của HLV người Argentina, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu cho đến tận bây giờ, với vai trò của HLV ở tuổi 46.

Simeone không hề ngồi trong cả trận đấu với Bayern Munich tại Allianz-Arena. Đã có lúc người ta thấy sự bồn chồn, lo lắng của ông khi sức ép mà đội chủ nhà tạo ra quá mạnh, quá khủng khiếp. Simeone chỉ có thể vẫy tay yêu cầu các học trò rút về thật nhanh, với một cảm giác bất lực xuất hiện ở thời điểm Bayern được hưởng một quả 11m.

Rất nhiều người chê bai, chỉ trích Simeone và Atletico về một lối chơi xù xì, xấu xí, gai góc, nhưng El Cholo không có cách nào khác. Atletico không phải là đội bóng có nhiều tiền. Atletico không sở hữu những cơ sở vật chất bề thế, không có những ngôi sao hàng đầu thế giới. Simeone đến Vicente Calderon – thi đấu và làm HLV, khi biết rằng, Atletico vẫn chỉ luôn bị bao trùm bởi cái bóng của Real Madrid ở Madrid. Họ, là một sự phân biệt giai cấp rõ rệt giữa những kẻ thượng lưu và giới lao động.

Chẳng còn cách nào khác, họ phải chiến đấu bằng tất cả những sức mạnh mình có, bằng sự gân guốc của đôi chân, bằng cơ bắp của đôi tay và bắng lý trí thép của những người vốn quá quen với sự đè nén.

Ở họ, ở người như Simeone, dù thoáng có lúc lo sợ thì vẫn biết cách tìm ra một thời điểm nào đó để tìm lại cho mình một niềm tin sắt đá về chiến thắng cuối cùng.

Với Simeone, khoảnh khắc Jan Oblak cản được cú đá 11m của Thomas Muller chính là lúc ông cảm thấy sống dậy…

Không còn sự bồn chồn khi các cầu thủ trở lại sau giờ nghỉ. Rất đáng chú ý, ngay trước tình huống dẫn đến bàn thắng của Antoine Griezmann, ống kính truyền hình bắt được hình ảnh Fernando Torres hướng về phía Simeone và ra dấu hiệu “hiểu ý”, thậm chí còn báo trọng tài việc Manuel Neuer chậm phát bóng. Dường như, thời điểm đó Simeone nhận thấy Hùm xám chuẩn bị sập bẫy. Thực tế đúng vậy.

Và phần còn lại của trận đấu mới thực sự là những gì thuộc về Simeone được phát tiết. Trận đấu trở nên nóng bỏng hơn nhờ Simeone. CĐV thấy căng thẳng hơn cũng nhờ ông. Tất cả cùng thấy bị kích thích hơn trong mỗi phản ứng của El Cholo.

La hét, gào thét, sửng cồ với bất kỳ điều gì không vừa ý. Điên loạn cứ như xung quanh chẳng có ai…

Đâu đó ở châu Âu mùa giải này là HLV và lối chơi như một thứ thuốc ngủ hạng nặng, nhưng với Simeone thì khó có thể chợp mắt được một giây. Người ta cứ nói về một lối chơi phản bóng đá nhưng rõ ràng, nếu chỉ có bóng đá đẹp thì bóng đá đã là môn thể thao mang tính trình diễn. Sự cạnh tranh xuất hiện cùng những cá tính sẵn sàng đi ngược với tất cả, sống sót, tồn tại bằng những gì mình có.

Vì thế, những trận đấu nảy lửa, kịch tính, đầy cảm xúc mới đến cùng họ. Vậy thì hãy học cách để “yêu” Gã côn đồ và triết lý bóng đá của ông. Simeone mang đến cho bạn những nhịp thở gấp gáp. Simeone cho bạn dũng khí khi đứng trước những thử thách khó khăn bậc nhất. Simeone cũng cho bạn thấy, hãy hành động thay vì chỉ nói bằng lời.

Và cuối cùng, từ phong cách Simeone cũng đặt ra một vấn đề, một bài toán cần tìm lời giải – như cách mà tất cả đã nỗ lực cùng nhau tìm đáp án cho việc ngăn chặn lối đá tiqui-taca của Barca trước đây.

Theo Bongdaso.com

 

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :