Giả sử M.U vô địch Premier League mùa tới, thiên hạ sẽ chấm dứt đàm tiếu về số tiền kỷ lục 100 triệu bảng mà đội bóng của Jose Mourinho bỏ ra để có Paul Pogba? Không chắc, mà cũng… không cần.
M.U cần vô địch Premier League, và nếu chưa thể vô địch (vì đấy là chuyện bóng đá thuần túy), thì chí ít họ cũng phải bảo đảm chỗ đứng trong Top 4 để trở lại Champions League. Đấy mới là chuyện thiết thực. Ngược lại, M.U đâu có được gì nếu báo giới phân tích và chỉ ra rằng 100 triệu bảng cho Pogba là đúng giá!
Giả sử vô địch, M.U thậm chí chẳng phải mất công bàn lại xem giá mua Pogba là đắt hay rẻ. Bởi khi ấy, họ đã có thể chỉ vào Zlatan Ibrahimovic để trả lời những ai cứ cố bàn luận về giá chuyển nhượng. Ibrahimovic đến Old Trafford trong tư cách cầu thủ tự do, nghĩa là M.U chẳng hề tốn phí chuyển nhượng. Nếu suy diễn từ cái giá chuyển nhượng “bằng 0” của Ibrahimovic để cho rằng cầu thủ này không còn chút giá trị nào là sự ngớ ngẩn, thì sao thiên hạ cứ phải tranh luận xem giá trị của Pogba có đến mức 100 triệu bảng hay chưa?
Mà với Ibrahimovic, M.U có thể vô địch chứ chẳng chơi!
Đừng quá bận tâm với cái tuổi 34 (sắp bước sang 35) của lão tướng người Thụy Điển. Thực tế chứng minh Ibrahimovic hãy còn rất khỏe. Vả lại, chẳng ai bảo cứ phải khỏe, nhanh, mạnh thì mới thành công trong môn bóng đá. Ở tuổi 42, Roger Milla còn ghi bàn trên sân cỏ World Cup. Xem bàn thắng đẹp mà Ibrahimovic ghi được chỉ 4 phút sau khi xuất hiện lần đầu tiên trong màu áo M.U, người ta đành phải thừa nhận: anh vẫn còn khả năng thi đấu đỉnh cao. Thế là đủ!
Từ khi chia tay CLB quê hương Malmo ở tuổi 19, Ibrahimovic bắt đầu một sự nghiệp “viễn chinh” thật đáng nể. Trong 15 mùa bóng, anh lấy đến 13 danh hiệu VĐQG, ở 6 CLB thuộc 4 giải đấu khác nhau.
Phải chăng đấy là vì Ibrahimovic quá “khôn”, chỉ đầu quân vào các đội cực mạnh (Ajax, Juventus, Inter, Barcelona, Milan, PSG) nên dễ có danh hiệu vô địch? Một mặt, vô địch 13 lần trong 15 mùa bóng là điều chẳng có siêu CLB nào đảm bảo được. Mặt khác, đóng góp của Ibrahimovic cho CLB cũng quan trọng không kém phần hưởng lợi của bản thân anh. Trong 13 mùa bóng vô địch, có đến 12 mùa Ibrahimovic là chân sút số 1 ở CLB anh đầu quân.
Hồi mới đến PSG, Ibrahimovic tỏ ra “suy sụp” vì sân tập hơi nhỏ, lại không có căng tin. Đến khi PSG nâng cấp sân tập và tổ chức hẳn bữa ăn trưa cho các cầu thủ thì Ibrahimovic lại than phiền đồ ăn… không ngon (dẫn đến kết quả đội bóng phải thay đầu bếp). Trên sân, Ibrahimovic từng mắng đồng đội… đá thua cả con trai anh!
Khó mà thống kê cho hết những chuyện như thế, từ trong ra ngoài sân cỏ. Người ta biết thêm về “căn bệnh ngôi sao” trầm kha của hảo thủ dễ ghét này? Có thể như vậy, nhưng nói chung cũng tùy quan điểm. Ibrahimovic giống Mourinho ở chỗ người ta có thể rất ghét hoặc rất thích anh, chứ ít ai “đứng giữa”. Những người bênh vực Ibrahimovic sẵn sàng giải thích: chẳng qua vì anh thuộc mẫu người luôn cầu toàn và luôn có khát vọng chiến thắng thật cao. Ghét Ibrahimovic chỗ nào cũng được, chứ rất khó ghét Ibrahimovic khi anh chơi bóng.
Một mặt, M.U có vẻ đang thiếu mẫu ngôi sao luôn khao khát chiến thắng như Ibrahimovic. Gọi anh là nô lệ của ánh hào quang cũng được, nhưng anh cứ phải thắng. Đến đây, lại có lập luận khác, cũng đáng lưu ý. Chính vì Ibrahimovic thuộc mẫu “nô lệ của chiến thắng”, nên chẳng bao giờ anh chọn các đội không có khả năng lên ngôi. Bản thân Ibrahimovic cũng đã tính kỹ cho mình trước khi quyết định gia nhập M.U. Từ đó suy ra…?