Khoảng cách ngày càng thu hẹp
Việc UEFA nâng tổng số đội tham dự lên 24 đã mang lại cơ hội tham dự giải đấu lớn cho nhiều đội bóng “thấp cổ bé họng” ở lục địa già. Nhiều quốc gia lớn như Anh, Italia, Đức, Pháp hay Tây Ban Nha đã phản đối ý tưởng này vì cho rằng vòng bảng EURO 2016 sẽ thiếu tính hấp dẫn vì khoảng cách giữa các đội bóng là rất lớn.
Cả 4 đội bóng lần đầu dự EURO đều giành vé vào vòng 1/8
Thực tế, vòng bảng đã diễn ra theo chiều ngược lại, không hề có khoảng cách quá lớn giữa các đội bóng. Tỷ số chênh lệch nhất chỉ là 3 bàn và cũng chỉ có 2 trận đấu xảy ra kết quả ấy (Nga – Xứ Wales và Tây Ban Nha – Thổ Nhĩ Kỳ). Lý do dĩ nhiên nằm ở việc UEFA trao cơ hội dự vòng 1/8 cho 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất. Chính yếu tố này đã khiến các đội bóng nhỏ chú tâm tới phòng ngự hơn là tấn công và ghi bàn. Bởi vậy, cả vòng bảng chỉ xuất hiện 69 bàn thắng (trung bình 1,92 bàn/trận). Đây là con số thấp nhất kể từ VCK EURO 1992.
Có 1 điều mà người ta không thể phủ nhận là khoảng cách giữa các đội bóng lớn và nhỏ ở EURO ngày một thu hẹp. Vậy mới có chuyện Pháp phải nhọc nhằn hạ Romania và Albania, Đức chỉ thắng Bắc Ailen với tỷ số tối thiểu, Bồ phải đi tiếp với tư cách đội hạng 3, Anh chỉ xếp thứ 2 ở vòng bảng và Croatia hạ Tây Ban Nha…
Điều bất ngờ nhất là 4 đội bóng lần đầu tiên dự EURO bao gồm Slovakia, xứ Wales, Bắc Ailen, Iceland đều giành vé đi tiếp. Trong khi đó, những đội bóng nhận được sự kì vọng như Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Ukraine, Áo… phải sớm chia tay giải.
Nếu coi đó là những cơn địa chấn thì người ta có vẻ đã xem thường những đội bóng lần đầu dự EURO. Thực tế, cả Slovakia, xứ Wales, Iceland đều đã có màn trình diễn ấn tượng ở vòng bảng. Họ đã để lại nhiều dấu ấn với triết lý phòng ngự – phản công và đó được xem là chìa khóa quan trọng để bù đắp cho những khoảng cách lớn về dẳng cấp và lực lượng với các ông lớn của bóng đá châu Âu.
Kẻ dưới lên tiếng?
Ngoài 2 cặp đấu là Thụy Sĩ – Ba Lan và Croatia – Bồ Đào Nha được đánh giá đồng cân đồng lạng, các cặp đấu còn lại của vòng 1/8 đều có sự khác biệt không nhỏ về đẳng cấp và chất lượng đội hình, kể cả màn tái chiến giữa Italia và Tây Ban Nha.
Nhưng như đã đề cập ở trên, đây là kì EURO mà khoảng cách chênh lệch giữa các đội bóng đã được thu hẹp đáng kể. Việc Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp, Bỉ được đánh giá cao trước các đối thủ của mình có chăng chỉ là nhờ yếu tố nhân lực và ngôi sao mà thôi. Nhưng có một yếu tố sẽ ảnh hưởng lớn tới các trận đấu là chiến thuật.
Không thể xem thường những đội bóng như Hungary
Cứ cho rằng ĐT Anh đã may mắn vì không phải đụng Bồ Đào Nha ở vòng 1/8. Nhưng ai dám khẳng định Iceland là đối thủ dễ chơi hơn khi mà họ từng loại Hà Lan ở vòng loại và có 3 trận đấu rất ấn tượng ở vòng đấu bảng. Triết lý phòng ngự – phản công của đội bóng băng đảo sẽ khiến người Anh phải thận trọng hơn rất nhiều nếu không muốn ra về sớm, nhất là khi lối chơi của Tam sư chưa cho thấy sự hiệu quả trên đất Pháp.
Tương tự, Italia cũng nhận được sự tin tưởng của NHM nước nhà với hàng thủ vững chắc ở vòng đấu bảng. Họ từng hạ Bỉ 2-0 nhờ triết lý phòng ngự – phản công hiệu quả thì hoàn toàn có thể đòi lại món nợ trước người Tây Ban Nha, đội bóng đã đè bẹp họ với tỷ số 4-0 ở trận chung kết 4 năm trước.
Cặp đấu giữa Đức – Slovakia cũng có sự chênh lệch đáng kể về đẳng cấp. Nhưng Slovakia không dễ bị khuất phục. Hungary cũng là 1 ẩn số thú vị ở EURO 2016 nên Bỉ có thể sẽ phải trả giá nếu cho rằng mình may mắn vì xếp thứ 2 bảng E.
Cùng chung triết lý phòng ngự – phản công với Italia, Iceland, Slovakia, Hungary còn có Bắc Ailen và CH Ailen. Đây đều là những thách thức lớn với hàng công của xứ Wales và chủ nhà Pháp.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng tính bất ngờ ở các vòng knock-out sẽ lớn hơn khi các trận đấu chỉ diễn ra trong 90 phút, thậm chí 120 phút và trên loạt đấu súng. Bất cứ sai lầm nào cũng có thể phải trả giá.
Trong lần đầu tiên tham dự EURO, xứ Wales, Iceland, Bắc Ailen và Slovakia đều thể hiện được tham vọng, khát khao và thực lực của mình. Sự thoải mái về tinh thần sẽ là thứ vũ khí đáng sợ của họ.
Theo bongdaso.com