Hành trình chinh phục EURO của thầy trò Antonio Conte lại bị thách thức. Bất chấp giành ngôi nhất bảng, Italia phải chạm trán ĐKVĐ Tây Ban Nha ngay ở vòng 1/8.
Nếu bóng đá được đong đếm bằng nỗi đau, chắc hẳn Italia là nhà vô địch của hai thập kỉ qua. Năm 2000, nước mắt Thiên thanh đọng lại trên từng ngọn cỏ Feyernoord Stadium sau “bàn thắng vàng” của David Trezeguet khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Đó là kỳ EURO cuối cùng áp dụng luật bàn thắng vàng, và Azzurri “may mắn” được lịch sử ghi tên khi là đội bóng cuối cùng đổ lệ vì bàn thắng oan nghiệt đó.
4 năm sau, Italia thủ hòa Đan Mạch và Thụy Điển với cùng tỉ số 1-1. Ở thời điểm đó, đội bóng của Giovanni Trapattoni chỉ cần Thụy Điển và Đan Mạch không hòa với tỉ số 2-2 là nghiễm nhiên có vé. Kết quả, trận derby Bắc Âu kết thúc với tỉ số vừa đủ cùng màn kịch hoàn hảo do 22 diễn viên trên sân thủ vai. Cả hai dắt tay nhau đi tiếp, bỏ lại Antonio Cassano khóc tức tưởi khi cả đội về nước dù chẳng thua trận nào.
Calciopoli, khủng hoảng kinh tế, phá sản, chuyển giao lực lượng hay muôn vàn khó khăn khác đã đánh những cú đòn chí mạng vào Italia. Rắc rối không chịu buông tha Azzurri dẫu có lúc, người ta tưởng Italia đã gượng dậy được. Tiếng thở hắt và cái nhìn buồn bã mà Andrea Pirlo “ném lại” trên đất Brazil là nỗi đau gần nhất của đội bóng vùng Địa Trung Hải.
Năm nay, câu chuyện màu Thiên thanh mang nhiều giai điệu tích cực hơn. 2 trận, 6 điểm, 3 bàn thắng và mành lưới sạch nguyên, Azzurri là đội đầu tiên thông hành qua bảng tử thần theo cái cách ít ai ngờ đến. Vừa đánh gục “một trời sao” của Bỉ, Italia hạ nốt đối thủ khó chịu Thụy Điển trong 90 phút đậm chất chiến thuật.
Không cần trận đấu với Cộng hòa Ireland, lá cờ Thiên thanh đã kiêu hãnh lấy một chỗ trong nhánh đấu ở vòng 1/8. Chỉ có điều, cái tên chạm trán với Italia lại là đối thủ họ e ngại nhất: Tây Ban Nha. Theo cách chia cặp của UEFA, cặp đấu Italia – Croatia đã lập trình từ trước. Nếu có trách, hãy tiếc nuối quả penalty quá hiền của Sergio Ramos cùng phút trùng xuống bất ngờ của Bò tót để Croatia vùng lên.
Tiếc rằng, Gianluigi Buffon cùng các đồng đội đang ở trên nước Pháp với câu nói nổi tiếng: “Chỉ với chữ nếu, bạn có thể cho cả Paris vào trong chai”. Núi cao chồng chất núi cao, nếu vượt qua Tây Ban Nha, Italia có thể gặp Đức ở vòng kế tiếp, rồi chạm chán với chủ nhà Pháp nếu lọt vào bán kết. Từ giờ đến khi kết thúc EURO, bữa ăn của các tifosi sẽ thật nghẹn đắng: họ chẳng có nổi 1 giây dễ thở khi bước vào giai đoạn knock – out.
Người ta liệt kê Đức, Tây Ban Nha, Pháp vào hàng ngũ ứng cử viên vô địch, gọi tên Croatia, Ba Lan cho danh sách hiện tượng. Vậy Italia – đương kim Á quân EURO là gì? Italia lại bị lãng quên bởi lực lượng khiêm tốn mà Antonio Conte mang đến đất Pháp. Mà cũng phải, hiếm khi nào Italia được lòng dư luận mà năm nay không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, bao nhiêu lần chạm trán khó khăn, là bấy nhiên lần Azzurri trở lại ngoạn mục. Italia lên đỉnh thế giới năm 2006 sau khi “hố đen” Calciopoli chôn vùi quá nửa thế hệ vàng. Năm 2012, thầy trò Cesare Prandelli lọt vào chung kết EURO sau thất bại bẽ bàng ở World Cup 2010 cùng Marcelo Lippi. Đất nước hình chiếc ủng không còn sản sinh ra thế hệ tài năng trong vài năm gần đây, Italia cũng lỡ hẹn với danh hiệu trong 10 năm qua. Vậy mà Italia vẫn là đối thủ rất khó bị đánh bại.
Bởi “rũ bùn đứng dậy” đã trở thành phẩm chất sống còn mà mỗi tuyển thủ Italia bắt buộc phải có. Italia không khi nào bình yên, dẫu biệt danh của họ là Azzurri, màu áo của họ là màu xanh da trời thanh tú, êm ả. Luôn có sóng gió, luôn có ồn ã trong lòng các cựu vô địch thế giới. Không thể đòi hỏi Italia phải “bất khả chiến bại” như những chiến binh huyền thoại ở đấu trường La Mã (Colosseum). Từ Buffon, Chiellini, Bonucci, Barzagli hay De Rossi, Candreva, tất cả đều rất đời, rất người.
Không hoa mỹ, cầu kỳ, cũng không phải những ngôi sao trẻ trung chói sáng. Ở đó, Italia dung dị, mộc mạc ngay cả khi thất bại. Kelly Clarkson từng có câu hát nổi tiếng “What doesn’t kill you make you stronger” (thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn). Sau bao cú vấp, Italia vẫn sống đầy kiêu hãnh. Chính những khó khăn đó sẽ nâng bước Azzurri trên chặng đường còn lại. Khác biệt ở chỗ, họ biết biến đau thương thành động lực.
“Tấm huy chương bạc Champions League ư? Tôi không nhớ, hình như tôi đem đi cho rồi” – Leonardo Bonucci trả lời tỉnh bơ khi được hỏi về ngôi vị Á quân Champions League 2014/2015 cùng Juventus. Với trung vệ 29 tuổi, á quân không phải một chiến tích, nếu không vô địch, tất cả đều là vô nghĩa. Mà muốn vô địch thì gặp đối thủ nào cũng phải vượt qua, dù mai là Tây Ban Nha, ngày kia là Đức còn ngày kìa là Pháp đi nữa. Vô địch hoặc không có gì cả, muốn vô địch thì phải chấp nhận.
Italia có nhiều điểm tựa. Hàng thủ vững chắc với những cái tên nhìn mặt nhau còn nhiều hơn nhìn mặt… bạn gái, hàng tiền vệ tuân thủ chiến thuật cùng những tiền đạo thay nhau tỏa sáng. 180 phút trước Bỉ và Thụy Điển đủ khiến gương mặt lạnh như băng của Conte giãn ra đôi chút. Nên nhớ, ông thầy người Italia từng sỉ nhục cả đội trong giờ nghỉ dù khi đó họ đang thắng. Để khiến Conte (cùng các tifosi) hài lòng, các cầu thủ phải đổ mồ hôi nhiều hơn.
Không xa cho chuyến đi từ Rome đến Paris, song phải rời Pháp chỉ sau gần 2 tuần là kết cục chẳng dễ chịu mấy, nhất là khi EURO mới qua ngót nửa chặng đường. Hơn lúc nào hết, Italia cần bị “sỉ nhục” và “coi thường” để có thêm động lực, thay vì những lời khen sau chiến thắng trước Bỉ. Một hình ảnh rất đặc sắc: Buffon bị ngã bởi pha ăn mừng leo xà quen thuộc của mình. Cú ngã không quá đau, nhưng đủ để Italia tỉnh giấc. Để chinh phục EURO, chiến thắng đó chỉ là bước đi rất nhỏ.
Để vượt qua Tây Ban Nha, Italia cần những bước đi lớn, nhưng bước đi lớn nào cũng phải từ bước đi nhỏ. Quá quen với khó khăn, thầy trò Conte đang từng bước tiến lên để sẵn sàng thắp lửa từ đống tro tàn thêm lần nữa. Azzurri phải chiến đấu để được quyền khóc, song đó không phải những giọt nước mắt mang màu tức tưởi như Cassano đã từng.
Theo bongdaplus