Thành công của Leicester City ở Premier League là nguồn cổ vũ lớn lao cho những đội bóng cửa dưới vùng lên ở EURO 2016. Thực tế, ở vòng bảng, có không ít “kẻ thấp cổ bé họng” tạo nên cú sốc lớn. Hãy cùng đi tìm những “ngựa ô” ở EURO 2016.
Tới nay, vẫn xuất hiện khá nhiều tranh cãi liên quan tới việc UEFA chọn cả đội thứ 3 xuất sắc lọt vào vòng trong ở EURO 2016. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng tất cả có quyền phủ nhận sự xuất sắc của một vài đội bóng “thấp cổ bé họng” ở giải đấu này.
Như Rio Ferdinand đã nói: “Chiến công của Leicester City là nguồn cổ vũ lớn lao cho những đội bóng yếu vùng lên.” Câu chuyện cổ tích của “Bầy cáo” ở Premier League mùa giải vừa qua là minh chứng cho thấy mọi người có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh trình độ các đội bóng đã xích lại gần nhau hơn.
Để ý thấy, ở vòng bảng, ít nhất 3 lần, Gareth Bale “khiêu chiến” người Anh. Trong đó có cả việc cầu thủ này tuyên bố không có cầu thủ Anh nào đủ sức khoác áo của xứ Wales. Động thái ấy tựa như cái chuyển mình của lịch sử.
Trong quá khứ, xứ Wales chỉ được xem là “chú lùn” bên cạnh “người khổng lồ” Anh. Thế nhưng, họ đã dẫn đầu bảng đấu của Tam Sư. Đó thực sự là sự “sỉ nhục” với đoàn quân của HLV Roy Hodgson. Và rồi, Gareth Bale lại cất tiếng: “Việc xếp trên đội tuyển Anh mang tới ý nghĩa tinh thần lớn với chúng tôi.”
Thực tế, xứ Wales đã cho thấy được sự khó chịu của mình. Họ sở hữu lối chơi phản công cực kỳ hiệu quả (hãy nhìn trận đấu với Nga, Slovakia) với tốc độ của Gareth Bale. Tất nhiên, xứ Wales vẫn phụ thuộc lớn với tiền vệ của Real Madrid nhưng họ luôn tìm được giải pháp khác trong bối cảnh Gareth Bale bị “chăm sóc” kỹ càng. Bằng chứng, trong 6 bàn thắng của xứ Wales ở vòng bảng, có 3 bàn được ghi do công của Robson-Kanu (tiền đạo), Ramsey (tiền vệ), Taylor (hậu vệ).
Việc rơi vào nhánh đấu quá dễ dàng càng tạo điều kiện cho xứ Wales có thể nối dài câu chuyện cổ tích của mình. Trong đó, Gareth Bale đương nhiên sẽ là lá cờ đầu.
Ngoài xứ Wales, Hungary cũng là đội bóng đáng chú ý khác. Họ bước vào EURO 2016 với tư cách là đội bóng yếu nhất giải (tỷ lệ cược 250/1). Thế nhưng, đội tuyển với quá nhiều ngôi sao lạ lẫm của HLV Storck lại đưa khán giả từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Hungary tương đối mạnh ở khâu phòng ngự nhưng điều đáng nói, những pha lên bóng của đội tuyển này rất có nét. Lối chơi bật nhả vô cùng ấn tượng, điều người ta chỉ thấy ở những CLB. Cầu thủ Dzsudzsák (mặc dù không còn chơi bóng ở châu Âu) vẫn là “trái tim” trong lối chơi của Hungary với những pha điều bóng vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó, Dzsudzsák bùng nổ với 2 bàn thắng ở vòng bảng (cùng vào lưới Bồ Đào Nha).
Việc Hungary dẫn đầu bảng đấu của Bồ Đào Nha (ứng cử viên vô địch), Áo (đội bóng nhận định sẽ gây bất ngờ nhất) là điều không thể xem thường. Do đó, đội tuyển Bỉ cần phải đặc biệt cẩn trọng ở trận đấu vòng 1/8 tới.
Iceland cũng là cái tên đáng chú ý. Nhìn chung, lối chơi của Iceland đơn giản, dễ đoán. Họ chủ yếu tập trung số đông trước khung thành và lợi dụng những tình huống phản công hoặc bóng chết để trừng phạt đối thủ. Tất cả các bàn thắng của Iceland ở vòng bảng đều tới theo kịch bản này.
Nhưng vấn đề ở chỗ, ngay cả khi biết, nhiều đối thủ cũng chẳng làm gì được Iceland. Thậm chí, C.Ronaldo từng nổi nóng với những tuyên bố “mất kiểm soát” khi nói về lối chơi thực dụng của đội bóng Băng đảo. Lối chơi của Iceland khiến nhiều người nghĩ về Hy Lạp ở EURO 2004.
Ở tầm thấp hơn là Bắc Ailen. Thế nhưng, khả năng Bắc Ailen gây bất ngờ không cao bởi họ gần như… không biết tấn công. Có lẽ, người ta chỉ thực sự chú ý hơn về Bắc Ailen nếu như họ vượt qua được xứ Wales ở vòng 1/8.
Theo Tinthethao.com.vn