Hình ảnh dàn xe đón dâu gồm 8 chiếc ô tô khác nhau trong một đám cưới tại Hà Nội vào năm 1952 đã gây xôn xao trên mạng trong vài ngày trở lại đây.
Cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và đám cưới toàn xe “khủng” cách đây 63 năm
Gia đình hai bên trong đám cưới hoành tráng tại Hà Nội vào năm 1952.
Vào năm 1952, tại Hà Nội đã diễn ra một đám cưới được cho là hoành tráng nhất thời bấy giờ. Chú rể là một thiếu gia sở hữu tiệm may Adam, sau đổi tên thành Á Đông, chuyên may thời trang cho người Tây vào thời đó. Cô dâu là một thiên kim tiểu thư của gia đình chuyên kinh doanh vận tải tại Hà Nội.
Chú rể lịch lãm trong bộ vest cùng cô dâu phảng phất chút buồn trong ngày cưới.
Vào thời bấy giờ, câu chuyện hôn nhân kiểu “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là điều hết sức bình thường. Thế nên, cô dâu Nguyễn Thị An đã có một lễ cưới theo lời cha mẹ đôi bên mà không có tình cảm gì với chú rể Nguyễn Đức Chiểu.
Cô dâu, nay là cụ bà Nguyễn Thị An đã 84 tuổi, chuẩn bị bước lên xe hoa.
Dù vậy, vị thiếu gia lại trọn lòng yêu thương cô tiểu thư Nguyễn Thị An và đã tổ chức một lễ đón dâu xứng tầm cho cả 2 gia đình đồng thời thể hiện tình cảm chân thành của mình. Nhờ đó,người dân Hà Nội thời bấy giờ mới được chứng kiến một đám cưới “có một không hai” với dàn xe gồm 8 chiếc ô tô trong lễ đón dâu.
Mặc dù là cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt nhưng sau nhiều năm chung sống, cô dâu Nguyễn Thị An, nay là cụ bà 84 tuổi, đã chia sẻ: “Bà đã yêu ông Chiểu cho đến tận bây giờ vì sau lễ cưới bà cảm nhận được tấm lòng chân thành cùng tình cảm của ông dành cho bà.” Rất tiếc, ông Chiểu đã mất cách đây 30 năm và chỉ còn một mình bà An sống tại căn nhà cổ trên phố Tràng Tiền cùng các con cháu của mình.
Đám cưới thu hút rất nhiều người đến xem.
Peugeot 203 – “chứng nhân” cho tình yêu 63 năm
Khi được hỏi về dàn xe trong đám cưới, cụ bà Nguyễn Thị An cho biết: “Thời đó, bà cũng không để ý đến những chiếc xe nên đến giờ bà cũng không nhớ đó là xe gì và đi như thế nào.” Qua những hình ảnh mà gia đình bà An cung cấp, một người chơi xe cổ tại Hà Nội cho rằng 8 chiếc ô tô trong ngày đón dâu có thể mang nhãn hiệu Peugeot 203.
Dàn xe được cho là Peugeot 203 trong lễ đón dâu năm 1952.
Điều này khá hợp lý bởi nếu lật lại lịch sự ngành công nghiệp ô tô thế giới thì Peugeot 203 từng được hãng xe Pháp mang ra giới thiệu tại triển lãm ô tô vào năm 1947. Việc sản xuất Peugeot 203 gặp nhiều khó khăn do những cuộc đình công và thiếu nguyên vật liệu. Cuối cùng, những chiếc Peugeot 203 vẫn đến tay khách hàng vào đầu năm 1949. Đây cũng là là mẫu xe đầu tiên của mô hình mới đưa ra sau Thế chiến II.
Trong 12 năm, hãng xe Peugeot đã sản xuất được gần 700.000 xe gắn mác 203 tại nhà máy ở Sochaux, Pháp. Rất có thể trong giai đoạn này, một số chiếc xe Peugeot 203 đã đến Việt Nam cùng những nhà quý tộc phương Tây.
Đoàn xe trên phố Tràng Tiền ngày xưa.
Ngoài ra, 203 còn là mẫu xe sử dụng thân liền khối đầu tiên của Peugeot. Xe được trang bị động cơ 4 xi-lanh, dung tích 1.290 phân khối và hộp số sàn 4 cấp. Vào thời điểm xuất hiện, Peugeot 203 có công suất tối đa 41 mã lực. Đến năm 1952, công suất động cơ được tăng lên thành 44 mã lực. Theo Peugeot, xe có tốc độ tối đa từ 115 đến 120 km/h và thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h là 20 giây.
Ngày nay, việc tìm thấy một chiếc Peugeot 203 tại Việt Nam là khá khó khăn bởi số lượng hạn chế và thường được những người yêu xe sưu tập về làm của riêng.