Paul Pogba có xứng đáng với giá chuyển nhượng kỷ lục thế giới? Nếu không, giá nào là vừa? 80 triệu hay 40 triệu euro? Bạn thậm chí không thể trả lời câu hỏi tương tự đối với một kỷ vật hoặc một món đồ chơi, huống hồ là một ngôi sao bóng đá, một con người, có khi còn là cả một huyền thoại về sau này!
Không có mức giá nào là chuẩn
Bất cứ ai trong làng bóng Anh (mà không chỉ có làng bóng Anh quan tâm) từng nói Pogba “không đến giá ấy” đều có chỗ không ổn, riêng với Paul Scholes càng khó chấp nhận. Bản thân anh từng là ngôi sao trong bóng đá đỉnh cao, chẳng lẽ chính anh cũng xem ngôi sao bóng đá chẳng khác gì món hàng có thể gắn giá cố định trên kệ trưng bày?
Dù là món hàng đi nữa, đôi khi cũng không thể nói mức giá bao nhiêu cho vừa. Quả bóng mà ngôi sao Anh David Beckham sút hỏng ở loạt luân lưu 11m trong trận gặp BĐN tại Euro 2004 được một khán giả (may mắn lấy được) bán đến 3 triệu euro, trong khi quả bóng mà vua bóng đá Pele từng ghi bàn thứ 1.000 trong lịch sử chỉ có giá 50.000 euro.
Chỉ có một bộ phận đủ tư cách nói ra một câu, hoặc đưa ra một cái nhìn, kiểu như Scholes – đó là các nhà làm luật. Bởi luật pháp thì phải khách quan, rõ ràng và công bằng. Tòa án Công lý châu Âu khẳng định bóng đá châu Âu bây giờ không còn là thể thao thuần túy nữa, mà còn là thương mại, là lao động, nên bóng đá châu Âu phải tuân thủ các bộ luật thương mại, lao động. Đấy là cơ sở của phán quyết Bosman, buộc UEFA xóa bỏ giới hạn về số lượng cầu thủ nước ngoài ở mỗi CLB.
Sự trưởng thành của Pogba không có mức giá chuẩn
Ai thấy Pogba có giá điên rồ đều có quyền khởi kiện. Luật chống phá giá chính là một trong những luật phổ biến nhất, ở châu Âu cũng như trên khắp thế giới. Đã vậy, lại có thể kiện M.U những hai lần, theo hai cách trái ngược hoàn toàn. Chỉ mới cách đây vài năm, chính M.U đã bán Pogba với giá… 0 euro!
Nói đùa thế thôi. Giả sử có phải trả lời, theo nghĩa bị chất vấn, CEO Ed Woodward của M.U cũng chỉ cần nói một câu: ông thấy Pogba đáng giá hơn Gonzalo Higuain. Thế là đủ. Còn chuyện Higuain đáng giá bao nhiêu, hãy cứ hỏi Juventus.
Cái lý của cú chuyển nhượng Pogba
Bóng đá là môn thể thao của những tranh cãi. Nhưng không thể vì thế mà người ta lại làm những chuyện vô lý, như so sánh giá chuyển nhượng của Higuain, Pogba bây giờ với Diego Maradona ngày xưa. Sao không so sánh bản quyền truyền hình 5,1 tỷ bảng của Premier League với cái thời kỳ mà nhiều nơi dễ dàng xem miễn phí các giải bóng đá hàng đầu thế giới? Sao không hỏi Premier League 2016-2017 liệu có hay bằng World Cup 1986?
Bản quyền truyền hình chỉ là một trong những nguồn thu quan trọng, giúp M.U trở thành một trong vài đội bóng giàu nhất thế giới. Họ có khả năng trả hơn 100 triệu bảng cho một ngôi sao mà ai cũng thấy là chưa đủ tư cách tranh “Quả Bóng Vàng”. Những đội khác không giàu như M.U, nên mua không nổi, dù ai cũng muốn có Pogba trong đội hình.
Đặt ngược vấn đề: vì sao M.U lại giàu nứt đố đổ vách, đến độ dễ dàng bỏ ra số tiền chuyển nhượng mà nếu chỉ xét về khía cạnh bóng đá thuần túy thì ai cũng chê là quá đắt? Vì họ… dám mua Pogba với giá ấy! Vì thế mà giới tài trợ mới lại sẵn lòng đổ tiền vào M.U, thay vì các đội bóng luôn cò kè bớt một thêm hai trên thị trường chuyển nhượng.
Pogba nói lên tầm vóc của Man United
Đây chính là chỗ tương đồng giữa việc M.U chấp nhận chi tiền thật cao cho Pogba, với việc Juventus cũng chi số tiền “điên rồ” để có Higuain. Ngoài chuyện bổ sung ngôi sao cự phách vào đội hình chính, M.U và Juventus đều muốn chứng tỏ đẳng cấp “siêu CLB” của mình. Đây mới là chi tiết quan trọng nhất trong bóng đá nhà nghề. Mỗi năm, châu Âu chỉ có một nhà vô địch Champions League, nhưng chẳng ai dám nói các đội không vô địch là xoàng. Mỗi năm, cũng chỉ có một CLB đăng quang ở một trong năm cường quốc bóng đá hàng đầu châu Âu. Cũng không thể xem các đội không đứng đầu bảng ở đấu trường trong nước là kém. Thông thường, người ta nhìn vào truyền thống, nhìn vào lực lượng, và nhìn vào những câu chuyện như vừa nêu, xem đâu là những trung tâm quyền lực trong bóng đá đỉnh cao. Để làm gì? Xin thưa: để ký hợp đồng tài trợ, kinh doanh, để mua bản quyền truyền hình… Bóng đá đỉnh cao bây giờ đâu chỉ là chuyện thuần túy bóng đá nữa!
Vấn đề chuyên môn
Cần phải tách bạch rõ ràng: việc M.U chấp nhận mức giá thật cao cho Paul Pogba chắc chắn là phải có lý, và cái lý ấy chỉ cần được trình bày trong phòng họp giữa các giám đốc M.U với nhau là đủ. Nhưng cái giá cao hơn trăm triệu không nói lên rằng Pogba có một tài năng tương xứng. Bàn về bóng đá thuần túy, Pogba chưa có được điều gì đáng kể để giới chuyên môn phải so sánh anh với Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hoặc Gareth Bale. Anh chưa có gì để được so sánh với Zinedine Zidane trong làng bóng Pháp.
Chỉ ra những chỗ xuất sắc của Pogba thì quá đơn giản. Nhưng, bóng đá đỉnh cao có đến hàng chục ngôi sao xuất sắc như vậy. Yêu Pogba, bạn sẽ chỉ thấy anh này sút xa tuyệt vời, chơi bóng vừa sáng tạo, điêu luyện lại vừa mạnh mẽ, nhanh nhẹ. Pogba có đủ phẩm chất của cả nghệ sĩ lẫn lực sĩ. Anh đã là ngôi sao hàng đầu thế giới khi còn ở độ tuổi khá trẻ, nghĩa là có hẳn một tương lai vừa lâu dài, vừa tươi sáng. Ngược lại, những ai không ưa Pogba sẽ nói anh này chưa bao giờ thành công trong những trận đấu lớn, những trận đấu thật sự quyết định đối với chính mình cũng như toàn đội. Có hay không có Pogba cũng được. Đấy không phải là mẫu ngôi sao có tầm ảnh hưởng quan trọng đến toàn đội, có thể một mình xoay chuyển tình thế. Khen Pogba mà chỉ dựa vào những lúc anh chơi thật hay thì cũng chẳng khác gì người ta từng khen Mario Balotelli.
Về Man United, Pogba sẽ chơi ở đâu?
Vấn đề thiết thực nhất trong câu chuyện về cú chuyển nhượng Pogba là khi trở lại M.U thì anh sẽ đứng ở đâu, chơi như thế nào, liệu có hòa nhập với các đồng đội ở Old Trafford? Nhìn lại kỷ nguyên hiện đại, người ta toàn thấy M.U vỡ mộng với những bản hợp đồng lớn, hơn là thành công. Juan Veron là một thảm họa. Đấy là sai lầm hiếm thấy của HLV Alex Ferguson, khi cố nhét vào đội hình đang quá ăn ý của M.U một siêu sao xa lạ. Angel Di Maria đến rồi lại phải nhanh chóng ra đi. Ngay cả Radamel Falcao, dù chỉ là bản hợp đồng mượn tạm (nhưng có lẽ là bản hợp đồng cho mượn đình đám nhất), cũng coi như thất bại.
Hy vọng Pogba sẽ khác, bởi hiện thời thì M.U của Jose Mourinho còn chưa phải là đội bóng thật sự, nói chi đến sự nhuần nhuyễn trong lối chơi. Pogba đứng ở đâu, chơi như thế nào, đều được, trong cái môi trường còn đang ở mức “sơ khai” ấy. Cũng có thể, Mourinho chỉ thật sự tính đến lối chơi, ổn định vấn đề nhân sự một khi đã hoàn tất bản hợp đồng mua Pogba.
ĐẦY ĐỦ KHEN, CHÊ
Cựu danh thủ M.U Paul Scholes bình luận: “Pogba không đáng giá 86 triệu bảng. Với giá ấy, bạn có thể mua mẫu ngôi sao thường xuyên ghi 50 bàn một mùa, như Ronaldo hay Messi”.
Đừng hỏi Alex Ferguson. Chính ông đã lấy chỗ của Pogba giao cho Scholes, rồi để Pogba tự do gia nhập Juventus.
Cựu danh thủ nay là bình luận viên Gary Lineker hỏi: “Phải chăng Pogba là cầu thủ được phóng đại nhất thế giới?”.
Ngược lại, cựu HLV Fabio Capello hết lời khen ngợi Pogba: “Đấy là ngôi sao toàn diện nhất thế giới hiện nay. Không ai gồm đủ mọi ưu điểm như Pogba. Anh có lối chơi công thủ toàn diện và gồm đủ tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật”.
HLV Antonio Conte cũng hết lợi khen ngợi Pogba, như Capello. Ông còn nói thêm: “Pogba tiến bộ rất nhanh trong những mùa bóng vừa qua.
Theo Thethaovanhoa.vn