Sau trận thua Stoke City 0-2, thất bại thứ 4 liên tiếp của Man United, Louis van Gaal nói rằng ông có thể từ chức. “Tôi rất cần sự ủng hộ công khai của BLĐ, nhưng phải là sự ủng hộ thật tâm chứ không phải nói ra cho có”, ông nói thêm.
CEO Ed Woodward (trái) đang xử lý rất khéo vụ Van Gaal
1. Ông cũng tiết lộ rằng chưa có một thông điệp nào cho thấy BLĐ Man United vẫn ủng hộ ông cả. Và ông chốt lại: “Tôi có thể từ chức, nhưng tôi sẽ nói trực tiếp với Ed Woodward chứ không phải với các bạn bởi lẽ điều đó không phải cách làm đúng trong thế giới bóng đá”.
Nhiều người chê Ed Woodward khi cho rằng ông không hiểu gì về bóng đá và thứ ông mang lại duy nhất cho Man United chỉ là lợi nhuận. Đúng, nhưng dường như ở trường hợp Van Gaal, Ed Woodward đang xử lý khủng hoảng rất khôn khéo.
Hãy nhìn vào những gì xảy ra ở Chelsea, với Mourinho. Chelsea biết sức chịu đựng của họ với HLV người Bồ Đào Nha đã tới hạn. Nhưng họ vẫn không hề có một động thái nào cần thiết để Mourinho tự cảm thấy điểm tới hạn đó. Thay vào đó, họ để rò rỉ thông tin ra ngoài về những mâu thuẫn nội bộ; về sự bất lực của Mourinho trong phòng thay đồ. Họ tạo ra câu chuyện cho mọi người nhìn thấy rõ hơn cái lỗi của Mourinho. Nhưng kết cục là gì? Họ nhận được một thái độ cứng rắn của HLV người Bồ Đào Nha. Ông thà bị sa thải chứ không từ chức.
Và cuộc khủng hoảng ở Stamford Bridge đã kéo rất dài, dẫn đến hệ lụy Chelsea phải trả món bồi thường 12 triệu bảng và không thể buộc vào điều khoản 2 năm Mourinho không được làm huấn luyện ở bất kỳ CLB nào ở Premier League. Trong phi vụ đó, Chelsea đã thua trắng.
2. Còn ở Man United thì khác hẳn. Không một thông tin bất lợi nào rò rỉ ra ngoài cả và tất cả đều nhìn vào những gì diễn ra với con mắt thiếu thiện cảm đối với năng lực của Van Gaal. Chính những cái nhìn từ cộng đồng ấy đã khiến Van Gaal rơi vào thế khó xử. Ông buộc phải bảo vệ chính danh dự của mình khi cảm thấy mình không thể hoàn thành sứ mệnh của một giá trị văn hóa (chứ không chỉ một CLB) đã giao phó. Và khi nhận thức được mình không thể hoàn thành nhiệm vụ, tâm nguyện mà nhiều người gửi gắm, từ chức là giải pháp có văn hóa nhất, đáng được tôn trọng nhất.
Để Van Gaal phải ý thức được chuyện ấy, Ed Woodward quá khôn khéo khi thậm chí đã có những tiếp xúc sơ bộ với Mourinho, điều đã khiến truyền thông dấy lên ngờ vực về khả năng thay ngựa giữa dòng của đội bóng. Đó chính là cái khác biệt lớn giữa Man United và Chelsea, sự khác biệt không thể được san lấp bằng tiền.
Tất nhiên, chúng ta còn phải xét đến hành xử của HLV. Mourinho khác Van Gaal khi ông là một người quyết liệt, thích chiến đấu, thích đối đầu tới cùng. Song, giả sử như ở Chelsea những người giúp việc cho Roman Abramovich có cách xử trí khôn ngoan hơn, câu chuyện của đội bóng đã không bị đẩy xa đến thế.
3. Và ở thời điểm này, điều Chelsea mong mỏi nhất chính là việc Van Gaal sẽ từ chức và Man United sẽ ký hợp đồng với Mourinho ngay lập tức. Đơn giản, cơ sở bồi thường của Chelsea với Mourinho là tiếp tục trả lương cho tới khi ông nhận được việc làm, thời hạn trả lương tối đa là 40 tuần. Mourinho nhận việc càng sớm, thiệt hại tài chính của Chelsea càng giảm. Thêm nữa, việc Mourinho nhận việc ở Man United có thể làm giảm sự yêu mến, vương vấn của lực lượng CĐV Chelsea với người HLV huyền thoại của mình.
Xem ra, hệ lụy của vụ sa thải Mourinho vẫn còn đang ám ảnh Chelsea. Và điều đó cũng là một khác biệt nữa giữa họ với Man United. Ở Man United, chưa HLV nào ra đi mà để lại hệ lụy sâu sắc đến thế bao giờ.
Theo Thethaovanhoa.vn