Tròn 20 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt tại EURO 1996, luật bàn thắng vàng xứng đáng được xem xét đưa trở lại nhằm tái tạo nét kịch tính của bóng đá.
Phút 95 hiệp phụ thứ nhất trận chung kết EURO 1996 giữa Đức và CH Czech, tiền đạo Oliver Bierhoff của Đức nhận bóng trong vòng 16m50. Anh tì đè và bất ngờ xoay người tung cú sút hiểm hóc bằng chân trái khiến thủ thành Petr Kouba không thể bắt dính và để bóng từ từ lăn vào lưới. Người Đức vỡ òa vì sung sướng bởi pha lập công đó mang lại chức vô địch cho họ, còn Bierhoff đi vào lịch sử với việc là cầu thủ đầu tiên ghi bàn thắng vàng. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 2 thập kỷ của bàn thắng ấy.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến người Pháp, nước chủ nhà của EURO năm nay, về cách tận dụng bàn thắng vàng. Ở World Cup 1998, trung vệ Laurent Blanc ghi bàn vào lưới Paraguay ở phút thứ 113 tại trận đấu loại trực tiếp thuộc vòng 1/16, còn David Trezeguet mang chức vô địch EURO 2000 về cho người Pháp cũng bằng một bàn thắng vàng vào lưới Italia ở trận chung kết.
Được đề xuất vào năm 1993 bởi Ủy ban bóng đá quốc tế, luật bàn thắng vàng, hay còn gọi là “cái chết bất ngờ”, được cho là cách để chống lại lối chơi ngột ngạt của một số đội bóng trong quãng thời gian hiệp phụ. Điều logic của lý thuyết bàn thắng vàng là: Nếu một bàn thắng có thể quyết định tất cả, hai đội sẽ chiến đấu hết mình vì nó. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ xuất hiện, luật này bị coi là không còn phù hợp và đã bị xóa bỏ.
Bàn thắng vàng của Bierhoff ở trận chung kết EURO 1996
Những người đưa ra lý lẽ chống lại bàn thắng vàng cho rằng có nhiều cách để kết thúc một trận đấu hơn là dùng một bàn thắng. Trong nhiều trường hợp, các đội bóng đề cao sự an toàn bên phần sân nhà trước nhất, rồi sau đó mới tìm bàn thắng, thay vì dồn lực cho nó ngay từ đầu. Hậu quả của một bàn thắng gây ra là quá lớn, thế nên ngay cả những người xuất sắc nhất cũng sẽ có tâm lý chắc lép đầu tiên.
Hiện tại, cách để giải quyết một trận đấu loại trực tiếp có kết quả hòa trong 90 phút chính thức là 30 phút cho 2 hiệp phụ, rồi sau đó là loạt sút luân lưu nếu chênh lệch về tỉ số không có gì thay đổi. Tuy vậy, chính điều này cũng gây ra những sự ức chế riêng.
Trên thực tế, vẫn có những đội bóng coi khoảng thời gian hiệp phụ là để sống sót chứ không phải để quyết chiến, đặc biệt là với những đội bóng nhỏ khi phải gặp những “ông lớn”. Tính chất may rủi theo kiểu số phận của loạt luân lưu khiến phương án “cù nhầy” để kéo nhau vào cách phân định thắng thua này trở thành một trò đánh cược an toàn hơn.
Kể cả những đội bóng được đánh giá cao cũng có những giây phút chán nản ở hiệp phụ. Tại vòng 1/8 EURO 2016, 30 phút đá thêm ở trận Ba Lan – Thụy Sỹ không có gì ngoài những đường chuyền qua lại trước khi loạt luân lưu gọi tên Ba Lan. Chưa hết, Bồ Đào Nha và Croatia cũng dắt díu nhau vào hiệp phụ và ru ngủ khán giả trong 27 phút trước pha lập công quyết định của Ricardo Quaresma.
Quaresma tiễn Croatia về nước với bàn thắng quý như vàng
Trong bối cảnh EURO năm nay tôn vinh thứ bóng đá phòng ngự phản công với những Iceland, Xứ Wales và Italia là những đại diện ưu tú nhất, viễn cảnh các tín đồ túc cầu giáo tiếp tục phải gật gù trong vòng 30 phút hiệp phụ ở các trận tứ kết sắp tới là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Một lý do khác cho thấy bàn thắng vàng sẽ là thứ cứu rỗi chất lượng bóng đá ở kỳ EURO năm nay là bởi các đội bóng lớn sẽ không đặt nhiều niềm tin vào loạt sút luân lưu, sau khi một loạt những cái tên đình đám như Mesut Oezil, Cristiano Ronaldo, Sergio Ramos hay Granit Xhaka bị chặn lại trên chấm 11m từ đầu giải. Thứ để khẳng định đẳng cấp chắc chắn không phải là may mắn. Đó là khoảnh khắc mà những nét chiến thuật độc đáo, bản lĩnh đội bóng lớn hay tố chất ngôi sao sẽ lên ngôi.
Để tạo điều kiện cho luật bàn thắng vàng trở nên hữu hiệu hơn, có lẽ một quyền thay người nữa trong hai hiệp phụ sẽ là sự bổ sung hoàn hảo. Điều này hoàn toàn là có lý do, bởi ở EURO năm nay, rất nhiều cầu thủ vào sân từ băng ghế dự bị đã ghi bàn, tiêu biểu là Jamie Vardy và Daniel Sturridge ở trận Anh 2-1 Xứ Wales, Milan Skoda ở trận Croatia 2-2 CH Czech, Bastian Schweinsteiger ở trận Đức 2-0 Ukraine, Hal Robson-Kanu ở trận Xứ Wales 2-1 Slovakia và Zoltan Stieber ở trận Hungary 2-0 Áo.
Sturridge vào sân ghi bàn ấn định thắng lợi 2-1 cho Anh trước Xứ Wales
Sidney Crosby đã khiến người Canada sướng như điên khi ghi bàn thắng vàng trong trận chung kết môn khúc côn cầu trên băng giữa Canada và Mỹ tại Thế vận hội mùa Đông 2010. Đấy chính xác là cách mà những người hâm mộ bóng đá xứng đáng được trải qua trong những ngày này, tại EURO 2016.
Gục ngã vì một cú sút hay một sai lầm định mệnh trong hiệp phụ, liệu có đau đớn hơn việc phải chịu thua trên chấm 11m đầy may rủi? Không ai biết chắc. Nhưng ít ra, đó sẽ là câu chuyện của cả tập thể chiến đấu cho 1 bàn thắng duy nhất, thay vì đặt vận mệnh của 23 con người lên một đôi chân đang run run vì áp lực…
Theo bongdaplus