Nhân loại đã công nhận điều mà bộ óc vĩ đại Albert Einstein nói “thiên tài là 1% của trí tuệ và 99% của mồ hôi”, nhưng chỉ một trận đấu với Arsenal, Leo Messi đã có bài đối thoại với ông theo một cách đặc biệt.
Thông minh như Pirlo, nhưng mỗi trận, tiền vệ được ví như Da Vinci của hội họa, trung bình di chuyển quãng đường lên tới 10km thời còn ở Juventus, chỉ kém có Vidal. Người được gọi là Einstein của châu Âu Xavi, thời còn thi đấu cho Barcelona cũng miệt mài không kém. Mỗi trận tiền vệ này có thể di chuyển trung bình hơn 9km.
Nghĩ nhiều mới thành công
Đó là hai trong số những tiền vệ thông minh nhất của bóng đá đương đại, họ không được gọi là thiên tài nhưng cũng xếp vào hàng quái kiệt. Đến ngay cả cầu thủ bị coi là lười biếng như Mesut Oezil, cũng có thể chạy xấp xỉ hơn 11km trong 90 phút.
Và cũng không ai đúng hơn Cris Ronaldo cho câu nói của Einstein, anh là một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất thế giới nhưng cũng phải lao động cật lực, từ tập luyện cho tới thi đấu trên sân. Trung bình một trận, Ronaldo ngốn đến hơn 9km và tốc độ của anh thì vào hàng nhanh nhất thế giới.
Thời còn làm việc, HLV Alex Ferguson rất thích sử dụng những cầu thủ như Park Ji Sung hay Valencia. Những người được gọi là pin Duracell bền bỉ và giàu năng lượng. Thậm chí, Rio Ferdinand còn phải trầm trồ thán phục tiền vệ người Hàn Quốc rằng, “anh ấy là một cầu thủ thật sự là cầu thủ”. Nghĩa là chạy rất nhiều, cả có bóng và không bóng. Chạy nhiều đến mức thành câu nói nổi tiếng “chạy ra chiến thuật”.
Dĩ nhiên, Park Ji Sung không phải thiên tài. Anh cũng không phải mẫu cầu thủ khổ luyện thành tài như Ronaldo. Nhưng là một trong những lí do để người ta tin rằng, lao động sẽ có vinh quang.
Leo Messi thì không như vậy. Người ta từng so sánh khối lượng “công việc” của Messi với Xavi và Ronaldo như sau: Nếu Messi chạy 44km trong 482 phút thi đấu anh ghi được 5 bàn và kiến tạo 3 bàn khác. Ronaldo chạy 76km trong 630 phút thi đấu, ghi 7 bàn và kiến tạo 1. Xavi chạy 56km trong 441 phút, không bàn thắng, không kiến tạo. Điều đó cho thấy, chạy ít hơn không có nghĩa đóng góp ít hơn hay thiếu hiệu quả hơn. Ngược lại, tư duy chính xác sẽ đưa đến thành công. Tự thân số danh hiệu và bàn thắng mà Messi có được đã nói lên điều đó.
“Phản biện” Einstein
Xavi hay Pirlo là sự kết hợp hoàn hảo giữa trí thông minh và lao động. Leo Messi không mạnh mẽ về thể lực như Ronaldo, chạy không nhanh và cũng không chạy nhiều bằng tiền đạo người Bồ Đào Nha. Anh là thiên tài giản đơn nhất của mệnh đề đảo ngược: “Thiên tài là 1% của lao động và 99% của tài năng bẩm sinh”.
Ở trận gặp Arsenal, Messi chỉ chạy nhiều hơn thủ thành Stegen (người chôn chân trong khung gỗ và vòng cấm địa) với 8,4km. Trong hơn 60 phút đầu tiên, anh rất đủng đỉnh, di chuyển ít, tăng tốc ít, cũng rất ít những đường chuyền có tính tổ chức trận đấu.
Hãy nhìn lại bàn thắng đầu tiên của anh ở trận này. Cho đến trước khi Suarez nhận bóng từ Neymar, anh vẫn lững thững ở phần sân nhà và bị Monreal theo sát. Rồi khi tiền đạo người Uruguay nhả bóng lại cho Neymar đến lúc bóng nằm trong lưới của Petr Cech. Cầu thủ xuất sắc nhất chỉ cần 7 giây và 2 lần chạm bóng đã mang về chiến thắng cho Barcelona. Ở đó, người ta thấy được sự nhạy cảm của một thiên tài. Một là khả năng tư duy tình huống và hai là xử lý bóng bước một hoàn hảo để loại bỏ Cech. Hai lần chạm bóng đấy chỉ diễn ra trong hai giây.
Lorenzo Buenaventura, trợ lý của Pep Guardiola ở Barca từng nói về Messi thế này, “đi bộ, đi bộ để phán đoán và mọi chuyện diễn ra như dự tính”. Đấy chẳng phải là thiên tài chạy ít, tư duy nhiều nên vĩ đại sao!