(70 nam TDTT) - Sau khi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 1/1/1955 nhân dân Thủ đô đón chào Đảng, Chính phủ, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội bằng cuộc mít tinh lớn trên Quảng trường Ba Đình. Lịch sử nước nhà nói chung và nền TDTT cách mạng nói riêng cùng bước sang trang sử mới...
Ông Hoàng Anh - Chủ nhiệm Ban Thể thao Trung ương (1956) làm việc với Bác Hồ.
Nền móng tái thành lập Ngành TDTT
Một ngày hạ tuần tháng 4 năm 1955, đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn được triệu lên gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Vừa dứt câu chào, ông Vượng đã được nghe từng lời ân cần từ Bác:
- Chú chưa đưa cô Nghĩa và các cháu từ Bố Hạ hồi cư về Hà Nội à? Vợ chồng xa cách đến gần trăm cây số, hàng tuần đạp xe đi về như vậy hại sức khỏe lắm! Ông Vượng nghe Bác nói vậy càng lúng túng hơn, chưa kịp giãi bày thì Bác nói tiếp:
Bác giao công việc cho chú đây: “Ba Lan mời Chính phủ ta cử một đoàn đại biểu thanh niên ưu tú sang dự Festival Thanh niên-sinh viên thế giới. Chú và mấy cô chú nữa đại diện cho Thanh niên Việt Nam tham dự. Nhưng sẽ đi trước để tìm hiểu, các nước bạn Đông Âu tổ chức hệ thống cơ quan TDTT, mở trường đào tạo cán bộ, tập trung lực lượng VĐV thể thao giỏi như thế nào!
Lát sau, Bác nói tiếp: “Các nước XHCN họ dạy thể dục cho học sinh, tổ chức chơi thể thao trong trường học như thế nào!? Chú giao mỗi người một việc, cho phù hợp, cần ghi chép tỉ mỉ... Miền Bắc đã hòa bình nhưng còn phải lo lao động hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhân dân cần có sức khỏe. Việc ăn ở, chính phủ lo cho dân. Còn sức khỏe của dân, của thanh niên, học sinh các cấp... Bác giao cho các cô, các chú lo liệu. Chú có làm được không thì nói cho Bác rõ”.
Một bản danh sách sau đó được trình lên Bác gồm: Nguyên cầu thủ bóng đá Trương Tấn Bửu, Y sĩ quân đội kiêm cựu lực sĩ điền kinh Vũ Quang Tiệp, cua-rơ xe đạp Đông Dương Vũ Văn Thân (Hà Nội) và hai nữ VĐV tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương (ESEPPIC - Đà Lạt): Trần Thị Kim Duyên giáo viên thể dục trường Trưng Vương Hà Nội và Nguyễn Thị Thủy nguyên cán bộ thanh vận trong giới học sinh - sinh viên Thủ đô hồi còn bị giặc tạm chiếm.
Ngày 24/5/1955, 5 người có tên trên tập trung tại Trung ương Đoàn. Sau tuần học tập nội quy, ngày 2/6/1955 đoàn do ông Vương Bích Vượng phụ trách lên đường Mục Nam Quan sang Trung Quốc. Từ đấy, 6 người đi tàu hỏa sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, CHDC Đức, Bungari... và đầu tháng 7 đến Ba Lan nhập với Đoàn đại biểu nước nhà dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới ở thủ đô Vacsava.
Trong 3 tuần lễ, tổng kết chuyến đi, một bản “báo cáo” hơn hai chục trang được trình lên Bác. Sau hơn 5 tháng khẩn trương chuẩn bị, tháng 6/1956, Chính phủ ra chỉ thị tái thành lập Ngành TDTT có tên gọi: Ban TDTT Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương
Năm 1956, khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh sang nhậm chức Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương, cơ quan lúc này có gần 100 cán bộ.
Trong thời gian từ cuối năm 1954 đến gần cuối năm 1956, miền Bắc chưa có cơ quan chuyên trách TDTT. Các hoạt động TDTT do các Tỉnh đoàn, Thành đoàn hoặc Ty Văn hóa… chỉ đạo. Từ tháng 9/1954, Đoàn Công tác TDTT (gọi tắt là Thể Công) được thành lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là người rất quan tâm các hoạt động TDTT, đặc biệt trong lực lượng vũ trang.
Khi Chính phủ quyết định thành lập Ban TDTT TƯ. Thông cáo của Hội đồng Chính phủ (Báo Nhân dân ngày 21/6/1956) nhấn mạnh: “Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ban TDTT trung ương để lãnh đạo và phát triển phong trào TDTT trong toàn dân cũng như trong Quân đội”.
Tháng 12/1956 thông qua những chủ trương công tác TDTT. Ngày 6/3/1957, Nghị định số 068/TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Ban TDTT Trung ương trực thuộc Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ giúp Chính phủ lãnh đạo phong trào TDTT trên toàn miền Bắc, kể cả phong trào TDTT trong Quân đội. Đồng chí Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được cử làm Chủ nhiệm Ban TDTT Trung ương. Cán bộ cơ quan Ban TDTT Trung ương hầu hết được chuyển về từ Bộ Quốc phòng, chỉ có một số ít từ Trung ưng Đoàn...
Nhớ mãi lớp cán bộ thứ hai ngày ấy…
Sau lớp cán bộ đầu tiên tại Nha Thể dục Trung ương, thì lớp cán bộ về Ban TDTT Trung ương năm 1956 đã có đóng góp đáng kể xây nền, dựng móng cho “Tòa nhà TDTT” nguy nga lộng lẫy cho đến ngày nay. Những “Anh bộ đội cụ Hồ” đã thành những chiến sĩ trên mặt trận TDTT” 36 Trần Phú từ buổi đầu dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Hoàng Anh phải kể đến các ông, bà:
rần Chí Hiền, Vương Bích Vượng, vài năm sau có thêm Ngô Luân (cùng giữ chức Ủy viên Thường trực); Các Trưởng phòng: Phan Ngươn Đang, sau là Nguyễn Tất Thế (Phòng TDTT Nhân dân), Huỳnh Văn Lệnh (Hành chính), Phùng Duy Thực (Tổ chức), Nghiêm Xuân Đẩu, tiếp đến Võ An Khang, sau là Phùng Duy Phiên (Thể thao Quốc phòng), Đàm Phụng Dực (Tuyên huấn); Các Phó phòng hoặc Trưởng bộ môn: Nguyễn Tính (Tuyên huấn), Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Thanh Trạm (TTQP); Phạm Lượng (bóng chuyền), Nguyễn Văn Toại (bóng đá), thời gian sau có Mai Duy Dưỡng (bóng bàn), Trịnh Khang (bóng rổ), Bùi Văn Phúc (bơi lội), Trần Đình Tùng (quyền Anh về sau là võ vật) cùng thuộc Phòng TDTT Nhân dân); Các VĐV, HLV: Nguyễn Thông (bóng đá), Bùi Tử Liêm, Đoàn Thế Thiêm, Trần Tú Thi (điền kinh), Lý Đức Kim, Phạm Quang Tuyến, Hoàng Cát, Lâm Dũng (bóng chuyền); Cổ Tấn Chương (Hiệu trưởng Trường Sơ cấp TDTT Quần Ngựa), Vũ Tiến Quân (Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp TDTT TƯ), Trương Tấn Bửu (Hiệu trưởng Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương - Nhổn ngày nay), các Phó hiệu trưởng: Mai Xuân Phán, Nguyễn Ngọc Dần, Võ Tiến An); HLV Thể dục Quân sự thuộc Phòng TTQP: Nguyễn Ngọc Tịnh, Lục Quang Minh, Long Hưng Bộ; Nguyễn Thế Hào - Tổng biên tập Báo Thể dục Thể thao.
Thời gian 4 năm đầu, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ban TDTT Trung ương đã chỉ đạo nhiều hoạt động phong trào rộng khắp thu hút đông đảo người tham gia như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, đua xe đạp, bơi lội... Đặc biệt vận động khá thành công phong trào: “Thể dục Mùa Xuân”, chạy dai sức “Việt dã Tiền phong”, đi bộ tranh giải Báo Thể dục Thể thao. Phong trào “Rèn luyện thân thể” mang tên: Đại hội khỏe Thanh niên các cơ quan trung ương; Chạy tiếp sức Hà Nội - Bắc Kinh của sinh viên, học sinh; Cuộc vận động rèn luyện thân thể Thu - Đông - Xuân 1958-1959 có hàng trăm vạn người khắp miền Bắc hăng hái tập luyện...
Ông Hoàng Anh sinh năm 1912 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng từ năm 1936; Lãnh đạo cướp chính quyền tại Huế tháng 8/1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế rồi lên Liên khu 4. Năm 1953 tham gia Quân đội, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng.
Tết Bính Thân 2016 sắp tới, cụ Hoàng Anh sẽ đại thượng thọ 104 tuổi. Về thăm Nhà lưu niệm tại quê xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi: “Đồng chí Hoàng Anh - người con ưu tú của Thừa Thiên - Huế, người Đảng viên cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo tài năng đức độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Xin chúc đồng chí Hoàng Anh trường thọ, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân...”.
Trương Xuân Hùng