Khuya 1/12, hàng chục người mất nhà trong trận hỏa hoạn mắc võng, kê giường xếp nằm tạm trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, Yersin (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1). Người già nằm co ro, còn các đứa trẻ cuốn mình trong chiếc chăn mỏng, ngủ li bì. Nhiều vật dụng gia đình như tivi, tủ lạnh, quần áo... được chất thành từng đống, ngổn ngang.
Anh Hóa ngồi thẫn thờ dưới lòng đường sau trận hỏa hoạn chiều 1/12. Ảnh: Duy Trần |
Ngồi bệt dưới lòng đường, người chỉ mặc chiếc quần cụt, ông Phạm Văn Hóa cầm hộp cơm nguội lạnh, mắt thẫn thờ nhìn về ngôi nhà bị cháy nằm sâu trong hẻm. Người đàn ông 43 tuổi cho biết đang thức canh đồ đạc cho con và mấy đứa cháu nhỏ.
"Tui sao cũng được, tội mấy đứa nhỏ, mất nhà phải nằm phơi sương gió ngoài đường. Hôm nay vậy rồi những ngày sau thế nào, thiệt tui không dám nghĩ đến", anh Hóa thở dài.
Bỏ lại hộp cơm vào bọc nylon, người đàn ông cho biết từ trưa giờ chưa ăn gì nhưng không thấy đói. Ông kể chiều 1/12 khi đang nằm trong nhà thì hốt hoảng bởi những tiếng la thất thanh "cháy, cháy". Thò đầu ra thấy khói nghi ngút, ông ôm vội đống quần áo phóng như bay xuống đường. Ngọn lửa cũng bén đến ngôi nhà gỗ ngay sau đó.
""Chỉ mang được đống áo quần, còn lại tivi, tủ lạnh và hầu hết đồ đạc còn trong nhà. Bao nhiêu tài sản, đồ đạc tích cóp mấy năm mới mua được đó chứ. Giờ coi như trắng tay, làm lại từ đầu rồi. Thu nhập tui cũng ba cọc ba đồng vừa đủ trang trải qua ngày, biết bao giờ mới mua lại được", giọng người đàn ông làm nghề xe ôm trầm hẳn.
Ngôi nhà dựng bằng cây vừa cháy rụi của ông Hóa rộng chừng 2,6 m, dài 4 m nhưng được dựng thành 3 tầng là nơi sinh sống của đại gia đình gần 10 người. Ông chạy xe ôm, các con sống chung nhà đều đi làm nhưng không có công việc ổn định nên tương lai của gia đình sau trận cháy còn bỏ ngỏ.
"Giờ phải có 40 triệu mới sửa sang, làm lại căn nhà cây như cũ trong khi đó một đồng tiết kiệm chúng tôi cũng không có vì khó khăn. Cả khu ổ chuột này ai cũng nghèo như nhau, mà có nghèo mới sống ở đây. Hy vọng chính quyền địa phương giúp đỡ nơi ăn chốn ở thời gian tới để chúng tôi có nơi chui ra chui vô, các cháu được đi học", anh Hóa bày tỏ.
Nhiều người chịu cảnh ngủ vỉa hè với gió, sương lạnh. Ảnh: Duy Trần |
Nằm trên võng, tay gác trán, mắt nhìn xa xăm, bà Huỳnh Thị Hà lâu lâu lại trông sang hai cháu đang quấn trong chăn ngủ li bì cạnh bên. Bà Hà cho biết đến giờ vẫn chưa tin vào sự thật khi đám cháy thiêu rụi căn nhà của gia đình.
"Giờ này hôm qua còn nằm nhà xem tivi thì đêm nay đã ngủ ngoài đường. Cái tivi lúc chiều bưng ra không kịp giờ không biết sao nữa. Mọi thứ đột ngột, nhanh quá. Chỉ hy họng bên trong nhà còn sót lại một số thứ", bà Hà rấm rứt khóc.
Ôm đứa cháu đang học lớp 6 vào lòng, người đàn bà 54 tuổi trăn trở không biết tương lai gia đình trôi về đâu. "Bà cháu chúng tôi giờ như người vô gia cư rồi. Mất nhà và không biết ngày mai sẽ như thế nào. Sắp nhỏ chẳng biết ăn uống, học hành ra sao vì cha mẹ nó với cả tui cũng khổ, kiếm không ra tiền", bà Hà lo lắng.
Bà Trần Thị Lệ (54 tuổi) cho biết, căn hộ nhỏ hẹp 3 tầng trong khu chợ này có 10 người trong gia đình sinh sống. Bà mới vừa ẵm cháu ra ngoài thì nghe xảy ra cháy. "Bây giờ tôi không còn bộ quần áo nào để mặc, mới được bà bạn gần đây cho mượn một bộ để thay", bà Lệ lau nước mắt.
>>> Ảnh: Người Sài Gòn ngủ lòng đường, vỉa hè sau trận hỏa hoạn
Với ông Trần Bá Hùng (52 tuổi), đây là lần thứ 2 gia đình ông đối diện với "bà hỏa". Vài chục năm trước, khi ba mẹ còn sống, chợ cũng bị cháy làm cả gia đình không chốn nương thân.
Sau này, gia đình gom tiền mua mảnh đất 9 m2 xây lên 4 tầng. Hiện 12 người trong nhà phải ra đường hoặc ở nhờ bạn bè, người thân. Trước khi xảy ra cháy, do cúp điện, nóng quá nên ông ra đầu hẻm ngồi chơi, hóng mát. Ngọn lửa bùng phát, ông chạy vào cứu tài sản nhưng tàn lửa rơi khắp trên đầu, không thể đi thêm được.
"Nhiều người bồng bế nhau chạy ra ngoài nói 'cháy lớn lắm đừng vào'. Giấy tờ cả đại gia đình tôi cháy hết rồi", ông Hùng kể.
Một bé trai ngủ trên võng xếp trên vỉa hè đường Yersin. Ảnh: Duy Trần |
Bà Hoàng Thị Thu Liên - Bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh - cho biết, địa phương đã bố trí một phần người dân có nhà bị cháy vào nghỉ tạm tại đình Nhơn Hòa gần đó, chờ sắp xếp chỗ ở vào 26 căn hộ chung cư. Bước đầu, phường đã vận động các mạnh thường quân 30 triệu hỗ trợ các hộ dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo bà Liên, những căn nhà bị cháy thuộc khu bán gà, bán gạo của chợ đầu mối Cầu Ông Lãnh có từ trước năm 1975. Khu này có diện tích 6.700 m2 với 250 hộ và 756 nhân khẩu, có nhiều nhà "ổ chuột", che chắn bằng miếng gỗ tạm bợ. Phía trên là đường dây điện, cáp viễn thông chằng chịt.
Năm 1971, khu chợ Cầu Ông Lãnh này từng bị hoản hoạn thiêu rụi gần như toàn bộ. Đến năm 1999, chợ này lại cháy lớn, tiểu thương dần chuyển sang các chợ khác buôn bán.
Duy Trần - Hải Hiếu