Chiều 1/12, tại buổi họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc di dời trung tâm hành chính huyện Nam Giang từ Bến Giằng về lại thị trấn Thạnh Mỹ nhằm mục đích đầu tư phát triển lâu dài, theo lộ trình và tránh lãng phí.
Về việc trong vòng 30 năm nhưng huyện này di dời trung tâm hành chính đến 3 lần trong khi địa phương này đang còn khó khăn, ông Alăng Mai, Chủ tịch huyện Nam Giang không dám phán xét những lần dời trụ sở trước là sai hay đúng. “Đó là vấn đề của lịch sử, chúng tôi không dám bình luận quyết định của các thế hệ lãnh đạo trước”, vị này nói.
Chủ tịch Nam Giang khẳng định sẽ không để các tòa nhà phải bỏ hoang sau khi di dời. Ảnh. Tiến Hùng. |
Tuy nhiên, vị chủ tịch huyện cho rằng, sau thời gian đặt trụ sở ở Bến Giằng, địa phương gặp nhiều bất lợi do hạn chế về quỹ đất, cơ sở hạ tầng thiếu hụt, không có dịch vụ hỗ trợ, khu vực trung tâm dân cư thưa thớt chỉ có hơn 1.000 dân xã Cà Dy… “Cán bộ và nhân dân gặp khó khăn trong công tác, sinh hoạt. Vì vậy, từ năm 2010 huyện tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ hưu trí, cán bộ chủ chốt và nhận được sự đồng thuận cao với trên 90%”, ông Mai chia sẻ.
Theo ông Mai, tỉnh Quảng Nam đã đồng ý về chủ trương phân bổ kinh phí 100 tỷ đồng, cấp trong vòng 5 năm để xây mới 3 trụ sở chính là ủy ban, huyện ủy và UBMTTQ cùng hệ thống giao thông. “Riêng các trụ sở cũ tại Bến Giằng không được đập bỏ mà chuyển mục đích sử dụng, làm trường học, phục vụ xã nông thôn mới”, ông Mai khẳng định sẽ không để lãng phí sau khi di dời.
Ngoài ra, các trụ sở ngành dọc như công an, tòa án, viện kiểm sát…. Mỗi ngành tự bỏ kinh phí để di dời. “Các trụ sở này sau đó cũng sẽ được tận dụng chứ không bỏ hoang hay đập bỏ. Trụ sở công an thì làm trạm tuần tra giao thông chẳng hạn….”, ông Mai nói.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã đồng ý chủ trương di dời trung tâm hành chính huyện Nam Giang. Huyện này xin 260 tỷ để phục vụ việc di dời, tuy nhiên tỉnh chỉ đồng ý cấp 100 tỷ nhưng đề án này vẫn chưa phê duyệt và chờ thông qua trong kỳ họp HĐND tỉnh ngày 9/12 tới.
Ông Đinh Văn Thu nói rằng, không dám chắc sau này huyện Nam Giang có xin chuyển trụ sở nữa hay không. Ảnh. Tiến Hùng. |
“Tôi đọc lại hồ sơ, không hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đưa trụ sở lên đó. Tôi không dám phán quyết lịch sử, phán xét những người tiền nhiệm. Nhưng thực ra, tôi thấy thiếu cơ sở, thiếu sự phát triển khi khu hành chính không gắn với dân cư và kinh tế….”, ông Thu nói về việc dời trung tâm hành chính từ Thạnh Mỹ lên Bến Giằng trước đây. “Thực tế khi chuyển lên đó, Bến Giằng không thêm cái gì. Phục vụ hành chính là phục vụ dân, gắn kết với dân sinh nhưng trung tâm hành chính lại nằm độc lập, xa dân quá không phát triển được…”.
Ông Thu cho hay, “Tỉnh ủy nhìn nhận việc dời trung tâm hành chính về lại Thạnh Mỹ là nhu cầu hợp lý và cần tính toán khoa học. Nhưng cũng lưu ý việc di dời với mục tiêu đảm bảo cho sự phát triển của huyện, tránh lãng phí trong việc sử dụng các cơ quan trụ sở cũ”, ông Thu nói và không dám chắc sau này huyện Nam Giang lại tiếp tục chuyển trụ sở nữa hay không.
“Sau này có khi lại chuyển lên xã Chaval, La Êê là những xã giáp biên giới nhưng cửa khẩu mà phát triển mạnh. Ví dụ, có khi Chaval phát triển thành thị tứ và mạnh lên, hàng hoá qua cửa khẩu cũng mạnh lên thì lúc này di chuyển cũng hợp lý vì Thạnh Mỹ cũng đã phát triển rồi”, vị chủ tịch tỉnh nói.
Nam Giang là huyện vùng cao với 80% dân số là người dân tộc, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là lần thứ 3 trong vòng 30 năm qua, huyện này chuyển trung tâm hành chính. Năm 1984, cho rằng Bến Giằng (xã Cà Dy), có vị trí không thuận tiện, huyện này chuyển trụ sở xuống thị trấn Thạnh Mỹ, cách vị trí cũ hơn 10 km. Đến năm 1997, lãnh đạo huyện này tiếp tục xin chuyển trụ sở lên Bến Giằng với lý do được cho là sợ nhà máy xi măng sắp xây dựng ở thị trấn, gây ô nhiễm. Khi trung tâm hành chính được đầu tư hàng trăm tỷ vừa được hoàn tất ít năm thì huyện này lại một lần nữa xin chuyển trụ sở về lại thị trấn Thạnh Mỹ. Việc này khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng tốn kém và quá lãng phí. |
Tiến Hùng