Đức có thể chơi tệ ở các trận giao hữu nhưng khi bước vào giải đấu lớn, họ luôn thể hiện một hình ảnh trái ngược. Thậm chí, càng tiến sâu, Mannschaft càng thể hiện sức mạnh mà có vẻ HLV Joachim Low chưa muốn phô diễn. Thế nên, người ta có cảm giác hành trình vào tứ kết của Nhà ĐKVĐ thế giới giống như một cuộc dạo chơi vậy.
Trong 3 trận vòng bảng, Đức chỉ cần ghi 3 bàn thắng để có 2 chiến thắng và giành ngôi đầu bảng C. Nhưng khi đụng độ Slovakia ở vòng 1/8, Mannschaft đã bùng nổ với 3 pha lập công. Đáng chú ý, sau 4 trận, thủ thành Manuel Neuer vẫn chưa phải vào lưới nhặt bóng. Đó là tâm thế của Nhà ĐKVĐ thế giới, không quá bùng nổ nhưng lì lợm và đầy bí hiểm.
Sức mạnh của ĐT Đức tới đâu có lẽ chỉ HLV Joachim Low mới biết. Họ đến EURO 2016 với những nghi ngờ ở vị trí mũi nhọn nhưng rốt cuộc, hàng tiền vệ của Mannschaaf đã cho thấy họ quá sáng tạo, đủ để bù đắp cho những thiếu sót. Ngay cả khi Thomas Muller chưa ghi bàn, đó cũng chẳng phải “thảm họa” của Joachim Low khi mà ngôi sao của Bayern đã có đóng góp lớn vào lối chơi theo kiểu “chim mồi”. Người ta có cảm giác Đức đang làm điều tương tự như Tây Ban Nha ở EURO 2012 khi không sử dụng 1 trung phong đúng nghĩa.
Nhưng nói gì thì nói, ĐT Đức không thể tiếp tục dạo chơi ở EURO 2016 khi đối thủ của họ ở vòng tứ kết là Italia. Joachim Low và các học trò sẽ phải nghiêm túc hơn nếu không muốn sớm phải rời cuộc chơi như Tây Ban Nha.
Điều mà cả Đức và Italia đã thể hiện ở EURO 2016 rất thành công chính là tinh thần thép, phẩm chất có vẻ đi đi vào máu của họ. Có chăng, 2 đội bóng khác nhau về cách tiếp cận. Đức từng 1 thời lì lợm như một ‘cỗ xe tăng bọc thép’, chẳng khác là mấy so với Italia. Cuộc cách mạng từ năm 2006 đã mang tới 1 hơi thở mới cho Mannschaft. Họ hướng tới bóng đá tấn công nhưng vẫn duy trì được “chất thép” trong tinh thần thi đấu và khiến đối phương phải hoảng loạn.
Italia thì càng cần tới “chất thép” bởi đây là giai đoạn khủng hoảng tài năng của người Ý. Trong cuộc khủng hoảng ấy, Azzurri phải nhờ tới Conte và chất thực dụng, toan tính để kéo lại sự cân bằng, đặc biệt sau thất bại ê chề ở World Cup 2014. Để rồi ở EURO 2016 này, người ta đã được thấy một Italia hoàn toàn khác, lạnh lùng hơn và khó lường hơn. Minh chứng rõ rệt nhất là họ đã hạ bệ thuyết phục 2 trong số các ứng viên sáng giá cho chức vô địch là Bỉ và Tây Ban Nha. Với ĐT Đức, đó là lời cảnh báo có sức nặng.
Chẳng bởi thế mà trước khi vòng 1/8 khởi tranh, “Hoàng đế” Franz Beckenbauer khẳng định “Nếu được lựa chọn, tôi thích gặp Tây Ban Nha hơn Italia”. Nói theo cách nào thì Beckenbauer cũng ngán người Ý. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận ra lý do khi Đức chưa từng đánh bại Italia ở 1 giải đấu lớn (hòa 4, thua 4).
Chẳng nói đâu xa, ở World Cup 2006 trên sân nhà, Đức đã để thua Italia 0-2 trong trận bán kết kịch tính kéo dài 120 phút. Và năm đó, Italia chứ không phải Đức lên ngôi vô địch. Mối thù hận ấy được người Đức kéo tới EURO 2012. Nhưng rốt cuộc, Mannschaft vẫn phải ngậm đắng nuốt cay khi thất thủ 1-2 trước Azzurri ở vòng bán kết.
Như Lothar Matthaus từng nhận định, Đức vốn mạnh về tinh thần. Họ có thể dùng chính sức mạnh tinh thần của mình để khiến đối thủ phải hoảng loạn. Nhưng khi gặp Italia, Đức gần như bất lực. Thậm chí, chính “cỗ xe tăng” mới là những người phải lung lay. Thế nên, việc thầy trò Joachim Low ngán Italia ở tứ kết EURO năm nay là điều không quá khó hiểu.
Bất lợi lớn với Italia là họ đã quá nổi bật ở EURO 2016 khi hạ Bỉ và khiến Nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha phải về nước sớm. Với những gì đã thể hiện, chắc chắn Azzurri sẽ nhận được cái nhìn thận trọng hơn từ ĐT Đức. Italia thì ngược lại! Họ có lẽ chưa hiểu nhiều về Mannschaft khi hành trình tới tứ kết của thầy trò Joachim Low chẳng khác 1 cuộc dạo chơi.
Chưa kể, ở trận tứ kết diễn ra đêm mai, Italia còn dính tổn thất lớn khi mất 2 tiền vệ phòng ngự là Daniele De Rossi và Thiago Motta. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để nói về những mất mát này bởi Italia dưới thời Conte vốn xây dựng dựa trên yếu tố kỉ luật và khoa học. Chính điều đó đã khiến đoàn quân áo thiên thanh không quá phụ thuộc vào bất cứ nhân tố nào. Đơn giản bởi họ chiến đấu vì nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau để tôn vinh giá trị tập thể.
Với “chất thép” mà Conte đã rót vào, Italia có thể sẽ không thay đổi cách chơi và hướng tiếp cận khi gặp Đức. Do đó, cuộc đụng độ này có thể sẽ chỉ được quyết định bởi yếu tố tinh thần mà thôi. Ai vững vàng hơn, kẻ đó sẽ có vé bán kết…
Theo bongdaso