Ngày 3/12, UBND TP Hội An (Quảng Nam) đối thoại với gần 200 chủ nhân di tích để lắng nghe ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND TP Hội An cho rằng sinh khí của phố cổ chính là nếp sống của người dân Hội An. "Vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn di sản là chính chủ nhân của những di tích, những người đang sống trong chính những quần thể kiến trúc. Nếu không tỉnh táo nhìn nhận, vun trồng thêm nhiều giá trị mới thì không biết di sản sẽ đi về đâu", ông Sự nói.
Nhiều nhà cổ Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Ảnh. Tiến Hùng. |
Trong cuộc khảo sát thực tế mới đây, nhà chức trách cho biết có 61 di tích trong khu phố cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, có dấu hiệu nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của người dân. Trong năm 2015, thành phố đã hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 49 di tích, ngoài ra còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ. Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng đang triển khai chống đỡ cho 8 di tích và lập dự án chống mối cho 31 ngôi nhà.
"Bảo tồn di tích, thì không chỉ là việc của Nhà nước, nhà quản lý, mà phải xác định là việc của mỗi người dân, không riêng người dân phố cổ. Từ lâu, người dân Hội An đã ý thức và quý trọng giá trị phố cổ", ông Phan Xuân Nhẫn, một chủ nhân nhà cổ nói. Theo ông, đã đến lúc phải giáo dục ý thức của du khách khi đến tham quan phố cổ. Mỗi du khách phải hiểu rằng không chỉ tham quan đơn thuần mà có ý thức góp sức vào bảo tồn không gian phố cổ.
Phần lớn thời gian buổi đối thoại, những chủ di tích bày tỏ bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường trong những năm qua. "Vấn nạn ô nhiễm ở Chùa Cầu bây giờ là một việc bức bách nhất của Hội An. Mùi hôi thối đang dần đuổi hết du khách", một chủ nhân trong khu phố cổ nói.
Ô nhiễm ở Chùa Cầu đang trở thành vấn nạn vài năm trở lại đây, dòng kênh dưới chân cầu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ảnh. Tiến Hùng. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay Chính phủ vừa ký một thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí lên đến 223 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được triển khai vào năm 2016 và đưa vào sử dụng năm 2017. Không chỉ ô nhiễm, việc tu bổ Chùa Cầu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khi di tích này đang ngày càng có dấu hiệu hư hại, thậm chí có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Kết thúc buổi tối thoại, Chủ tịch thành phố Hội An một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của gần 200 chủ nhân di tích. "Những ý kiến đóng góp đều rất quý, giúp chính quyền có cơ sở trong các chính sách bảo tồn di sản. Hội An sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để người dân cùng chung tay bảo vệ di sản", ông Dũng nói.
Cả trăm du khách chen chân trên Chùa Câu, di tich này hư hỏng rất nặng nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp trùng tu. Ảnh. Tiến Hùng. |
Chùa Cầu được xây dựng cách đây 400 năm, bởi các loại vật liệu chính là đá ở phần hạ bộ, vôi vữa ở phần tường và phần thân cầu được làm bằng gỗ. Trải qua hàng trăm tồn tại, nhiều cấu kiện gỗ tại các vị trí khác nhau trên chùa đã bị hư hỏng nặng. Các vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột xuất hiện nhiều chỗ mục ruỗng. Nhiều xà gỗ bị nứt nẻ, cong vênh khiến chúng không thể khớp nối nhau. Nghiêm trọng nhất, do sàn chùa làm bằng ván, thường xuyên tiếp xúc với giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu còn xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa....
Tiến Hùng