Từ 23 đến 30/11, Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức đợt khảo sát, tìm kiếm ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, phát hiện 23 hang động mới. Trong đó có 18 hang động được đánh giá có giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ. Ảnh trên là một hang động mới được phát hiện.
Cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long và chuyên gia khảo sát một hang động mới tại khu vực Tùng Sâu, đảo Bồ Hòn.
Măng nhũ đá trong một hang mới phát hiện tại sườn Đông Bắc đảo Bồ Hòn.
Tại đây có những cột đá nhỏ với hình dáng đa dạng.
Măng nhũ đá với các tinh thể canxit tinh khiết trong hang động mới phát hiện tại khu vực đảo Cống Đầm.
Hang đá ở khu vực đảo Cống Đầm.
Các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang khảo sát, đo vẽ sơ bộ tại một hang mới thuộc khu vực vụng Cặp Dè.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, số hang động mới phát hiện này sẽ bổ sung cơ sở dữ liệu và nguồn tài nguyên du lịch để Ban quản lý vịnh Hạ Long thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
"Thời gian tới, Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ công bố cụ thể giá trị, tọa độ của các hang động mới phát hiện sau khi nghiên cứu, đo vẽ chi tiết và chính thức đề xuất với cơ quan chức năng xem hang động nào cần được bảo tồn để nghiên cứu khoa học, hang nào đưa vào khai thác du lịch", bà Dương nói.
Nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây vịnh Bắc Bộ, vịnh Hạ Long bao gồm vùng biển của TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn với đường bờ biển dài 120 km, Vịnh có tổng diện tích 1.553 km2 gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Ảnh: Quý Đoàn
Minh Cương
Ảnh: Ban quản lý vịnh Hạ Long