Chủ nhật, 1/11/2015 | 01:00 GMT+7
Chủ nhật, 1/11/2015 | 01:00 GMT+7
Hơn 20 năm qua, Trung tâm Phát triển Hương Bình (xã Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh) được xem là bảo tàng lưu giữ các nông cụ thủ công truyền thống với hơn 500 hiện vật.
Khu bảo tồn truyền thống xã Hương Bình rộng 6 hécta, tiền thân là trại chăn nuôi cũ của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập từ năm 1978. Sau khi trại chăn nuôi giải thể vào năm 1993, một linh mục người Việt Nam ở Pháp đã tiếp nhận, chuyển nơi đây thành trung tâm văn hóa nông thôn và lưu giữ những hiện vật nông cụ độc đáo từ thời xa xưa.
Trong trung tâm có nhiều ngôi nhà truyền thống trên 100 năm tuổi, lợp mái tranh. Phía trong trưng bày khoảng 500 nông cụ, đồ dùng sinh hoạt thời xa xưa như cày bừa, võng tre, cụi treo, guồng quay nước, đơm dùng để đánh bắt cá, bàn ghế bằng gỗ, kiềng tre, gáo dừa...
Ông Nguyễn Đức Tịnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Hương Bình cho biết, việc sưu tầm hiện vật được thực hiện từ năm 1996, qua thời gian thì phát triển thêm. "Chúng tôi cho người tới các hộ gia đình trên địa bàn huyện Hương Khê tìm kiếm, thấy hiện vật nào độc đáo thì bỏ tiền ra mua lại", ông Tịnh nói.
Các nông cụ lưu giữ chủ yếu được làm bằng tre. Những chiếc đơm dùng đánh bắt cá, nong nia dùng để sàng gạo vẫn đang còn mới.
Trước kia đồ nhựa rất hiếm, người dân đã dùng vỏ dừa làm gàu múc nước.
Kiềng, nồi đất và những chiếc cụi để đựng cất giữ các đồ dùng nhà bếp, thức ăn.
Trước kia, mỗi gia đình nông dân thường có một cối giã gạo, ngũ cốc làm lương thực cho người, gia súc, gia cầm.
Võng tre thường được mắc ngoài hiên nhà, dùng để nghỉ trưa sau những buổi trưa hè oi ả.
Xe cút kít dùng chở đất, gầu tre để tát nước, đều làm bằng gỗ, tre.
Đèn dầu là dụng cụ chủ yếu để thắp sáng khoảng 40 năm về trước. Theo Giám đốc Trung tâm Hương Bình, kinh phí hoạt động của đơn vị được một tổ chức bên Pháp tài trợ. Trước kia, có nhiều đoàn của nước ngoài hay tới tham quan, hiện tại mỗi năm chỉ có 1-2 đoàn.
Guồng quay nước lợi dụng sức gió để lấy nước sinh hoạt của bà con vùng cao. "Các hiện vật không thể tính giá trị bằng tiền mà là văn hóa. Trước kia có một bảo tàng ở Hà Nội đặt vấn đề mua lại hiện vật với số tiền lớn nhưng chúng tôi không bán", ông Tịnh nói và cho hay sắp tới sẽ phối hợp với ngành văn hóa tỉnh để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn.
Trong trung tâm có một căn phòng trưng bày tất cả hình ảnh về con người, vùng đất huyện Hương Khê, được một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp vào năm 1993. "Những nông cụ thời xa xưa đưa chúng ta trở về với cội nguồn, nhớ đến công lao của cha ông. Chúng tôi sẽ bàn bạc với trung tâm để cùng bảo quản và trưng bày tốt các hiện vật", ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói.
Đức Hùng