Thua Iceland, có thể nói là một trong những thất bại tủi hổ nhất lịch sử của ĐT Anh. Roy Hodgson đã xin từ chức sau trận. Ông buộc phải làm vậy vì ông chính là người tạo ra cơn ác mộng này.
2 năm trước, tại World Cup 2014, Tam Sư bị loại chỉ sau 2 trận đấu đầu tiên. Họ cũng chơi cực tệ và báo chí đã phải mạnh mẽ lên tiếng về một sự thay đổi lớn của đội tuyển. Nhưng không, vẫn là thuyền trưởng Hodgson. Tại Nice, ông đánh dấu con số 53 trận bằng một trong những kết quả đáng quên và đáng chỉ trích bậc nhất.
Thất bại thảm hại dành cho Hodgson
Ông được trả 3 triệu bảng/năm để huấn luyện một lứa cầu thủ đầy tài năng của bóng đá Anh và rồi lại tỏ ra ủy mị hơn một người đàn ông với công việc nha sĩ để kiếm sống vì Heimir Hallgrimsson chẳng được 1 xu từ chức danh HLV ĐT Iceland.
Tất nhiên, các cầu thủ cũng nên cảm thấy hổ thẹn vì những gì họ đã thể hiện. CĐV Anh, những người chứng kiến đầy đủ thảm họa này có quyền để hô vang ‘các cầu thủ không xứng đáng với chiếc áo đang mặc’ sau tiếng còi mãn cuộc, thời điểm cũng chính thức đánh dấu nhiệm kỳ Hodgson hạ màn.
Nhiệm vụ của Hodgson là tận dụng triệt để nguồn tiềm năng lớn lao từ các học trò nhưng cuối cùng chẳng có gì đặc biệt cả. Dường như cái áo tiềm năng đó là quá rộng với Hodgson. Bi kịch này thậm chí sẽ còn hủy hoại 40 năm sự nghiệp HLV của ông, nó thực sự xấu hổ cho cái tuổi 68 già nua.
Thất bại của Tam Sư không chỉ là việc họ nhanh chóng đánh mất lợi thế dẫn bàn mà còn là chuyện họ thua 2 bàn quá dễ dàng trong vỏn vẹn 18 phút. Nó khiến ngay cả Gary Neville cũng tỏ ra bối rối, ông vẫy tay chỉ đạo từ khu kỹ thuật mà chẳng ai hiểu ông đang làm chuyện gì.
Mặc dù bàn thua đầu tiên mang đúng phong cách Iceland bắt nguồn từ quả ném biên sở trường của Aron Gunnarsson nhưng Hodgson rất đáng trách vì ông đã biết kịch bản này từ trước. Đến bàn thua thứ 2, sai lầm từ Joe Hart là đương nhiên nhưng cái cách Iceland dễ dàng chuyền bóng cho nhau trước vòng cấm thực sự khiến CĐV khó chịu và Kolbeinn Sigthorsson cũng có pha dứt điểm rất thoải mái. Bài học nhãn tiền từ ĐT Áo chẳng khiến Hodgson và các học trò rút ra điều gì trước khi đối đầu với người Iceland.
Gót chân Achilles của Tam Sư ở giải lần này chính là cặp trung vệ Gary Cahill – Chris Smalling. Hodgson có thể cảm thấy thiếu may mắn khi không thể gọi những trung vệ đạt đến tầm như John Terry, Rio Ferdinand hay một vài huyền thoại giai đoạn trước nữa.
Đó còn là Kyle Walker và Danny Rose, những hậu vệ cánh đẳng cấp mỗi khi dâng lên tấn công nhưng phòng thủ thì lại hoàn toàn khác. Walker chính là người mắc lỗi kèm người trong bàn thua đầu tiên khi để Ragnar Sigurdsson dễ dàng volley hạ gục Joe Hart.
3 giải đấu lớn với Hodgson và ông chẳng để lại bất cứ dấu ấn nào nổi bật cả. Ông gọi tổng cộng 78 cầu thủ sau khi tiếp quản Fabio Capello, sử dụng 19 người trong số này tại Pháp và tạo ra 6 sự thay đổi ở 2 trận gần nhất.
Chẳng có lý do gì để Hodgson ở lại cả
Người ta có thể thông cảm với thất bại ở EURO 2012 vì ông mới lên thay Capello nhưng cái cách Anh để Ý chiếm lĩnh cuộc chơi ở Tứ kết năm đó cũng khiến không ít người chạnh lòng. 2 năm sau, chẳng thấy một dấu hiệu nào của sự tiến bộ cả. Họ lại thua Ý rồi sau đó là Uruguay và sớm lên máy bay về nước.
Truyền thông đã lên kế hoạch ngày ra đi của Hodgson nhưng FA vẫn cố níu kéo thuyền trưởng West Brom bấy giờ và đến khi ông cùng Tam Sư có 10 trận thắng liên tiếp ở vòng loại EURO 2016 thì họ cảm thấy mình như vừa chứng minh được điều gì đó lớn lao vậy.
Trước những sai lầm suốt 2 năm qua, rời ĐT Anh có lẽ là điều đúng đắn hiếm hoi của Hodgson. Ông không thể phá hủy thêm tương lai của Tam Sư được. Lớp cầu thủ tài năng hiện tại cần nhiều hơn những gì họ đang nhận được. Dù sao, muộn còn hơn không.
Theo Thethaovanhoa.vn