Ngày cuối tháng 10, chị Hồ Thị Hiếu (28 tuổi) tất bật khám bệnh cho trẻ em ở trạm y tế xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam), thi thoảng lại ân cần quay ra hướng dẫn cho những người mẹ Xê Đăng cách chăm sóc con. Bốn năm trước đối với dân làng, Hiếu là “tội đồ” khi dám vượt qua lệ làng, cướp bé trai sơ sinh trước khi bị chôn sống theo mẹ.
“Giờ đây dân làng đã hiểu, họ không còn gét bỏ mình nữa. Hủ tục trẻ sơ sinh phải chôn sống theo mẹ cũng đã được loại bỏ”, Hiếu vui vẻ nói.
Có thời gian Hiếu phải đối mặt với những lời buộc tội, xỉ vả của dân làng vì dám vượt qua lệ làng. Ảnh: Tiến Hùng. |
Giống như những bản làng Xê Đăng khác ở huyện Nam Trà My, làng Tắc Giang (xã Trà Cang) nằm chênh vênh trên dãy núi Ngọc Linh, quanh năm sương bao phủ. Ở đây chỉ có đường mòn lên núi mất khoảng 2 tiếng đi bộ. Do sự cách trở cộng với đói nghèo, nhiều hủ tục dai dẳng vẫn ám ảnh từ đời này qua đời khác, rùng rợn nhất là tục trẻ sơ sinh phải chôn sống nếu người mẹ không may qua đời.
Trưa 2/9/2011, cả làng Tắc Giang chìm trong tang tóc khi sản phụ Hồ Thị Yên (32 tuổi) qua đời sau nửa ngày hạ sinh bé trai khỏe mạnh. “Đó là lần sinh thứ 6, chị Yên bị mất máu quá nhiều. Không được đưa tới trạm y tế, dân làng chẳng ai biết cách cầm máu, lại phải nằm giữa sàn nhà bằng đất trong nhiều giờ liền nên chị ấy đuối sức mà mất”, ông Hồ Văn Tình (60 tuổi, làng Tắc Giang), nhớ lại.
Cái chết của sản phụ Yên nhanh chóng lan ra khắp làng, già làng, những người có uy tín lập tức có mặt ở nhà anh Hồ Văn Xếp (chồng chị Yên). Cuộc họp giữa người nhà sản phụ và đại diện dân làng diễn ra, theo tục lệ đám tang phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ vừa mới ra đời phải chôn sống cùng mẹ.
“Dân làng Xê Đăng quan niệm nếu sinh xong mẹ qua đời thì phải chôn sống đứa trẻ theo bởi nếu để lại không có ai chăm sóc. Nó còn quá yếu ớt nên cũng khó vượt qua”, chị Hiếu nói. Theo tục lệ nếu đứa trẻ đã cứng cáp, khoảng 10 ngày tuổi mà mẹ mất thì người bố có thể quyết định số phận của con. Trường hợp của con anh Xếp, người bố phải nghe theo dân làng dù có muốn hay không.
Hiếu nhận đứa bé suýt bị chôn sống làm con và đặt tên Quốc Khánh. Ảnh: Tiến Hùng. |
Trong khi đám tang hai mẹ con đang được dân làng lo liệu thì Hiếu lúc này làm việc ở thị trấn huyện Nam Trà My nghe được tin. “Nhận được điện thoại của em gái, mình chẳng kịp suy nghĩ, nói với em phải cứu bằng được đứa trẻ”, Hiếu kể lại. Đường từ thị trấn lên Tắc Giang chỉ 20 km nhưng phải mất mấy tiếng mới tới nơi, sợ không kịp Hiếu điện thoại cho em cướp đứa trẻ rồi tháo chạy.
“Em gặp anh Xếp và già làng thuyết phục mãi nhưng không được, đành phải tranh thủ lúc không ai để ý rồi bế đứa bé chạy. Để an toàn em rủ thêm vài người bạn đi cùng bảo vệ. Sợ bị người làng Tắc Giang bắt lại và sợ cả dân làng sống ở hai bên đường không cho qua, bởi nếu đứa bé không may mất thì làng đó sẽ gặp điều xấu, bọn em phải cắt rừng đi, mất gần 2 tiếng mới gặp chị Hiếu đang nhờ người chở bằng xe máy lên đón”, Hồ Thị Hoàng (em gái Hiếu), nói.
Lúc này đứa bé vẫn chưa được cắt rốn sau nửa ngày chào đời, cơ thể tím tái gần như kiệt sức. Về trung tâm huyện, bé trai được chăm sóc tận tình. Hiếu nhận bé làm con và đặt tên Hồ Quốc Khánh. Chị bảo cái tên đó để nhớ về ngày 2/9, ngày đứa trẻ suýt bị chôn sống theo tục lệ của làng.
Tưởng chừng cuộc sống của mẹ con Hiếu sẽ êm đềm sau cuộc tháo chạy, nhưng nữ y tá sau đó phải đối mặt với những lời buộc tội, xỉ vả của dân làng. “Lúc đó mình phải ở nhờ nhà người quen dưới huyện không dám về làng, Hoàng cũng ở đây gần một tháng rồi mới về. Họ không cho mình đặt chân đến ngôi làng Xê Đăng nào vì sợ ‘con ma xấu’ đeo bám”, Hiếu ngậm ngùi kể. Một thiếu nữ chưa chồng như Hiếu lại có con, mặc dù ai cũng biết không phải con đẻ, nhưng đối với dân làng Xê Đăng, đó là điều cấm kỵ.
“Một thời gian sau, khi Quốc Khánh đã lớn mình quyết định đối mặt với họ. Mình đến gặp già làng, gặp những người vẫn còn tin vào cái tục lệ đó để giải thích không có con ma nào cả, cộng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng bỏ qua. Họ không những tha thứ cho hành động của mình mà còn hứa xóa bỏ hủ tục”, Hiếu nói và cho hay chỉ trước đó ít tháng, một bé trai ở làng bị chôn sống theo mẹ.
"Mình nghe tin, chạy lên thì đã muộn. Nghe nhiều người kể lúc bị chôn sống đứa bé khóc thét. Dân làng phải dùng dao rựa đánh vào gáy để cháu không còn khóc", Hiếu kể, giọng xót xa.
Ngôi nhà của hai mẹ con Hiếu. Ảnh: Tiến Hùng. |
Năm 2014, Hiếu lấy chồng, một thanh niên người Cơ Tu ở huyện Nam Giang. Đám cưới của Hiếu dân làng Xê Đăng đến chúc mừng đông nhất từ trước đến nay. "Sau này Hiếu về làm ở trạm y tế xã, thấy hai mẹ con vẫn khỏe mạnh, chẳng bị ma rừng bắt đi chúng tôi mới tin. Hàng ngày, dân làng lại được Hiếu giải thích nên hủ tục mới được xóa bỏ", già Hồ Văn Tứa (78 tuổi), nói.
Câu chuyện của Hiếu nhanh chóng lan ra các bản làng xa xôi ở huyện Nam Trà My, nơi hủ tục vẫn còn dai dẳng. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện, cho hay từ đó đến nay không còn bé sơ sinh nào bị chôn sống theo mẹ nữa. “Tất cả vì nhận thức còn thấp, bây giờ thấy Hiếu dám vượt qua lệ làng nhưng vẫn sống khỏe, không bị con ma xấu bắt nên dân làng đã hiểu”, ông Bửu nói.
Tiến Hùng