Khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Premier League, vốn đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự hội nhập và quá trình toàn cầu hóa, sẽ rơi vào tình trạng tệ hại.
Rời EU sẽ là một “thảm họa” với triết lý chung của Premier League, theo lời Chủ tịch giải đấu Richard Scudamore. Ông Scudamore khẳng định cả 20 CLB giải Ngoại hạng đều phản đối Brexit và lo rằng điều đó sẽ hủy hoại tương lai của hàng trăm cầu thủ.
Premier League lo sốt vó
“Không thể cứ nói ra là ra được, cần một cuộc thương lượng, tổ chức và tạo ảnh hưởng”, Scudamore nói, đồng thời cảnh báo Brexit sẽ khiến “Premier League khó khăn hơn nhiều trong việc bảo vệ bản quyền hình ảnh”. Năm 2015, một nghiên cứu của BBC cho thấy hơn 300 cầu thủ châu Âu đang chơi ở các giải Premier League, Championship (hạng Nhất) và Scottish Premiership (vô địch Scotland) không đủ tiêu chuẩn xin giấy phép lao động nếu Anh rời EU.
Anthony Martial sẽ phải về nước nếu như Brexit xảy ra
Năm ngoái, chỉ 23 cầu thủ EU ở Premier League theo luật lao động Anh là đủ điều kiện làm việc ở Anh, nếu như nước này không còn là thành viên EU. Những người như Dimitri Payet và Anthony Martial đều sẽ phải về nước. “Hơn 100 cầu thủ Premier League sẽ bị ảnh hưởng, và những đội như Aston Villa, Newcastle và Watford (khi đó còn đá ở giải Ngoại hạng) có thể mất tới 11 người trong đội hình”, nghiên cứu cho biết. “Trong khi đội Championship, Charlton Athletic, sẽ mất tới 13 người. Chỉ 23 người trong số 180 cầu thủ EU hiện giờ đá ở Championship đủ điều kiện nhận giấy phép lao động…”. Đó là chưa kể 109 cầu thủ nữa ở các giải League One (hạng Ba) và League Two (hạng Tư).
“Rời EU để lại hậu quả rất tai hại cho bóng đá, lớn hơn nhiều so với nhiều người vẫn nghĩ”, Rachel Anderson, một người môi giới cầu thủ chuyên nghiệp, nói. “Một nửa các cầu thủ ở Premier League sẽ phải xin lại giấy phép lao động”. Giống như các chính trị gia, LĐBĐ Anh (FA) và BTC Premier League thừa nhận chính họ cũng không biết điều gì sẽ xảy ra với bóng đá nếu Brexit trở thành sự thật.
Ngoài Payet và Martial, danh sách các ngôi sao giải Ngoại hạng có thể phải khăn gói trở lại châu Âu lục địa còn có cả N’Golo Kante (Pháp, Leicester), Francis Coquelin (Pháp, Arsenal), David de Gea và Juan Mata (đều TBN và Man United), Kurt Zouma (Pháp, Chelsea), Cesar Azpilicueta và Hector Bellerin (đều TBN và Arsenal), Eliaquim Mangala và Samir Nasri (đều Pháp và Man City)…
Theo luật hiện giờ, mọi cầu thủ có quốc tịch các nước EU đều được quyền đá các giải chuyên nghiệp ở Anh, và chỉ những người không thuộc EU mới phải xin giấy phép lao động. Theo quy định của FA, giấy phép lao động cho các cầu thủ bao gồm những điều kiện ngặt nghèo: đã chơi một số trận ở ĐTQG, các yêu cầu khác về độ tuổi, đảm bảo tài chính, thời gian sống và làm việc ở EU…
“Hậu quả sẽ là rất khó lường”, Chủ tịch West Ham Karren Brady cảnh báo trong một lá thư công khai gửi cho các CLB Premier League khác về Brexit. “Đánh mất quyền tiếp cận các tài năng bóng đá ở châu Âu sẽ khiến những CLB Anh rất bất lợi trước các đối thủ ở lục địa”. Báo The Guardian cảnh báo tình hình sẽ còn tệ hơn cho các đội hạng dưới, nơi các ngoại binh khó lòng đáp ứng được những tiêu chuẩn lao động ngặt nghèo, nhưng thường lại là các ngôi sao lớn của đội bóng.
Sẽ không ai có lợi?
Hơn thế, tư cách thành viên EU của Anh còn tạo điều kiện cho cả những cầu thủ vốn không phải công dân EU “lách luật” để chơi ở Premier League. Nhiều cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi có thể nhận quốc tịch TBN, Pháp hay Bỉ (dễ dàng hơn rất nhiều so với quốc tịch Anh) và sau đó chuyển sang chơi hợp pháp ở Premier League. Diego Costa, sinh ở Brazil, là một ví dụ rõ ràng. Và không chỉ có Nam Mỹ. Arsenal từng có Joel Campbell, sinh ở Costa Rica, và Carlos Vela (Mexico), vốn không đủ điều kiện nhận giấy phép lao động ở Anh, nhưng được mang cho mượn tại các CLB thuộc EU cho tới khi đủ điều kiện đá tại Premier League sau khi đã tích lũy đủ số trận tại ĐTQG. Brexit sẽ đặt dấu chấm hết cho những đường vòng đó.
Tư cách thành viên EU của Anh còn tạo điều kiện cho cả những cầu thủ vốn không phải công dân EU “lách luật” để chơi ở Premier League
Giải pháp hiện giờ là dàn xếp một thỏa thuận riêng Premier League-EU, dù điều này không hề dễ dàng. “Tôi không nghĩ rằng điều đó có thể khả thi trong tương lai gần (nếu Brexit xảy ra)”, Daniel Geey, chủ công ty luật và truyền thông thể thao Sheridans, nói. “Thương thảo về các quy định song phương cho cầu thủ không phải là điều đầu tiên chính quyền nghĩ tại sau Brexit. Trong bối cảnh hiện tại, cũng khó có thể có chuyện các CLB bóng đá thì được áp dụng luật riêng, còn các ngành nghề khác thì phải tuân theo luật chung”.
Nhưng cũng có những người thấy các điểm tích cực, như Brian Monteith, một người vận động cho Brexit là biên tập trang Leave.eu: “Tự do sang Anh đá bóng của các cầu thủ EU đã dẫn đến việc hạn chế những chữ ký tiềm năng từ châu Phi, Mỹ Caribe, Nam Mỹ và châu Á. Một khi chúng ta rời EU, Anh sẽ có thể đối xử với mọi cầu thủ nước ngoài bình đẳng như nhau, và điều này mở rộng diện tiếp cận các tài năng bóng đá của chúng ta, chứ không hề thu hẹp”.
Brexit cũng đã bộc lộ những khác biệt về lợi ích rõ ràng giữa FA và Premier League, theo lời Rory Miller, giảng viên khoa quản trị bóng đá ở Đại học Liverpool. “Lợi ích của FA, tương lai và sức mạnh của ĐT Anh”, Miller nói. “Và của Premier League, tăng khán giả và tối đa hóa tiền bản quyền truyền hình, không hề trùng khớp với nhau.
Viễn cảnh tồi tệ nhất với Premier League, không thể thu hút các ngôi sao nước ngoài và thất thế trong việc cạnh tranh với các đối thủ Đức và TBN, lại có thể là điều tốt cho FA, khi những tài năng bóng đá bản địa trên lý thuyết sẽ có nhiều cơ hội hơn”. Tuy nhiên, Miller cũng cảnh báo Brexit có thể dẫn tới “chủ nghĩa tự cô lập” làm giảm sút chất lượng bóng đá ở Premier League. Các CLB Nga, hiện đang bị áp hạn ngạch cầu thủ nội địa, là một minh chứng, khi ĐTQG của họ không những không mạnh lên, mà còn ngày càng già cỗi và khan hiếm tài năng.
Với Scudamore và các cộng sự, một thế giới càng toàn cầu hóa, càng tự do di chuyển, cả con người và tiền bạc, sẽ lại càng tốt cho Premier League. Những ông chủ ngoại thoải mái bỏ tiền vào giải đấu, các ngôi sao lớn nhất có thể cập bến nước Anh một cách dễ dàng và khán giả trên toàn thế giới chấp nhận chi tiền để được xem họ đá bóng là lý do chính giúp tiền bản quyền truyền hình cho Premier League ở Anh năm ngoái bán được tới 5,1 tỉ bảng, chưa kể những hợp đồng riêng lẻ khác khắp châu Âu.
Cuối cùng, cũng phải nói một chút về các CĐV. Người hâm mộ cả ở Anh và bên ngoài nước Anh đều có thể chịu thiệt thòi vì Brexit. Trong lá thư của bà, Karren Brady chỉ ra rằng CĐV Anh sẽ phải chi ra nhiều tiền hơn cho các trận sân khách ở châu Âu, khi thị trường hàng không không còn mở cửa thoáng như hiện giờ, và họ có thể cần thị thực mới tới được các nước ở châu Âu lục địa. Còn về phần khán giả bên ngoài nước Anh, chất lượng Premier League có thể không còn được như bây giờ.
Theo Thethaovanhoa.vn