Chia sẻ với VnExpress, Trần Bảo tại Australia cho biết, hai hôm nay hàng trăm du học sinh hoang mang khi phát hiện vé máy bay về quê ăn Tết không thể sử dụng. Người bán vé là Vi Tran đã khóa Facebook và tắt điện thoại.
Bảo cho hay, Vi Tran chuyên bán vé máy bay online tại Australia, làm được một năm và rất được lòng du học sinh vì giá rẻ. Người mua trước giới thiệu cho bạn bè, người thân và thời gian gần đây số du học sinh đặt vé về ăn Tết rất đông.
Bạn Mai Hoàng đang bị lừa với số tiền nhiều nhất lên tới 8.000 AUD. |
Cách làm của Vi Tran là nhận tiền qua ngân hàng rồi gửi vé cho người mua. Thông tin vé rất rõ ngày, giờ bay, nhưng thực chất chỉ là vé booking (đặt giữ chỗ) chứ không phải là vé chính thức. Nhiều người kiểm tra lại từ hãng thì mới phát hiện vé đã bị huỷ.
Theo thống kê của Hội sinh viên tại Australia thì hiện tại có 157 người thông báo bị lừa với tổng số tiền lên tới 154.000 AUD. Giá vé mỗi người mua dao động từ 950 đến 1.800 AUD (một AUD bằng hơn 16.000 đồng). Người thông báo bị lừa nhiều nhất là Mai Hoàng (ở Melbourne) khi đặt mua vé máy bay cho 5 người trong gia đình với tổng số tiền lên tới hơn 8.000 AUD.
"Cũng có nhiều người mua vé khứ hồi đã về được Việt Nam, nhưng vé quay lại bị huỷ, tức là Vi Tran đã huỷ vé quay lại của họ để lấy tiền", Trần Bảo cho hay.
Hiện nay, những du học sinh bị Vi Tran lừa đã đến sở cảnh sát ở cả 2 thành phố lớn là Sydney và Melbourne để gửi đơn khiếu nại, đồng thời thông báo tình hình với ngân hàng vì tiền mua vé máy bay đều được chuyển qua đây.
"Mình đã bỏ ra 22 triệu đồng để mua vé của Vi Tran và bị lừa. Giờ mình hỏi vé của Vietnam Airlines ở trong nước giá 27 triệu đồng. Vừa đi học vừa làm thêm rồi dồn góp mới có tiền về quê ăn Tết, giờ vẫn chưa biết tính sao", một nữ sinh tâm sự.
Vé máy bay mà Vi Tran gửi cho người mua, khi kiểm tra thì đã bị hủy. |
Một du học sinh tại Australia phân tích, dựa trên thông tin mà các bạn cung cấp, có thể thấy rõ cách làm việc của Vi Tran là khi mọi người đặt vé thì nhận được code vé máy bay. Vi Tran biết người đặt sẽ không check code vé ngay nên sau đó đã hủy vé đặt, do đó code người mua nhận được không còn hiệu lực.
Tới gần ngày bay, mọi người check code không thấy thông tin của mình mới hỏi đến Vi Tran. Lúc này cô ta mới lấy phần tiền của những người khác để mua vé cho người hỏi. Thế nên mới có bạn được lên Business class (hạng thương gia) là do Vi Tran mua vé trễ, hoặc có những lúc Vietnam Airlines hết vé thì phải mua từ hãng khác hoặc trả lại tiền với lý do hãng hàng không bán quá vé.
"Tóm lại, cách làm việc của Vi Tran là lấy tiền người này đắp qua cho người khác. Không ngờ là mấy hôm nay nhiều bạn lại check code vé máy bay của mình và phát hiện bị lừa đảo nên Vi Tran mới chạy trốn. Chắc chắn Vi Tran vẫn còn ở Australia và đang nghĩ cách trốn thoát nên mong rằng các bạn/anh chị hãy tích cực làm việc với cảnh sát để bắt kẻ lừa đảo này", du học sinh nói trên nhận định.
Lan Hạ